SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Thí sinh 30 điểm vẫn trượt ĐH: Bộ GD&ĐT nói gì?

10:50, 03/08/2017
(SHTT) - Trước câu hỏi nhiều thí sinh mặc dù đạt điểm gần như tuyệt đối, nhưng do không có điểm ưu tiên nên vẫn trượt đại học. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT nói gì?
toi-da-trai-nghiem-viec-truot-dai-hoc-the-nao

 Thí sinh 30 điểm vẫn trượt ĐH: Bộ GD&ĐT nói gì? 

Được biết, điểm chuẩn năm nay được đánh giá là cao kỷ lục trong nhiều năm. Điểm chuẩn D01 đối với nữ ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An Ninh Nhân dân) lên đến 30,5. Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y cũng có ngành lấy 30 điểm. Các trường đại học khối Y Dược, điểm trúng tuyển cao chót vót, có ngành cao nhất từ trước đến nay.

Ngay sau khi điểm chuẩn của nhiều trường đại học được công bố, nhiều người chắc hẳn không khỏi bất ngờ về nghịch lý đạt 29 hay 30 điểm vẫn trượt đại học như thường. Cụ thể là nhiều trường đưa ra mức điểm trúng tuyển lên đến con số  30,25 hay 30,5 điểm đã khiến cho nhiều học sinh thật sự giỏi nhưng không có điểm ưu tiên, mất đi cơ hội theo đuổi các trường top cao, hay ngành nghề mà các em thật sự yêu thích.

Câu chuyện về câu học trò  N.P.H ((Thạch Thất, Hà Nội) đạt 29,25 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội vì chỉ thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ. Trong khi những thí sinh đạt 25,75 điểm được thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ ĐH cũng vì thế mà khiến nhiều người bàn tán xôn xao.

Tiếp đến là trường hợp của em V.H.H (trú tại TP.HCM) đạt được số điểm khá cao: Toán 9,6 ; Hóa 9,75 ; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8. Với số điểm này em rất tự tin đăng ký nguyện vọng ưu tiên số 1 là vào ngành Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM. Các nguyện vọng tiếp theo là Y Đa khoa - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Y Đa khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Y Dược Cần Thơ.”

Với số điểm trên thì điểm xét tuyển cho khối B của em là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không được điểm ưu tiên). Như vậy, theo quy tắc làm tròn, điểm nam sinh V.H.H giảm xuống còn 29,25 điểm.

Điều tiếc xót xa là NV1 ngành Y Đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM lấy đúng 29,25 điểm nhưng lại xét tiêu chí phụ: tiêu chí đầu tiên, Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên (nam sinh V.H.H chỉ được 8,8 điểm Tiếng Anh) và đương nhiên nam sinh này không có tên trong danh sách trúng tuyển của Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM”. Rồi nhiều em 30 điểm mà vẫn trượt ở khối ngành công an, quân sự.

Chia sẻ với Zing, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Đại học FPT, cho rằng về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30. Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt đại học. Điều này tạo nên bức tranh… "tương đối buồn cười".

Theo thống kê, trong số 860.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, 13 em đạt điểm 30 (khối A: 3, khối B: 10, các khối khác không có). Các thí sinh đạt số điểm cao hơn 30 là do cộng điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng.

Điểm bất hợp lý của năm nay chính là việc một số trường lấy điểm chuẩn trên 30.

Liên quan trường hợp thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở cả 3 môn vẫn không đỗ ĐH, chia sẻ với VTV, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định trường hợp nữ thí sinh đạt 30 điểm không đỗ vào ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An ninh Nhân dân) là trường hợp cá biệt và không thể nhìn vào một trường hợp đặc biệt như thế để đánh giá về một kỳ thi.

Lý giải cho quan điểm của mình, bà Phụng chia sẻ: "Điểm trúng tuyển 30,5 là điểm của một trường thuộc ngành Công an. Mọi năm ngành Công an luôn là một trong những ngành có điểm trúng tuyển cao. Nhưng khác mọi năm, năm nay ngành Công an không xét tuyển Cao đẳng mà chỉ xét tuyển Đại học. Bên cạnh đó, chỉ tiêu của ngành Công an năm nay giảm hơn 54% so với năm ngoái bởi biên chế cho ngành Công an đang được định lượng lại".

"Vào đại học ngành Công an cũng đồng nghĩa với việc vào biên chế nhà nước vì thế nhiều bạn có nguyện vọng được học ngành này. Ngoài ra, đặc thù của ngành Công an là tuyển rất ít nữ, chỉ 10% thí sinh nữ trúng tuyển. Một cánh cửa rất hẹp như vậy đã khiến xảy ra trường hợp đặc biệt 30 điểm không trúng tuyển. Nếu chúng ta phác hoạ cả một kỳ thi bằng một trường hợp như thế thì sẽ không còn đúng nữa" – bà Phụng cho biết thêm.

Cũng chia sẻ về việc một số trường hợp 30 điểm không trúng tuyển nguyện vọng 1, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cũng lý giải rằng thực tế nếu không trúng nguyện vọng 1, các thí sinh cũng đã được xét tuyển các nguyện vọng khác. Bên cạnh đó, năm nay không có giới hạn về việc đăng ký nguyện vọng của các thí sinh, vì thế, chắc chắn không có trường hợp 30 điểm bị trượt đại học mà sẽ được nhập học ở những nguyện vọng có điểm trúng tuyển thấp hơn.

Việc nhiều trường đưa ra những tiêu chí phụ khiến không ít thí sinh tiếc nuối, chán nản bởi dù điểm đã đủ để trúng tuyển, tuy nhiên, các em vẫn trượt vì không đáp ứng được tiêu chí phụ. Nhiều câu hỏi được đặt ra về tính đúng đắn của tiêu chí phụ cũng đã được bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp với VTV.

"Tiêu chí phụ trong tuyển sinh đã tồn tại trong nhiều năm. Tiêu chí phụ không phải để đánh trượt các em điểm cao mà để lựa chọn trúng tuyển trong số các em bằng điểm nhau. Nếu như các em bằng điểm ở danh sách trúng tuyển nhưng chỉ tiêu tuyển sinh thì hết rồi, chắc chắn trường sẽ không thể lấy được hết các em bằng điểm đó mà phải căn cứ vào tiêu chí phụ để xem xét xem trong số những em bằng điểm đó thì lựa chọn ai", bà Phụng chia sẻ.

"Thông thường các trường sẽ đặt ra những tiêu chí phụ phù hợp với yêu cầu của ngành được tuyển. Ví dụ một số ngành tự nhiên hay kỹ thuật, các trường sẽ chọn ưu tiên môn Toán hay môn Lý cao hơn trong số những người bằng điểm. Hay như những ngành có tính hội nhập cao, có thể trường sẽ yêu cầu môn tiếng Anh cao hơn... Có lẽ, tiêu chí phụ cũng đảm bảo sự công bằng trong điều kiện cánh cửa trúng tuyển đại học không đủ rộng cho tất cả các thí sinh bằng điểm".

Cần thay đổi cơ chế ưu tiên?

Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên nhiều năm gắn bó với công tác luyện thi đại học nói với Zing, việc cộng điểm ưu tiên khu vực là chính sách tốt, cần duy trì, nhưng nên giảm số điểm cộng còn một nửa để tạo sự công bằng. Hiện tại, công thức của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, một điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực một. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.

Phân tích về đề xuất giảm điểm ưu tiên, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng hiện nay, mức độ tiếp cận giáo dục ở các tỉnh thành đã có nhiều đổi khác. Các em có thể học trực tuyến qua Internet, thi cử được tổ chức ở địa phương khiến khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn được thu hẹp.

“Nếu vẫn giữ như mức cộng điểm hiện tại, thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường top đầu, có điểm chuẩn cao như công an, quân đội hay ngành Y đa khoa. Có thể thấy một làn sóng ‘di cư’ hiện tại: Học sinh Hà Nội về Thái Bình, Hải Phòng học Y, còn học sinh Thái Bình, Hải Phòng về Hà Nội học Y”, ông Ngọc nêu ý kiến.

PV (t/h)

Tin khác

Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 1 ngày trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.