SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp rầm rộ đòi trả dự án BOT

16:30, 02/11/2018
(SHTT) - Thông tin về việc CTCP Đầu tư Đèo Cả dọa trả dự án Hầm Hải Vân với lý do không đủ chi phí đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 còn chưa lắng xuống thì mới đây Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới tiếp tục có công văn đòi trả dự án này.

 Nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vừa gửi văn bản đề nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông Vận tải. 

Lý do trả lại dự án, theo Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, chưa tính số tiền hoàn vốn, các khoản chi bắt buộc trong hơn 1 năm qua của dự án đã lên đến 370,5 tỉ đồng, trong khi doanh thu phí chỉ được 16 tỉ đồng.

a1 (5)

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Theo ông Lâm Hoàng Linh, Giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, doanh nghiệp đang rất khó khăn vì không được thu phí tại hai trạm như hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông. Trong khi chưa đủ doanh thu để hoàn vốn thì doanh nghiệp vẫn phải tổ chức khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho người lao động...

"Ngoài vốn đầu tư dự án, gần hai năm qua, doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng, duy tu bảo trì cho dự án trên 370,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu thu phí tại một trạm chỉ được 16 tỷ đồng", ông Linh nói và kiến nghị "nếu sự việc không thể giải quyết, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông mua lại dự án này".

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 có tổng chiều dài 65 km. Trong đó, hợp phần quốc lộ 3 mới, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc dài 40 km, bề rộng nền đường 12 m. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.700 tỷ đồng.

Theo hợp đồng BOT, dự án sẽ đặt hai trạm thu giá để hoàn vốn. Một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm đặt trên quốc lộ 3 cũ. Nhưng cuối năm 2017, dự án mới được cấp thẩm quyền cho phép thu giá một trạm trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ ngày 25/1/2018.

Cũng liên quan đến vấn đề đặt trạm thu phí mới đây CĐT Dự án Hầm Hải Vân là Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cũng đã "dọa" trả lại dự án.

Theo văn bản của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, việc thiếu tiền điện, tiền quản lý, bão dưỡng các hầm là do bị hụt thu ở trạm Bắc Hải Vân và mức thu phí qua hầm Đèo Cả quá thấp dẫn đến thâm hụt nguồn thu.

Trước mắt, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1. Theo đó, công ty này cho rằng, trường hợp Bộ không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành nghỉ làm, các thiết bị an toàn trong hầm dừng hoạt động… dẫn tới gián đoạn và không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5/11/2018 trở đi, thì đó là trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT.

“Bộ GTVT vi phạm hợp đồng dự án, kéo theo việc vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng tài trợ vốn, do đó buộc Nhà đầu tư sẽ phải xem xét đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân để vận hành khai thác”, trích văn bản của công ty Đèo Cả.

Được biết đây là lần thứ 2 trong năm nay Chủ đầu tư doạ trả lại dự án hầm Hải Vân. Trước đó, tại cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) hồi tháng 6/2018, ông Lưu Xuân Thủy đã đề nghị trả lại việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho nhà nước vì lý do không được đặt trạm thu phí.

a2 (2)

Dự án Hầm Hải Vân.

Vào tháng 10 mới đây, chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng kiến nghị Nhà nước hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 45.500 tỷ đồng, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong 30 năm. Nhà nước cam kết thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 4.060 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD thời gian từ 13-30 năm).

Ngoài ra, Thủ tướng đã cho phép chủ đầu tư sử dụng 4.720 tỷ đồng tiền sử dụng đất của khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án cao tốc. Việc này đã thống nhất bằng văn bản và được 4 cơ quan là Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước thẩm định.

Theo Chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hiện dự án khu đô thị Gia Lâm đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, được phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị nộp tiền sử dụng đất. Đơn vị cũng đã đề nghị Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội sớm có chỉ đạo để đơn vị này sớm nhận được số tiền sử dụng đất nói trên. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư cũng chưa nhận được khoản tiền này. 

Được biết, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong 30 năm.

Thu Hiền

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.