SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Tranh luận quy định buộc Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam

07:01, 24/11/2017
Quy định các doanh nghiệp ngoại như Google, Facebook khi cung cấp dịch vụ viễn thông internet tại VN phải đặt cơ quan đại diện máy chủ là "điểm nóng" nhất khi QH thảo luận về dự luật An ninh mạng sáng 23/11.

"Quản chặt để xử lý cứng rắn"

Đại biểu (ĐB) Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) cho rằng trong bối cảnh hoạt động tấn công mạng ngày càng gia tăng, thông tin trên không gian mạng nhiễu loạn thì quy định các doanh nghiệp (DN) ngoại như Google, Facebook khi cung cấp dịch vụ viễn thông internet tại VN phải đặt cơ quan đại diện máy chủ là phù hợp. Theo ông Hải, vừa qua nhiều thông tin được phát tán với ý đồ xấu, ngụy tạo, có dụng ý nhằm hạ thấp uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả nhiều thông tin gây hoang mang, bất bình trong nhân dân.

"Mặc dù các cơ quan chức năng của VN đã yêu cầu một số DN nước ngoài gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin xấu, song thực tế vẫn còn một số DN cung cấp dịch vụ viễn thông internet thiếu thiện chí, không hợp tác. Do đó, cần quy định cấp giấy phép hoạt động đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng VN đối với DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại VN, nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động, có biện pháp xử lý cứng rắn với các DN thiếu thiện chí", ĐB Hải lập luận.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng dẫn chứng hiện có 14 quốc gia như Mỹ, Nga, Úc, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này, rồi đặt câu hỏi: "Vì sao các nước đó làm được mà VN lại không làm được?". ĐB hiện là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói yêu cầu đặt máy chủ là chỉ để quản lý với người dùng VN chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lo ngại việc quản lý cứng nhắc thì hiệu quả không được bao nhiêu nhưng hình ảnh hội nhập của VN trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng. "Chúng ta nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các luật Dân sự, luật Hình sự, luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả. Hoặc chúng ta nên tăng cường mức phạt, ví dụ như ở Đức có mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro với các tin tức giả", ông Hiếu gợi mở.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) phân tích thêm, trong cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ VN. Cam kết của VN trong Hiệp định tự do với EU cũng tương tự.

Bà Thúy nhắc lại trong nội dung Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được VN ký kết vào tháng 2.2016, thì khoản 2 điều 14.13 về thương mại điện tử quy định về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin "không cho phép bên nào yêu cầu đối tượng được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình" để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó. "Do đó, luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà VN là thành viên", bà Kim Thúy đề nghị.

Tranh luận với cả hai ĐB Lân Hiếu và Kim Thúy, ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết từ góc độ một người làm án, việc nâng hình thức phạt nặng cho những thông tin sai sự thật là không khả thi, bởi đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài nên không biết họ là ai. "Khi chúng tôi yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp, như vậy chúng ta tắc toàn bộ vụ án", ông Cầu dẫn chứng. Ông Cầu cũng viện dẫn điều 29.2 của Hiệp định TPP quy định về "ngoại lệ an ninh" để cho rằng quy định buộc đặt máy chủ không trái với cam kết quốc tế. "Không có quy định nào của hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia", ông Cầu phản biện.

Các ông lớn rút, người tiêu dùng chịu thiệt?

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nhận thấy quy định này "sẽ rất tốt nếu thực hiện được" trong việc kiểm soát dữ liệu người dùng để phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng, chống tội phạm. Dù vậy, ông Hà cũng chỉ ra quy định này khó thực hiện nếu các DN nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ người dùng tại VN. Trường hợp các nhà mạng quốc tế này rút thì người dùng tại VN không thể sử dụng được nhiều dịch vụ tiện ích của Google, Facebook. "Điều này có thể làm kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số đang bùng nổ hiện nay, dẫn đến người VN sẽ khó có cơ hội chia sẻ tài nguyên, tìm kiếm thông tin trên không gian mạng, từ đó khó có cơ hội để nâng cao kiến thức ứng dụng và phát triển công nghiệp nội dung số tại VN", ông Hà cảnh báo.

Theo ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai), trong khi chúng ta chưa có được giải pháp thay thế một cách toàn diện thì việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trên đó, cũng như việc khai thác, sử dụng các dữ liệu đó ra sao. "Thay bằng việc đưa ra các quy định trong nước thiếu nhất quán với các cam kết quốc tế, chúng ta đẩy mạnh khung hợp tác quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương để qua đó buộc các đối tác phải hợp tác, cung cấp dữ liệu, thông tin cho chúng ta khi cần thiết", bà Hà chia sẻ.

tranh luan quy dinh buoc facebook google

Một phòng máy chủ tại trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Thụy Điển. ẢNH: AFP 

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đánh giá việc luật đề xuất quản lý chặt chẽ các DN nước ngoài như đặt máy chủ đăng ký tại VN là "biện pháp chưa hoàn hảo", và đề xuất: "Cần quy định mang tính nguyên tắc như kiểm định độc lập định kỳ, thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất về dữ liệu và truyền tải để có thể quản lý tốt hơn mà không đi ngược tinh thần hội nhập, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi". Cụ thể, ông Bình đề nghị bổ sung điều về trách nhiệm của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông internet là các DN phải có khả năng giải trình việc lưu trữ truyền tải thông tin mật quốc gia, thông tin riêng tư cá nhân, tổ chức thông qua báo cáo kiểm định, độc lập định kỳ và phối hợp thực hiện các hoạt động thanh kiểm tra định kỳ đột xuất về dữ liệu lưu trữ và truyền tải.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm không đề cập vào một nội dung cụ thể mà trình bày luật An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an, quân đội, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Ông Tô Lâm cũng mong muốn các ĐB Quốc hội, các cơ quan, các tổ chức liên quan và nhân dân tiếp tục cho ý kiến đối với dự án luật, để ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình QH vào kỳ họp tới.

Theo Thanh Niên

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 22 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.