SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Từ vụ loạt phi công xin nghỉ việc: Vietnam Airlines áp dụng mức lương mới cho phi công?

16:00, 06/06/2018
(SHTT) - Mức lương mới của các phi công điều chỉnh tăng từ 1/6 đối với từng nhóm máy bay mà Vietnam Airlines đang khai thác.

Vnexpress đưa tin, trong báo cáo mới đây lên Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty hàng không Việt nam (Mã CK: HVN) cho biết, từ 1/6 công ty đã chính thức tăng lương cho giáo viên và phi công.

Theo đó, mức lương của phi công hãng này được phân làm 3 nhóm. Với nhóm phi công lái máy bay B787 và A350, cơ trưởng sẽ được nhận mức lương từ 205 - 246 triệu đồng, còn cơ phó 124 -150 triệu một tháng.

Nhóm phi công lái A321, cơ trưởng sẽ được nhận 176 -236 triệu đồng một tháng, cơ phó là 100 - 135 triệu. Còn phi công lái ATR, cơ trưởng sẽ được trả 156 - 186 triệu đồng một tháng, cơ phó là 75 - 91 triệu đồng.

Đối với giáo viên kiểm tra năng định (DPE), mức lương dao động 210 - 297 triệu đồng, giáo viên năng định (TRI) lương 198 - 284 triệu một tháng.

Dự kiến, năm 2019, mức lương phi công sẽ được tăng thêm 1 - 6 triệu đồng một tháng (tùy vào loại máy bay phi công lái).

Tất cả những mức lương trên tùy thuộc vào loại máy bay mà giáo viên kiểm tra  sẽ được nhận tương xứng. Đây là mức thu nhập trước thuế được tính bình quân năm, theo công thức: tổng thu nhập hàng tháng cộng thu nhập năm chia 12.

Vietnam Airlines cho biết, với mức này phi công Việt của hãng có thu nhập sau thuế bình quân bằng 70% phi công nước ngoài đang khai thác cho công ty.

Cụ thể, phi công nước ngoài, lái chính cho máy bay B787 dao động 265 - 268 triệu đồng, lái phụ 181 - 199 triệu một tháng. Với máy bay A350, lái chính 238 - 266 triệu đồng một tháng, lái phụ 163 - 187 triệu đồng. Còn phi công lái chính A321 và ATR72 mức lương 155 - 212 triệu đồng một tháng, lái phụ 98 - 162 triệu đồng. Đây là mức thu nhập sau thuế của nhóm phi công nước ngoài và không bao gồm phí bảo hiểm, môi giới.

luong-phi-cong

 Bảng lương mới của phi công VNA. Ảnh: Vnexpress 

Zing.vn đưa tin, trước đó, trong đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, các phi công của VNA nói rằng hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo. Cùng với đó là các bất cập đang tồn tại ở VNA và khẳng định đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp trong nhiều năm, nhưng không nhận được hợp tác.

Các phi công cũng cho rằng môi trường làm việc của họ không được đảm bảo, gây bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không.

Ngoài ra, theo các phi công này, Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải với những quy định liên quan đến ngành hàng không, lao động trong lĩnh vực hàng không trái với Luật Lao động, từ đó gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc.

Theo Nhịp sống kinh tế, cuộc tranh cãi về mức lương của phi công Vietnam Airlines vẫn chưa tới hồi kết khi hãng hàng không Việt Nam khẳng định đó là mức thu nhập cao, còn nhóm phi công cho rằng chỉ bằng một nửa so với các đối thủ.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 30/5, CEO Vietnam Airlines, cho biết lương phi công của hãng là 250 – 300 triệu đồng/tháng. "Các anh mà kêu là thấp ấy thì xã hội có nghe các anh không?".

Theo vị lãnh đạo này, trong đội ngũ 6.700 nhân viên của hãng, tổng lương của 1.000 phi công đã chiếm một nửa quỹ lương của tổng công ty. "Phi công lương họ đã sẵn cao rồi, chỉ cần tăng mấy % thì là lớn lắm". Vị này cũng tiết lộ, phi công mới ra trường (đào tạo về) đã được nhận lương 70 – 80 triệu.

Đáp lại, nhóm phi công của Vietnam Airlines cho rằng, thu nhập của họ đang được lãnh đạo nói cao hơn thực tế từ 20-25% (trước thuế) và 40-45% (sau thuế), tức chỉ dao động trong khoảng 150 triệu đồng/tháng.

Zing.vn đưa tin, nhìn sang láng giềng Indonesia, theo số liệu từ Aerocadet, thu nhập của một phi công thương mại tại nước này có mức khởi điểm dao động từ 2.500-4.000 USD/tháng không bị tính thuế.

Mức trung bình thu nhập của nghề này tại Indonesia là khoảng 6.600 USD/tháng, tương đương khoảng 150 triệu đồng, ngang với mức mà nhiều phi công của Vietnam Airlines cho biết họ đang nhận từ hãng.

Còn tại Singapore, theo số liệu của Phoenix East Aviation, một phi công lái các dòng máy bay như Boeing 777 hay Airbus A330 thường có mức lương khởi điểm khoảng 6.800 USD một tháng, tương đương khoảng 155 triệu đồng, và tăng dần theo thời gian làm việc.

Nếu bay trên 70 giờ một tháng, phi công tại Singapore sẽ nhận thêm khoản thù lao tăng giờ, cao nhất lên tới khoảng 2.800 USD.

Tại Ấn Độ, mức thu nhập của phi công Indigo, hãng hàng không lớn nhất nước này, rơi vào khoảng 7.500 USD một tháng, tương đương khoảng 170 triệu đồng.

Còn theo FltOps.com, một cơ trưởng có kinh nghiệm tại Mỹ, vận hành máy bay cỡ lớn cho các hãng có tên tuổi thường kiếm được hơn 15.500 USD một tháng, tương đương 350 triệu đồng.

Liên quan đến đơn kiến nghị của các phi công,  Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng cho biết , về 2 Thông tư số 41/2015 ngày 12/8/2015 và Thông tư 21/2017 thay thế Thông tư 41 sau này, nội dung điều chỉnh việc sử dụng người lao động trong lĩnh vực hàng không. Thực chất, lĩnh vực hàng không có nhiều điểm rất đặc biệt, tiêu chí an toàn an ninh hàng không phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe. Đào tạo các nhân viên ngành Hàng không, đặc biệt là các phi công, rất mất thời gian, quy trình quy định khác nhau.

Tại khoản 1, Điều 70 của luật Hàng không dân dụng 2006 đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng bộ GTVT quy định về chế độ lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Căn cứ quy định này, ngày 12/8/2015, Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT (được thay thế bởi Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT) để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nhân viên hàng không bậc cao, tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hài hòa, không tạo nên những đột biến trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày, vì tuyển dụng, đào tạo, thay thế một phi công là cả một quá trình.Vietnamnet đưa tin

"Còn Điều 37 của Luật Lao động quy định người lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày. Điều này chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa”- Thứ trưởng Nhật nói rõ.

Khoản 2 Điều 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã ghi rõ: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này.

Ông Nhật cũng cho biết thêm, hiện nay Hãng hàng không Vietjet Air có tới 76% phi công thuê từ nước ngoài, Vietnam Airlines cũng thuê 25% phi công từ nước ngoài nên việc quản lý các nhân lực lao động này thực sự là vấn đề phức tạp nếu không có các quy định chặt chẽ.

Hoàng Oanh (t/h)

Tin khác

Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.
Tin tức 2 ngày trước
Hai hôm nay, giá vàng trong nước giảm mạnh, đặc biệt là vàng miếng SJC. Nhờ thế, giao dịch trên thị trường sôi động trở lại.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.