SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Thanh Hóa: Phớt lờ lệnh cấm của chính quyền, doanh nghiệp ngang nhiên khai thác sét Bentonite

06:10, 24/07/2017
Mặc dù đã có lệnh cấm và chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng thu gom, khai thác, chế biến và vận chuyển sét Bentonite tại khu vực mỏ Cổ Định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn xã Tân Ninh vẫn ngang nhiên hoạt động, thu gom, khai thác và chế biến sét Bentonite.

Bất chấp lệnh cấm

Tại thông báo số 96/TB-UBND ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa – TKV đã kết luận, thời gian gần đây, UBND huyện Triệu Sơn chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản. Cụ thể, đã để cho 8 doanh nghiệp tổ chức thu gom, lập xưởng nghiền sét Bentonite trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường, gây thất thoát tài nguyên của nhà nước.

Để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, thu gom và chế biến khoáng chất công nghiệp Bentonite trái phép, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Quyền đã yêu cầu UBND huyện Triệu Sơn tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng nêu trên, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/7/2017. Chấm dứt việc khai thác, thu gom, chế biến và tiêu thụ Bentonite; Kiểm kê, quản lý chặt chẽ khối lượng sét Bentonite và sản phẩm hiện có. Xây dựng phương án xử lý sét Bentonite của các đơn vị khai thác, chế biến trái phép, lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.

Sau khi nhận thông báo trên, ngày 30/5/2017, UBND huyện Triệu Sơn đã ra thông báo số 1019/TB-UBND về việc phối hợp với UBND xã Tân Ninh để ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm tình trạng thu gom, khai thác, chế biến, vận chuyển sét Bentonite trái phép. Yêu cầu các đơn vị, cá nhân có hoạt động sét Bentonite trái phép, tổ chức tháo dỡ máy móc, thiết bị, nhà xưởng trước ngày 21/7/2017 theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đến thời điểm hiện tại, 8 doanh nghiệp trên địa bàn xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn) vẫn chưa tháo dỡ nhà xưởng, chưa đưa máy móc thiết bị ra ngoài. Đặc biệt, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Tân Đức, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hoàng Tùng… vẫn ngang nhiên vận chuyển, thu gom sét Bentonite trái phép trong suốt thời gian bị cấm.

Theo phản ảnh của người dân địa phương: “cứ ngày nắng là họ cho gần chục chiếc xe đầu kéo, xe tải chạy rầm rập suốt ngày, chẳng che phủ bạt, chạy nhanh siết mảnh sành khiến người đi đường nhiều phen khiếp sợ”.

Địa diện phía chính quyền UBND xã Tân Ninh (Triệu Sơn), ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã xác nhận: “8 doanh nghiệp trên địa bàn xã hiện vẫn chưa tháo dỡ nhà xưởng, chưa đưa máy móc thiết bị ra ngoài. Việc một số doanh nghiệp vẫn lén lút thu mua, vận chuyển sét Bentonite chúng tôi chưa nắm được. Tôi sẽ cho anh em xuống kiểm tra ngay”.

op

Đất xét được phơi khô tại ruộng, sau đó được người dân dùng xẻng xúc lên xe đầu kéo. 

Khai thác không phép nhưng vẫn được thu thuế!

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp đang khai thác trong khu vực  trên cho biết, việc họ khai thác, thu mua, vận chuyển sét Bentonite đã diễn ra 10 năm nay, nhưng không có cơ quan chức năng nào ngăn cấm việc làm này.

“Hàng năm, chúng tôi còn nộp đầy đủ các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng… cho địa phương. Mãi đến đầu năm 2017, có thông báo của tỉnh Thanh Hóa, rồi thông báo của huyện Triệu Sơn kết luận chúng tôi khai thác trái phép và yêu cầu chúng tôi tháo dỡ nhà xưởng, dừng các hoạt động khai thác, thu mua, vận chuyển sét Bentonite chúng tôi mới biết mình làm trái pháp luật”.

Một chủ doanh nghiệp cho biết: “Nếu bảo chúng tôi là hoạt động sét Bentonite trái phép sao chính quyền vẫn thu thuế của chúng tôi gần chục năm nay?. Sao không cấm ngay từ đầu? Giờ chúng tôi đã vay mượn đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị vào rồi lại cấm thì chúng tôi biết lấy gì mà trả nợ ngân hàng?”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn lý giải: “Loại sét Bentonite trên tại địa bàn xã Tân Ninh có được là do trong quá trình khai thác quặng Crom tại khu vực mỏ Cổ Định thì sinh ra một loại bùn thải, (bùn thải này chính là sét Bentonite). Khoảng 10 năm trước, loại bùn thải này được một người dân ở địa phương phơi khô, đem bán sinh lời. Thấy loại bùn thải này có giá trị cao thì nhiều người dân thành lập doanh nghiệp để thu mua, chế biến, vận chuyển đem bán”.

Ông Hùng khẳng định: “Các doanh nghiệp này khai thác là sai bởi không ai cấp phép cho các doanh nghiệp này khai thác loại tài nguyên trên cả. Còn việc thu thuế của doanh nghiệp là do Chi cục Thuế Triệu Sơn thu, chứ huyện không thu. Lâu nay, khi các doanh nghiệp phát sinh doanh thu thì thu thuế. Một năm, 8 doanh nghiệp này nộp khoảng 4-5 tỷ đồng cho chi cục thuế”.

Để tìm câu trả lời cho việc thu thuế của các doanh nghiệp đang có hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến sét Bentonite trái phép là đúng hay sai? Chúng tôi đã trao đổi với ông Hoàng Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Triệu Sơn được biết: Từ trước đến nay loại bùn thải do khai thác quặng sinh ra và người dân khai thác không ai cấm cả. Sự việc cứ diễn ra như thế, doanh nghiệp cứ làm, cứ kê khai và nộp thuế. Mãi đến đầu năm nay (2017), tỉnh có lệnh cấm khai thác thì không thu thuế nữa. Mà trước ở đây gọi là đất sét nhưng mới vài năm nay Thanh Hóa sinh ra cái tên là sét Bentonite, chứ thuế thu vẫn ghi là các loại tài nguyên khác.

Theo báo đầu tư

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 1 ngày trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.