SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

HoREA tiên đoán thế nào về "bong bóng" bất động sản năm 2019?

16:00, 10/08/2018
(SHTT) - Hiệp Hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh HoREA vừa có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Xây dựng và UBND thành phố về xu hướng thị trường bất động sản địa phương này cho đến hết năm 2019.

 Đây là khẳng định của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) trong Báo cáo mới đây về Thực trạng thị trường bất động sản và dự báo xu hướng phát triển đến Tết Kỷ Hợi 2019.

bong_bong_bat_dong_san_CPIJ

 Hiện tượng "bong bóng" BĐS  khó có thể xảy ra trong năm 2019.

Loạt nguyên nhân dẫn đến "bong bóng" BĐS trong quá khứ 

Theo HoREA, có ý kiến quan ngại về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng của thị trường bất động sản trong 30 năm qua, nhưng chưa có cơ sở để kết luận có quy luật khủng hoảng theo chu kỳ như nhận định nêu trên. Nghiên cứu hai cuộc khủng hoảng "bong bóng" bất động sản năm 2007 đến đầu năm 2008, và từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2011 cho thấy đã bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8,48% là mức rất cao. Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng GRDP năm 2007 đạt mức 12,6% cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm kể từ năm 1997, dẫn đến thực tế là nhiều doanh nghiệp và người dân dễ kiếm tiền và bất động sản là kênh đầu tư là tài sản được lựa chọn để cất trữ, để kinh doanh, kể cả đầu cơ.

Nguyên nhân thứ 2 là bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tín dụng, các ngân hàng thương mại đã cho vay dưới chuẩn, thể hiện tăng trưởng tín dụng năm 2007 rất cao lên đến hơn 37%. Trong đó, một phần rất lớn nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội đổ vào đầu tư kinh doanh bất động sản. Đồng thời, đã có tình trạng các ngân hàng thương mại buông lỏng việc kiểm soát nguồn vốn vay tín dụng mà lẽ ra phải được sử dụng đúng mục đích.

Một yếu tố cũng góp phần tạo "bong bóng" BĐS là do  đã có sự phát triển lệch pha cung - cầu sản phẩm trên thị trường bất động sản, chủ yếu là phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp.

Ngoài ra, xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, môi giới, cò đất, cò nhà, đi đôi với các đợt sóng tăng giá bất động sản với tần số chóng mặt, và giới đầu cơ chuyên nghiệp "cầm trịch" làm giá, thổi giá, tạo sóng, đẩy giá ảo rất cao so với giá trị thực của bất động sản để trục lợi, kiếm lời nhanh, kích thích tâm lý đầu tư "lướt sóng".

Yếu tố thứ 5 khiến thị trường rơi vào khủng hoảng còn bắt nguồn từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế, công cụ về tín dụng, công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng".

Cuộc khủng hoảng "bong bóng" bất động sản năm 2010 còn có thêm một nguyên nhân nữa là hệ quả của gói kích cầu đầu tư với quy mô tương đương 01 tỷ USD vào giữa năm 2009, mà trong đó, có một phần đáng kể nguồn vốn này được sử dụng sai mục đích để đầu tư vào bất động sản mà không được các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ.

Khó có thể xảy ra "bong bóng" BĐS trong năm 2019

Theo HoREA, từ sự phát triển thực tiễn của thị trường BĐS hiện nay và đối chiếu với những nguyên nhân dẫn đến "bong bóng" bất động sản nêu trên có thể khẳng định sẽ không xảy ra "bong bóng" bất động sản trong những tháng cuối năm 2018 và cũng khó xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2019.

Năm 2017, tăng trưởng GDP cả nước đạt 6,81%, là mức tăng trưởng tích cực và hợp lý. Hiện nay, nền kinh tế không có biểu hiện tăng trưởng nóng. Các thành phần kinh tế đang có xu thế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp với 126.859 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017, số vốn đăng ký là 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,6 lần về số lượng doanh nghiệp, và tăng 2,5 lần về số vốn đăng ký so với năm 2016. 

Riêng 06 tháng đầu năm 2018, đã có 52.322 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 516.900 tỷ đồng, trong đó, có 2.600 doanh nghiệp bất động sản, chiếm 5% tổng số doanh nghiệp và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2017; GDP cả nước tăng 7,08%; GRDP thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,86% cũng là mức tăng trưởng tích cực và hợp lý, đảm bảo có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,5-6,7% mà Chính phủ đã đặt ra.

Về tăng trưởng tín dung, trong năm 2017 tăng trưởng tín dụng của cả nước đạt 18,17% (chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng 37% của năm 2007). Dự kiến năm 2018 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17% cũng là mức tăng tích cực và hợp lý. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố chủ trương không nới "room" tín dụng trong những tháng cuối năm, và đang tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt, và lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (Năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, chủ yếu là lĩnh vực bất động sản; Theo lộ trình, tỷ lệ này sẽ giảm còn 40% kể từ ngày 01/01/2019). 

Các ngân hàng thương mại không có hiện tượng buông lỏng tín dụng hoặc cho vay dưới chuẩn. Lãi suất huy động tiết kiệm hiện nay khá ổn định và có xu thế tăng cao hơn đối với các khoản gửi dài hạn; Lãi suất cho vay trung và dài hạn cũng giữ trong khoảng 9,3-11%/năm là hợp lý. Vấn đề đáng quan ngại là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 tăng gần 15% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng, trong đó, có 52,9% tổng tín dụng tiêu dùng cho vay với mục đích mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở (tăng 3,4% so với năm 2016), mà một phần không nhỏ đã chuyển qua kinh doanh bất động sản, cần được quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Như vậy, việc xảy ra hiện tượng "bong bóng" BĐS là rất khó bởi các cơ quan Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế, công cụ về tín dụng, công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng". Không những thế, các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư và người tiêu dùng hiện nay đều thông minh hơn nhiều so với thời kỳ trước đây. 

Thu Hiền

Tin khác

Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Liên kết hữu ích