SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Xếp hạng các trường Đại học của Việt Nam – “Con dao hai lưỡi” ?

14:00, 07/09/2017
(SHTT) - Các bài đăng tải về Bảng xếp hạng các trường Đại học (ĐH) do nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập công bố, tạo ra các luồng dư luận trái chiều nhưng sau hết đó là sức ảnh hưởng của kết quả nghiên cứu đối với uy tín của các trường ĐH của Việt Nam so với quốc tế và trong khu vực.

Kết quả nghiên cứu mang lại hiệu quả tích cực hay tiêu cực?

Qua các thông tin do SHTT tổng hợp, có thể khái quát về Nhóm xếp hạng (NXH) các trường ĐH như sau: Theo báo PĐO, nhóm nghiên cứu gồm 6 chuyên gia đã kết hợp với Tạp chí Tia sáng công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam. Theo đó có 03 thành viên của NXH là người đang sống và làm việc tại nước ngoài, thêm vào đó là một chuyên gia hiện là chủ tịch một Công ty tư nhân đồng thời là người đề xuất Dự án xếp hạng. Với thành phần chuyên gia nghiên cứu “nòng cốt” của nhóm như trên đã khiến dư luận có cái nhìn hoài nghi về tính khách quan của việc công bố kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, dường như để khỏa lấp điều này, NXH đã khéo léo công bố Bảng xếp hạng kèm theo nội dung: Nhóm chuyên gia cho biết báo cáo này chỉ là một cách xếp hạng phản ánh góc nhìn riêng của nhóm(Theo VietNam plus). Nhưng rất đáng ngạc nhiên là hầu hết các báo đưa tin đều bỏ qua dòng cảnh báo này?! Vậy mục đích của việc đăng tải thông tin đã đầy đủ hoặc hoàn toàn trong sáng ?

Thêm nữa, phương pháp nghiên cứu, tiêu chí đánh giá cũng như nguồn dữ liệu của NXH dùng để nghiên cứu cũng là một câu chuyện cần có sự đánh giá khách quan và kiểm chứng nguồn dữ liệu một cách cụ thể. Bởi theo báo TP cho biết, tại buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN – thành viên của NXH cho rằng, thứ hạng với chất lượng vừa có vừa không. Tiêu chí mà nhóm đặt ra khác với quan niệm của mọi người. Một trường ĐH có hai nhiệm vụ: đào tạo sinh viên và tạo ra tri thức mới. ĐH Ngoại thương mới chỉ tạo ra sản phẩm con người tốt nhưng chưa tạo ra tri thức mới. Còn thực tế, qua số liệu thu thập của nhóm, thì số lượng bài báo nghiên cứu quốc tế của ĐH Tôn Đức Thắng đứng vị trí thứ nhất. Phải chăng, nhiệm vụ của các trường ĐH chỉ đơn giản là hai nhiệm vụ như TS Nguyễn Ngọc Anh liệt kê?

Cũng tại buổi Tọa đàm, TS Phạm Thị Ly, một chuyên gia về giáo dục ĐH cho rằng xếp hạng là một con dao hai lưỡi: cả phương pháp lẫn kết quả. Nếu đề ra những tiêu chí, phương pháp xử lý không khách quan đúng đắn thì không phản ánh được năng lực của trường trên phương diện chúng ta định đo lường. Thứ hai là dữ liệu. Dữ liệu lấy từ nguồn nào? TS Ly cho rằng nhóm có nỗ lực lớn trong việc thu thập nguồn dữ liệu đang có. Nhưng trong đó báo cáo của các trường là gì? “Vì tôi đã từng trao đổi với một kiểm định viên Kiểm định chất lượng các trường ĐH, bạn này cho biết báo cáo đánh giá trong của các trường chắc chắn không đúng sự thật. Đấy là thực tế của chúng ta. Nên nếu xây dựng bảng báo cáo dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì kết quả không đáng tin cậy” – TS Ly khẳng định. Rồi tiêu chí dựa trên bài báo nghiên cứu được công bố trên tạp chí ISI.  “Tôi e rằng việc đưa ra xếp hạng này nếu dựa trên công bố quốc tế sẽ thúc đẩy các trường chạy theo thành tích thay vì tập trung vào sứ mạng thực sự của họ là tạo ra tri thức, đào tạo sinh viên” – TS Ly chia sẻ. Quan điểm của TS Phạm Thị Ly thực sự là một tư duy phản biện rất đúng đắn, tuy nhiên đáng tiếc là hầu hết các báo đưa tin cũng bỏ qua thông tin này?!

Như vậy việc đưa tin về Bảng xếp hạng các trường ĐH chỉ với mục đích gây tiếng vang về thông tin hay còn mục đích nhắm đến uy tín của các trường ĐH của Việt Nam so với quốc tế hay các nước trong khu vực? Câu trả lời SHTT sẽ đăng tải sau khi nhận được trả lời phỏng vấn từ Bộ giáo dục và các Nhà quản lý chuyên ngành! Bên cạnh đó, thời điểm công bố thông tin cũng được “dàn xếp” khá nhạy cảm đó là vào ngày 06/9 nghĩa là chỉ sau ngày khai giảng của các trường học tại Việt Nam 05/9 (có lịch sử từ năm 1945) đúng một ngày - ngày mà hầu hết người Việt Nam đều quan tâm đến việc học tập của con em mình.

tuyen sinh

 Ảnh minh họa: Internet

Phải chăng đây là một tiền lệ xấu?

Hầu hết ai cũng nhớ đến câu chuyện “nước mắm asen” và trách nhiệm của báo chí. SHTT xin trích đăng một phần bài phỏng vấn do Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao đổi với báo Dân trí vào ngày 21/10/2016 trong đó có đoạn nhấn mạnh: … “Điều tôi nói trên đây về bản Quy chuẩn, bất cứ phóng viên nào viết về an toàn thực phẩm đều nhất định phải biết, chẳng cần đến sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn, bởi vì phóng viên viết về lĩnh vực nào đều phải có kiến thức nền về lĩnh vực đó. Trong trường hợp này, phóng viên phải nhận ra ngay sự mập mờ trong bản “Thông cáo báo chí” của Vinastas và lẽ ra họ phải lập tức đối chiếu bản QCVN 8-2:2011/BYT, xem trong đó quy định những gì, việc này chỉ cần chưa tới 5 phút tra cứu.Nếu phóng viên cẩu thả thì biên tập viên nhất định phải làm điều đó. Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người (tiêu dùng nước mắm) và công ăn việc làm của hàng chục vạn người (sản xuất nước mắm) mà được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, xin nói thẳng là cơ quan báo chí đó liệu có đáng được công chúng tin cậy?

Đó là giả định những cơ quan báo chí và các nhà báo đưa tin trên là lương thiện, chỉ cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp mà thôi. Còn việc nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật.

- Có nghĩa là Bộ trưởng đã nhận ra sự câu kết bất lương này?

- Có dấu hiệu. Vì ở đây có sự bất thường. Bất thường ở chỗ, cùng một sự kiện mà một loạt các cơ quan báo chí đều cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp hệt như nhau, thậm chí việc rút tít bản tin cũng na ná như nhau. Một bài báo, một bản tin viết sai sự thật không phải là cá biệt trong làng báo nước ta, nhưng người đọc bình thường rất dễ nhận ra cái sai nào do trình độ, do sự cẩu thả và cái sai nào do cố ý, thậm chí họ còn dễ dàng nhận ra sự dối trá trong những cái “không sai” nhưng sự thật bị cắt xén, bị che giấu.

Người đọc bình thường cũng dễ nhận ra đâu là cái sai do “tai nạn nghề nghiệp” của một nhà báo riêng lẻ, đâu là sự dối trá hùa theo đám đông có chủ đích. Cơ quan quản lý truyền thông lẽ nào lại không nhận ra những điều mà người đọc bình thường cũng dễ nhận ra. Nhưng cơ quan quản lý của Nhà nước không kết luận dựa vào trực giác, dựa vào sự suy diễn cảm tính. Phải điều tra mới ra chứng cứ để kết luận.

- Thưa Bộ trưởng, một số nhà chuyên môn về an toàn thực phẩm đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định sự vô hại của asen hữu cơ. Nhiều báo cũng bắt đầu phản bác lại thông tin của Vinastas. Có vẻ như thông tin đang bị đảo ngược?

- Vấn đề là sự đồng loạt của thông tin ban đầu. Như tôi đã nói, nếu như các cơ quan báo chí đưa thông tin ban đầu đó không cẩu thả hoặc cố tình bẻ cong sự thật thì đã không có sự lan truyền tai hại như vậy. Sự phản bác của các nhà chuyên môn và những bài phân tích ngược lại sau đó của một số báo, đối với công chúng chỉ là sự tranh cãi, “phản biện”, đúng sai chưa ngã ngũ, bởi vậy không đủ tác dụng đảo ngược thông tin.

Tôi còn nghe nói có thể những người tổ chức chiến dịch truyền thông này bảo với nhau rằng chỉ cần thông tin ban đầu đó tồn tại trên báo điện tử vài ngày, sau đó dù có bị gỡ bỏ thì cũng đã đạt được mục đích gây sợ. Bởi vậy, dù sai phạm đã thấy như tôi nói ở trên, nhưng các cơ quan Nhà nước có liên quan cần điều tra làm rõ động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu của của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ đến khi ấy mới thực sự xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân, mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống thoát khỏi cơn điêu đứng”…

Bài học về việc đăng tải đầy đủ về thông tin chắc chắn sẽ có ích cho bạn đọc, tuy nhiên để có thêm góc nhìn đa chiều, SHTT xin trích đăng lời bình của comment Nguyễn Tuấn được đăng tải trên SGGPO :

Nhìn vào danh sách nhóm đánh giá độc lập này, thật sự tôi hoài nghi về chuyên môn và kinh nghiệm công tác kiểm định, đo lường và đánh giá của họ. Đây một công việc phức tạp, nếu kết quả không đáng tin cậy thì vô tình tạo ra những thông tin nguỵ khoa học. Có lẽ nhóm nghiên cứu này chưa lường hết tác động tiêu cực việc làm của mình, khi kết quả có thể không phản ánh đúng thực chất, có thể bị diễn dịch sai, và ảnh hưởng đến đội ngũ lãnh đạo các trường, giảng viên, sinh viên, nhà tuyển dụng và công chúng. Nếu các bên liên quan xác định họ bị ảnh hưởng tiêu cực từ bản xếp hạng không chính xác này thì nhóm chuyên gia này có bị kiện không? Ngay từ thập kỷ 90 ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã có những ý kiến phê phán dữ dội các hệ thống xếp hạng đại học, chủ yếu là vì các tiêu chí xếp hạng không phản ánh được chất lượng hoạt động thực sự của các trường, quá thiên về nghiên cứu mà không chú trọng đến hoạt động đào tạo, và phương pháp đo lường của các hệ thống xếp hạng ấy có nhiều điểm không thỏa đáng và do vậy tính tin cậy thấp. Mặc dù các tổ chức đánh giá quốc tế đều là những tên tuổi lớn, có nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới.

Hy vọng, thông tin về Bảng xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam sẽ được các nhà quản lý, các nhà chuyên môn có những đánh giá xác đáng để tránh xảy ra những thông tin gây hại đáng tiếc về các trường ĐH, đồng thời tạo ra môi trường ổn định cho các bạn sinh viên trẻ trước khi cân nhắc đưa ra các quyết định lựa chọn trường ĐH để học tập, rèn luyện và trau dồi kiến thức để bước vào cuộc sống.

Gia Vương

Tin khác

Tin tức 53 phút trước
Cùng với lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý nước mắm “Nam Ô” Đà Nẵng, việc khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ sẽ khai mở cơ hội nâng tầm giá trị kinh tế cho sản phẩm đồng thời đưa món ngon tiến Vua trở thành “sứ giả” văn hóa ẩm thực kết hợp phát triển du lịch địa phương.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.