SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 19/03/2024
  • Click để copy

Trầm cảm sau sinh và những điều cần biết

06:11, 16/06/2017
(SHTT) - Trầm cảm sau sinh là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ án đau lòng. Và điều nguy hiểm là khi xã hội ngày càng phát triển, tỉ lệ trầm cảm sau sinh càng tăng cao. Vì vậy gia đình cần nắm rõ những biểu hiện của trầm cảm sau sinh để giúp các bà mẹ vượt qua giai đoạn này.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm là một dạng bệnh rối loạn thường gặp trong tâm thần học. Nó khiến người bệnh rơi vào trạng thái buồn bã, mất hứng thú trong thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tâm trạng, hành vi của người bệnh. Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào nhưng dễ xảy ra ở nữ giới hơn. Đặc biệt, trầm cảm sau sinh cũng là vấn đề rất cần được chú ý.

Trầm cảm sau sinh là bệnh mô tả một loạt những biểu hiện suy giảm về tinh thần lẫn thể chất, xảy ra với một số sản phụ trong thời kỳ hậu sản. Triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau sinh, có thể xảy ra sau bất cứ lần sinh nào, không chỉ có ở đứa con đầu, có thể tự giảm dần trong một khoảng thời gian ngắn hoặc cũng có thể kéo dài.

tram cam sau sinh

 Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh có thể ở mức độ nhẹ hoặc ở mức độ nguy hiểm như có ý tưởng muốn tự sát hoặc những hành động làm chết chính con mình. Trầm cảm sau sinh dễ làm người phụ nữ mất khả năng chăm sóc trẻ an toàn, và nếu không điều trị, các triệu chứng có thể ngày càng xấu hơn và kéo dài thậm chí cả năm.

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh

Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng chứng trầm cảm sau sinh (postpartum depression - PPD) là một hội chứng khá phổ biến với các bà mẹ trẻ. Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản có thể dẫn đến hội chứng trầm cảm sau sinh.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến trầm cảm sau sinh là do phụ nữ bị thay đổi nội tiết. Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc đã chỉ ra, sự gia tăng hormone estrogen và progesterone trong thời gian mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển của những bộ phận quan trọng nhất trong hệ thần kinh trung ương của người phụ nữ. 

tram cam sau sinh b

 Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh

Lượng estrogen trong thời kỳ mang thai có thể cao hơn gấp vài trăm lần so với mức bình thường, từ đó thay đổi tạo hình thần kinh của não bộ hay sự tái sinh của tế bào thần kinh, khiến nữ giới trở nên hay quên, ngại tiếp xúc. 

Cùng với đó, phụ nữ cũng chịu sự hay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa sau sinh dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

Tâm lý của phụ nữ sau sinh rất nhạy cảm vì vậy mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân cũng khiến họ bị stress. Nhiều phụ nữ trẻ lần đầu làm mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc em bé, từ đó họ bị căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé, mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.

Yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân gây ra hội chứng này. Nếu trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh càng cao.

Người dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh là người có tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lặp lại 50%. Hoặc gặp những việc gây căng thẳng như bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp, trong khi thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng.

Người phụ nữ bị suy nhược cơ thể, lo lắng, hoảng hốt, cảm giác bị ám ảnh, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ cũng có thể dẫn tới bệnh.

Biểu hiện của trầm cảm sau sinh

Suy nhược cơ thể: Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt. 

Lo lắng: Những bà mẹ suy yếu thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại chẳng tìm ra nguyên nhân. Thường là đau ở đầu và ở cổ. Những người khác lại đau lưng, đau ngực, có thể là do các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe đến nỗi điều này càng làm cho họ stress thêm.

Triệu chứng thường gặp nhất là đau một vùng nào đó trên cơ thể và cảm giác bị bệnh. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu  không được chữa trị.

Co mình và không muốn giao tiếp với người khác: Những suy nghĩ về bạn bè và người thân đến thăm em bé mới sinh khiến cho phụ nữ có cảm giác sợ hãi, họ cũng thường bấm phím im lặng khi điện thoại đổ chuông. Trầm cảm thường biểu hiện trong một cảm giác bị cô lập và không muốn tham gia thế giới bên ngoài.

tram cam sau sinh a

 Biểu hiện của trầm cảm sau sinh

Hoảng hốt: Người mẹ có thể cảm thấy hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày, và khó có thể bình tĩnh lại. Vì thế, tốt nhất là giúp họ tránh những tình huống mà họ bị stress. 

Căng thẳng: Căng thẳng thường đi kèm với trầm cảm. Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra. 

Cảm giác bị ám ảnh: Bà mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi. Điều này thường không có nguyên do, nhưng nếu người mẹ sợ ảnh hưởng đến con mình thì nên báo với gia đình và bác sĩ. 

Mất tập trung: Một phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cũng sẽ bị giảm trí nhớ, họ khó tập trung khi đọc sách, xem TV và luôn trong cảm giác tồi tệ.

Rối loạn giấc ngủ: Nếu bị trầm cảm sau sinh thì các bà mẹ rất khó ngủ, họ thức giấc liên tục giữa đêm, thậm chí còn gặp ác mộng và không thể ngủ lại.

Tình dục: Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh. Hứng thú tình dục sẽ trở lại khi mẹ hết trầm cảm. Các ông bố nên kiên nhẫn và cố gắng an ủi vợ hồi phục khỏi trầm cảm sau sinh. Cách giúp mẹ cảm thấy thoải mái bao gồm đụng chạm nhẹ, ôm  ấp và vuốt ve, sẽ tốt cho cả hai.

Triệu chứng tâm lý: Tâm trạng buồn bã, giảm hứng thú hoạt động, cảm thấy vô dụng hay tội lỗi, khó tập trung hoặc không quyết đoán, thường nghĩ đến cái chết và tự tử, thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân, suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm, mệt mỏi, thiếu sinh lực 

Hậu quả của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến cả mẹ, bé và người thân, đặc biệt là người chồng trong gia đình.

Ảnh hưởng đến mẹ: Tình trạng trầm cảm nặng kéo dài quá 2 tuần, người mẹ sẽ rơi vào trạng thái rối loạn tư duy và hành vi, với các biểu hiện như luôn cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo( hoang tưởng nghi bệnh), buồn rầu và hay khóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, không làm chủ được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Thậm chí, nhiều người mẹ còn không quan tâm tới con của mình, bỏ mặc, hành hạ con, thậm chí giết hại con hoặc tự sát. Bên cạnh đó, việc trầm cảm kéo dài làm rối loạn hệ thống nội tiết cho cơ thể, có thể khiến cho người mẹ mất sữa, rối loạn chuyển hóa, nguy cơ cao về các chứng bệnh tim mạch và tiêu hóa.

Ảnh hưởng đến con:

Những vấn đề về hành vi: Những đứa trẻ này có xu hướng có những hành vi bất thường, ví dụ như những vấn đề về giấc ngủ, hành vi dễ bùng nổ, kích động và tăng hoạt động.

Chậm trong việc phát triển nhận thức: Những đứa trẻ này thường chậm trong phát triển về nhận thức, chậm nói, chậm đi hơn những trẻ khác. Chúng cũng có thể gặp những khó khăn trong học tập cùng những vấn đề khác khi ở trường.

Những vấn đề về xã hội: Những đứa trẻ này thường gặp khó khăn trong các mối quan hệ tại trường học, với bạn bè cùng lứa tuổi, trẻ thường thu rút những mối quan hệ xã hội hoặc có những cách cư xử bất bình thường.

Những vấn đề về cảm xúc: Những đứa trẻ này thường có lòng tự tin thấp, dễ lo âu và sợ hãi, bị động hơn những trẻ khác, thường hay phụ thuộc và có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh

Hỗ trợ từ người thân:

Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng. Người thân nên nhớ rằng người mẹ không được khỏe và đừng quấy rầy, cố gắng đối xử một cách bình thường với người mẹ đó.

Trầm cảm không phải là một dấu hiệu của bệnh. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người mà người mẹ có thể tin tưởng ở bên cạnh.

Điều trị bằng thuốc:

Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà. Người mẹ cũng cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh và kê đơn thuốc hợp lý.

Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng mà nên đến bác sĩ tư vấn thêm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người mắc bệnh tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, và cần sự kiên nhẫn.

Người bị trầm cảm sau sinh nên được nghỉ ngơi nhiều bởi vì sự mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Các bà mẹ nên ăn uống đầy đủ, ăn nhiều hoa quả, trái cây, tránh thức khuya…

Để phòng chứng bệnh này, người phụ nữ nên được động viên, gần gũi và chia sẻ với thai phụ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé sau sinh.

PV

Tin khác

Khoa học Công nghệ 18 giờ trước
(SHTT) - Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 sẽ diễn ra tại tỉnh Bắc Giang trong 3 ngày (20, 21, 22/3). Cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.
Tin tức 1 ngày trước
Chuyến bay liên thành phố đầu tiên trên thế giới với một chiếc taxi bay điện trong nỗ lực cách mạng hóa du lịch đã được công ty AutoFlight của Trung Quốc thực hiện thử nghiệm thành công.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm lượng nước nuôi trồng tới 98% và sử dụng ít diện tích hơn, trạng trại thẳng đứng của Dubai được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp bền vững cho vấn đề về nguồn lương thực và bảo vệ môi trường.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Tại Diễn đàn Báo chí Toàn quốc năm 2024, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.
Khoa học Công nghệ 4 ngày trước
(SHTT) - Một trong những giải pháp của Huyện Đoàn là phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho ĐVTN; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ĐVTN cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại; như Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ XII do Trung ương Đoàn phát động trên App Thanh niên Việt Nam...