SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Đầu xuân với ly rượu mừng

14:00, 16/02/2018
(SHTT) - Những tiếng pháo giòn tan hòa quyện với những hồi trống giục giã của đoàn múa lân Nhơn Nghĩa Đường, và có cả tiếng chuông của nhà thờ Đức Bà ngân nga... Những âm thanh thánh thót reo vui, báo hiệu mùa xuân đã về là khúc dạo đầu bài ca "Ly rượu mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam do ban hợp ca Thăng Long lừng danh ở Sài Gòn vào thập niên 60 của thế kỷ trước biểu diễn. Kể từ khi ra đời năm 1952 cho đến lúc "hồi sinh" năm 2016, Ly rượu mừng được những người yêu âm nhạc suy tôn là "Đệ nhất xuân ca" Việt Nam. 

Nhạc sĩ viết khúc mở đầu thật mộc mạc, giản dị, ca từ không hoa mỹ, bóng bẩy, nhưng hàm súc, lời chúc xuân được gửi đến nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội:              

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

Mừng anh nông dân vui lúa thơm hơi

Người thương gia lợi tức

Người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo  khó

Á a a a……

Ly rượu mừng được viết với hợp âm chủ đạo fa trưởng (F), một loại hợp âm thường được các nhạc sĩ viết cho những ca khúc tươi vui, có gam sáng trưng, theo nhịp 3/4, sử dụng điệu VALSE, có tốc độ, hành độ (TEMPO) thật nhanh.Vì vậy, ca khúc như “tô điểm” thêm sự rộn rã, hân hoan của những ngày đầu năm với những lời chúc tụng tốt đẹp nhất đến với mọi người, mọi nhà. Ở đoạn mở đầu, người nông dân, quanh năm một nắng hai sương, có nguồn vui nào lớn hơn, có nguồn hạnh phúc nào lớn hơn là một vụ mùa bội thu, lúa chất đầy bồ, tỏa mùi hương nồng nàn. Và, với người thương gia, còn gì sung sướng, mãn nguyện khi việc kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. Còn  người công nhân thì đoạn tuyệt với thân phận nô lệ, bần hàn sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đây là khát khao của tác giả, có thể thấy rất rõ qua ca từ nghèo khó được chuyển tone lên những cung bậc cao hơn, âm thanh như reo vui với trường canh kéo dài.

ly ruou mung a.jpg

 

Ly rượu mừng là bài hát dành cho hợp ca, thể hiện sắc nét qua những quãng độ: á (F) a (Am) a (Bm) a (Am). Quãng độ này chuyển tone liên tục, với nhiều cung bậc âm thanh để có thể hát nhiều bè, làm cho ca khúc  thêm rộn rã, vui tươi, đắm say, hấp dẫn hơn trong những ngày đầu xuân. Quãng độ này được lập lại trong ca khúc đến 4 lần, chứng tỏ niềm hân hoan vô bờ mà tác giả muốn gởi gắm đến cho mọi người.

Nếu khúc mở đầu là nâng chén, một hành động có vẻ trang trọng thì ở tiểu đoạn tiếp theo là “nhấp chén”, chứng tỏ cuộc vui đã thực sự bắt đầu:

Nhấp chén đầy vơi, chúc người vui….

Á a a a…

Muôn lòng xao xuyến duyên đời

Trong trạng thái lâng lâng với ly rượu đầu xuân ta thấy cuộc đời sao đáng yêu quá đỗi!

Cuộc vui mỗi lúc như được “dấn sâu” hơn, có vẻ như tác giả muốn “chơi tới bến”. Đặc biệt, ca khúc dành tất cả sự ưu ái, kính trọng cho người chiến sĩ nơi biên ải. Cũng dễ hiểu, bài hát ra đời trong cuộc trường chinh của cả một dân tộc quyết giành lại độc lập, tự do cho xứ sở nên tác giả chúc:

Rót thêm tràn đầy chén quan sơn

Chúc người binh sĩ lên đàng

Chiến đấu công thành

Sống cuộc đời lành

Mừng người vì nước quên thân mình….

 Một chi tiết khiến người nghe âm nhạc xúc động là hình ảnh bà mẹ Việt Nam trong những ngày xuân:

Kìa nơi xa xa, có bà mẹ già

Từ lâu mong con, mắt vương lệ nhòa

Chúc bà một sớm quê hương, bước  con về hòa nỗi yêu thương

Á a a a a……

Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính

Á a a a…

Chúc mẹ hiền dứt u tình 

ly ruou mung

 

Mùa xuân mùa của sum họp, đoàn viên. Tác giả chúc mẹ già là người vui sướng nhất, hạnh phúc nhất khi gặp lại con, sau bao ngày mòn mõi ngóng trông. Ở tiểu đoạn này, ca từ được viết sang trọng, “hàn lâm” hơn những đoạn trước.

Ly rượu mừng còn chúc những lời tươi vui đến những đôi tình nhân được hạnh phúc viên mãn với tổ ấm của mình, và “dzô dzô “ cho đến ….cạn ly với người thi sĩ, chỉ có cạn ly thì người nghệ sĩ mới có đủ hưng phấn trong sáng tạo để có những tác phẩm xuất sắc góp phần làm cho cuộc đời, và tâm hồn con người ngày càng tươi mới hơn. Ta hãy lắng nghe âm nhạc cất lên:

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương

Xây tổ ấm trên cành yêu thương

Và cạn ly mừng người nghệ sĩ

Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới

Sau khi gởi lời chúc đến mọi thành phần trong xã hội,âm nhạc vang lên rất mạnh mẽ, hùng tráng, dứt khoát, được tác giả thể hiện qua những phách mạnh và note cao, có 4 ngắt quãng với dấu nghỉ:

Bạn hỡi/vang lên/

Lời ước/thiêng liêng/

Chúc non sông hòa bình, hòa bình

Ngày máu xương thôi tuôn rơi

Ngày ấy quê hương yên vui

Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Đoạn cuối ca khúc, một giấc mơ, một thông điệp không chỉ riêng của tác giả mà còn là của hàng triệu người Việt về một ngày mai của quê hương:

Nhấc cao ly này

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hòa

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi

Hương thanh bình dâng phơi phới

Ở miền Nam trước năm 1975, mỗi độ xuân về, Ly rượu mừng lại vang lên. Dường như, nó là món món ăn tinh thần không thể thiếu đối với  mọi nhà. Rất nhiều người ngóng trông từng ngày chỉ để được nghe Đài phát thanh phát ra ca khúc này, nhất là do Ban hợp ca Thăng Long trình bày do huyền thoại âm nhạc Việt Nam, nữ ca sĩ Thái Thanh lĩnh xướng, hợp ca cùng:Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm duy), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Đình Viêm)…Điều đáng ghi nhận, họ đều là những anh em ruột, những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam.

ly ruou mung b.jpg.jpeg

 

Tuy rất nổi tiếng nhưng ca khúc Ly rượu mừng lại có số phận long đong. Bị cấm phát hành trong nước đến 40 năm vì những người quản lý về cấp giấy phép biểu diễn cho rằng những ca từ trong ca khúc: đời lính, binh sĩ là đề cập đến người lính của chế độ cũ. Nhưng bằng nguồn tư liệu riêng, gia đình cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã chứng minh bài hát ra đời vào năm  1952, thời điểm ấy Phạm Đình Chương là cán bộ văn nghệ của Việt Minh trên chiến khu Việt Bắc. Như vậy, đời lính, binh sĩ trong ca khúc chính là nói về anh bộ đội Cụ Hồ.

Vì thế, bài hát mới được cấp giấy phép phổ biến, biểu diễn vào đầu năm 2016. Lập tức, bài hát lại vang lên trên Đài phát thanh, truyền hình qua nhiều giọng ca: Ánh Tuyết, Quang Dũng, Đức Tuấn,  Phạm Thu Hà…..

Thi sĩ Du Tử Lê đánh giá rất cao ca khúc  này, ông viết: Tôi muốn gọi Ly rượu mừng là xuân khúc kinh điển nhất của tân nhạc Việt Nam. Tính kinh điển hiểu theo nghĩa không thành phần nào của xã hội bị bỏ quên.Và, một cách có ý thức, tác giả đã sắp xếp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội với lòng trân trọng biết ơn của mình…

Võ Sanh

Tin khác

Khoa học Công nghệ 20 giờ trước
(SHTT) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, "Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đã chính thức diễn ra. Chương trình với 20 gian hàng đến từ các đơn vị, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành nơi hỗ trợ kết nối, xúc tiến giao dịch công nghệ.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh vấn đề bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân đang trở thành đòi hỏi cấp bách, việc triển khai các chuẩn về an toàn thông tin (ATTT) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thiết lập các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng.