SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Vi phạm bản quyền sách: Vấn đề nhức nhối tại Việt Nam

07:10, 03/08/2018
(SHTT) - Ở Việt Nam đã xảy ra không ít những vụ vi phạm bản quyền sách gây nhiều tranh cãi, kéo theo đó là những vụ thu hồi sách với số lượng lớn, làm ảnh hưởng tới kinh tế. Dưới đây là những vụ vi phạm bản quyền sách ồn ào nhất tại Việt Nam.

Câu lạc bộ Sách Sài Gòn phản ánh tình trạng vi phạm bản quyền sách nói

Vào năm 2017, bà Nguyễn Lệ Chi, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Sách Sài Gòn, cho biết câu lạc bộ sách đã có đơn kiến nghị lên Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam về việc công ty Cty Yeah1 Network có hành vi xâm phạm bản quyền "công khai, trắng trợn và có tổ chức, huy động tập thể, gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành xuất bản".

Trước đó, ngày 9/7/2017, đại diện của Câu lạc bộ Sách Sài Gòn (Chibooks và Huy Hoàng Bookstore) đã phát hiện một công ty này công khai tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói không bản quyền trên mạng xã hội Facebook. Nội dung tuyển dụng này đã thu hút hơn 60.000 lượt xem, hơn 3.000 lượt chia sẻ (share) và trên 3.000 lượt bình luận (comment), phần lớn là giới trẻ.

Hoạt động hướng dẫn thu âm diễn ra ở các đầu sách như: Totto-Chan bên cửa sổ, Nhà giả kim, Một lít nước mắt, Đấu trường sinh tử, Harry Potter (Nhã Nam và NXB Văn học đồng ấn hành), Tony buổi sáng(NXB Trẻ), Thông minh hơn, nhanh hơn, giỏi hơn (Alphabooks)…  Alphabooks và các nhà làm sách khác đã xác nhận không hề bán bản quyền thu âm làm audio book cho công ty này.

Trước phản ứng của nhiều nhà sách, công ty Cty Yeah1 Network đã lên tiếng xin lỗi, cam kết dừng dự án và giải thích việc tuyển cộng tác viên để thu âm làm sản phẩm lưu hành nội bộ. Tuy nhiên, các nhà làm sách cho rằng dù sản phẩm được lưu hành nội bộ, không nhằm kinh doanh thì việc tự ý thu âm sách nói của công ty này vẫn là hành vi xâm phạm bản quyền.

Truyện tranh Hoa cúc áo bị tố vi phạm bản quyền

hoa cuc ao

 

Cuốn truyện tranh này do Công ty cổ phần mỹ thuật và truyền thông trực thuộc NXB Giáo dục VN ấn hành, tác giả là Thu Hương. Truyện được in khổ lớn (19 x 27 cm, 16 trang) và được bán với giá 9.500 đồng.

Tuy nhiên tác giả của bộ truyện thiếu nhi nổi tiếng Hoa cúc áo là ông Trần Đức Tiến (Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu) đã lên tiếng phản ánh về việc cuốn truyện tranh trên vi phạm bản quyền. Cụ thể, ông cho hay tác phẩm của ông vẫn giữ nguyên tên và được chuyển thể sang thể loại khác nhưng thay tên tác giả.

Sau khi nhận được những phản ánh của tác giả Trần Đức Tiến, đại diện Công ty cổ phần mỹ phẩm và truyền thông đã xác nhận chính họ là đơn vị trực tiếp tổ chức biên tập và xuất bản cuốn truyện tranh Hoa cúc áo, tác giả Thu Hương chỉ sưu tầm và biên soạn (ở trang bìa lót có in dòng chữ “Dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến” và “Tranh: Nguyễn Kim Duẩn”).

Mặc dù giải thích như vậy nhưng ông Tiến cho rằng không thỏa đáng và cho biết sẽ liên hệ với Trung tâm quyền tác giả văn học VN (nơi ông đã ký hợp đồng bảo hộ tác quyền) để ủy thác, làm việc về vấn đề vi phạm bản quyền trên.

“Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” bị vi phạm bản quyền

ban quyen sach

 

Theo thông tin được đăng tải trên Thể thao văn hóa, đại diện Công ty cổ phần sách và truyền thông Quảng Văn – đơn vị mua bản quyền xuất bản tiếng Việt cuốn Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt cho biết từ tháng 4/2011, công ty này đã ký hợp đồng mua bản quyền tác phẩm trên với tác giả Doãn Kiến Lợi (Trung Quốc). Hợp đồng có thời hạn 5 năm.

Trong thời gian trên, Quảng Văn là đối tác độc quyền xuất bản bản tiếng Việt cuốn sách này trên toàn thế giới. Ngày 24/9/2011, Quảng Văn chính thức phát hành Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - cuốn sách kinh điển về đề tài giáo dục gia đình của chuyên gia giáo dục gia đình Doãn Kiến Lợi. Sách do dịch giả Trần Quỳnh Hương chuyển ngữ, NXB Văn học cấp phép. Sách được phát hành đồng thời tại Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Quảng Văn phát phát hiện ở các nhà sách đã bán một cuốn sách khác với tên Mẹ tốt hơn thầy tốt (tác giả: Doãn Kiến Lợi, người dịch: Phạm Hồng Nhung, NXB Thời đại). Cuốn sách Mẹ tốt hơn thầy tốt đã bị cắt xén về nội dung.

Sách đã bỏ hẳn chương 1 – một trong những chương có ý nghĩa và quan trọng nhất của tác phẩm. Bỏ 11 mục nhỏ khác của tác phẩm, chỉ còn 6 chương, 39 đề mục và không có một dòng chú thích. Thậm chỉ Mẹ tốt hơn thầy tốt còn không có mục lục. Trong khí cuốn Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt của Quảng Văn dày 560 trang, thì cuốn Mẹ tốt hơn thầy tốt chỉ có 194 trang.

Về hình thức, cuốn Mẹ tốt hơn thầy tốt do Minh Tân books phát hành, với giá 45.000 đồng. Hình minh họa ở bìa sách bị vỡ, không sắc nét, không có bìa gấp. Trang bìa 4 không có giới thiệu nội dung, chỉ có hình bìa của 6 cuốn sách khác. Còn bìa sách của Quảng Văn được in trên giấy C250, cán bóng, có bìa gấp và chặn sách. Trên bìa gấp có giới thiệu về tác giả, bình luận của bạn đọc Trung Quốc. Trên bìa 4 có thông tin giới thiệu sách, thông tin của đơn vị phát hành, mã số mã vạch, ISBN và tem chống giả.

Như vậy, có thể thấy, sách Mẹ tốt hơn thầy tốt không chỉ vi phạm bản quyền mà còn cắt xén, lược bỏ rất nhiều nội dung quan trọng của một cuốn sách hay và giá trị như Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt. Nếu Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con cái trên đủ mọi phương diện: nhân cách, học tập, sở thích, bệnh tật… thì cuốn sách kia chỉ chọn ra một số đề mục, lược bỏ nhiều chi tiết, thậm chí chỉnh sửa sai nội dung.

Sách Chim Việt Nam bị thu hồi và tiêu hủy vì vi phạm bản quyền ảnh

sach chim viet nam

 

Được biết, cuốn sách Chim Việt Nam được ra mắt vào tháng 5/2017, dày 1.200 trang, tổng hợp về tất cả các loài chim sinh sống ở Việt Nam. Cuốn sách là công trình nghiên cứu khoa học công phu do cố GS Võ Quý (1929 - 2016) và người cộng sự trẻ là PGS-TS Nguyễn Lân Hùng Sơn thực hiện, được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành.

Được đánh giá là Bách khoa toàn thư về chim, cuốn sách này giúp người đọc có thể hiểu hơn về thế giới kỳ diệu của các loại chim trên thế giới nói chung và các loại chim ở Việt Nam nói riêng với 906 loài chim được mô tả chi tiết cùng với ảnh màu minh họa. Trong đó, nhiều thông tin về các vùng sinh thái, các vùng chim đặc hữu, các vùng chim quan trọng, các loài chim mới phát hiện cho khoa học ở Việt Nam cũng được giới thiệu.

Tuy nhiên, ngay khi ra mắt, cuốn sách này đã bị tố vi phạm bản quyền hình ảnh do sử dụng nhiều bức ảnh của các tác giả Lê Mạnh Hùng, Bùi Đức Tiến, Đặng Ngọc Sâm Thương mà không chú thích tên, không xin phép. Chính vì vậy những tác giả trên đã làm đơn tố cáo. 

Khi nhận được phản ánh, tác giả Nguyễn Lân Hùng Sơn thừa nhận sai sót, gửi lời xin lỗi tác giả vì đã sử dụng ảnh mà không ghi cụ thể đầy đủ trích dẫn. Ông Sơn đã xin phép Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội cho dừng phát hành sách, xin chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện và phát hành mới. Đồng thời, ông Sơn cũng đề nghị tác giả có ảnh minh họa trong sách cho phép sử dụng ảnh minh họa, nhưng các tác giả đã không đồng ý.

Theo đó, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội đã quyết định thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sách Chim Việt Nam. Quyết định do Giám đốc - Tổng biên tập NXB ĐH quốc gia Hà Nội, Phạm Thị Trâm ký ngày 25/8/2017.

Thanh Hải

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Apple có thể phải đối mặt với một số vấn đề khi mà Huawei Technologies đã đăng ký thương hiệu này vào ba năm trước trên lãnh thổ đại lục.
Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Google đã bị cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp phạt vì vi phạm các quy định sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU) khi không đàm phán với các nhà xuất bản truyền thông.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Dù chiến thắng trong vụ kiện bản quyền âm nhạc, nhưng Sam Smith & Normani thẩm phán vẫn quyết định các nghệ sĩ nổi tiếng phải tự chi trả phí luật sư lên tớ hơn 700.000 đô la.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Ngành âm nhạc ở Anh đang khởi động vụ kiện đầu tiên chống lại công nghệ trí tuệ nhân tạo, bảo vệ bản quyền trước các công ty sản xuất các bài hát giả giọng người nghệ sĩ nổi tiếng.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.