SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Vua Quang Trung – Hoàng đế anh hùng chiến trận

06:49, 20/02/2018
(SHTT) - Nguyễn Huệ - Quang Trung là vị anh hùng có những chiến công hiển hách bậc nhất của dân tộc, đặc biệt trong chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc khi đích thân ông cầm quân đánh tan tác quân Xiêm và quân nhà Thanh Trung Hoa.
qt 1

  Di tích lịch sử Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút ở Tiền Giang hiện nay. 

Quang Trung, trước hết là vị anh hùng của chiến trận. Lịch sử không có trang nào ghi nhận sự thất bại của ông trên tất cả các chiến trường. Điều này khiến ông khác hẳn với Napoleon, cũng là anh hùng chiến trận của nước Pháp nhưng vị hoàng đế này thất bại ê chề kể từ năm 1812, hết thua nước Nga trong trận chiến nổi tiếng ở Matxcova, sau đó là Waterloo, chấm dứt đế chế Napoleon.

Đánh sập tập đoàn Chúa Trịnh

Nguyễn Huệ, 18 tuổi đã cầm quân, Chính ông chứ không phải Nguyễn Nhạc đã đánh sập tập đoàn phong kiến già nua Lê-Trịnh ở phía Bắc và cả chế độ phong kiến phía Nam của Chúa Nguyễn, chấm dứt cuộc nội chiến Bắc Nam kéo dài hơn 100 năm. Nên nhớ rằng trong cuộc nội chiến ấy, có ít nhất 7 cuộc đại chiến Trịnh-Nguyễn với binh lực cả hai bên đều rất hùng mạnh nhưng không bên nào có chiến thắng trọn vẹn.

qt 2

Tượng Hoàng đế Quang Trung, tại bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện tây Sơn, tỉnh Bình Định 

Đây là một chiến công rất đặc biệt của Nguyễn Huệ khi đang là tướng của Nguyễn Nhạc, được trao quyền tấn công Bắc Hà. Chỉ trong vòng 2 tháng trong năm 1786 Nguyễn Huệ tiêu diệt tập đoàn chúa Trịnh. Ở phía Nam, Nguyễn Huệ đẩy Chúa Nguyễn phải lưu vong tận Thái Lan, để từ nơi ấy, Nguyễn Ánh dẫn quân Xiêm về nước để “giày mả tổ”.

Quân Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp

Bi kịch thay, Nguyễn Ánh “rước voi về giày mả tổ” cũng là giúp Nguyễn Huệ lập nên chiến công khác rất hiển hách hơn, khi đánh tan tác hơn 3 vạn quân Xiêm, làm nên chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút lẫy lừng.

Quân Xiêm trước đó đã nhiều lần xâm phạm bờ cõi của Chúa Nguyễn ở Hà Tiên, giờ đây được Nguyễn Ánh “mời” về thì đâu có thể từ chối. Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định khoảng 10 ngày sau, chỉ trong 1 ngày - đêm 19 rạng sáng 20-1 thì đánh trận Rạch Gầm - Xoài Mút, tiêu diệt gần như hoàn toàn hơn 2 vạn quân Xiêm thiện chiến cùng hơn 300 chiến thuyền. Sử nhà Nguyễn sau này, tuy thù oán Nguyễn Huệ nhưng trong Đại Nam thực lục ghi rất rõ” “...quân Xiêm (từ sau khi thua trận Rạch Gầm - Xoài Mút) tuy ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp”.

qt 3

Cây me do cha vua Quang Trung trồng đã hơn 300 năm tuổi 

Chiến thắng này cho thấy Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự khi ông chỉ huy phối hợp lục quân với thủy quân rất điêu luyện, đặc biệt là trong công tác chuẩn bị trận đánh, công tác trinh sát. 

Đâu dễ đánh thắng quân Thanh

Như Nguyễn Ánh ở phía Nam, nhà Lê mạt ở phía Bắc cũng “rước voi về giày mả tổ”, đưa gần 30 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, Nguyễn Huệ khi đó đã lên ngôi hoàng đế Quang Trung, chỉ trong vòng một tháng hành quân, 6 ngày tổng tấn công, làm làm nên chiến thắng lịch sử.

Quân Thanh lúc này rất hùng mạnh, để đánh được đội quân ấy không đơn giản. Ngày mùng 3 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung tự mình đốc chiến và đánh suốt ngày mới diệt được thành Hà Hồi, thiệt hại cũng lớn.Ngày mùng 5 Tết, trận Ngọc Hồi cũng diễn ra ác liệt, theo tài liệu của Hội truyền giáo Bắc Hà, “Nguyễn Huệ phải bỏ voi cưỡi ngựa, xông lên đầu chỉ huy”. Những chi tiết này cho thấy quân địch rất mạnh và thiện  chiến.

qt 4

Giếng nước trong vườn nhà vua Quang Trung thuở xưa vẫn còn sử dụng được, nước trong vắt và mát ngọt. 

Với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa 229 năm trước, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã để lại dấu ấn lịch sử của thời đại mình bằng tinh thần bách chiến bách thắng, tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và kiêu hãnh, khiến kẻ thù không chỉ khiếp sợ trên trận chiến mà ngay cả trong quan hệ ngoại giao sau này cũng rất thành công, buộc Trung Hoa phải đối xử bình đẳng với nước Nam.

qt 5

 Cây me do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng tại Bảo tàng Quang Trung 

Nguyễn Huệ - Quang Trung đã để lại dấu ấn lịch sử của thời đại mình bằng tinh thần bách chiến bách thắng, tự tôn dân tộc và kiêu hãnh.

Trung Hoa phải kính nể

Điều đáng tiếc là hoàng đế QuangTrung đột ngột băng hà ở tuổi 39. Trong lần đi sứ sang Thanh báo tang, nhà ngoại giao Ngô Thì Nhậm càng thấy thêm tầm vóc lớn lao của vua Quang Trung, khi chính vua Càn Long gửi chiếu thư chia buồn lúc sứ bộ còn cách rất xa Yên Kinh và chỉ thị: “Cống thần ngậm đau thương mà đến, các tỉnh hội mà sứ bộ đi qua đều phải đình chỉ các yến tiệc vui chơi”.

Lưu Nhi Dũ

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố thủ tục Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có các hướng dẫn chi tiết về trình tự và các thức thực hiện cho học sinh.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 với yêu cầu không được xảy ra mất nước kéo dài.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - UNESCO hiểu rõ tầm quan trọng của Hoàng Thành Thăng Long đối với Hà Nội, cam kết ủng hộ công trình này tại các diễn đàn do UNESCO tổ chức.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".