SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Tác phẩm kiến trúc và câu chuyện bản quyền

16:00, 08/10/2017
Thời gian qua, rộ lên nhiều tranh cãi liên quan đến việc sử dụng bản quyền. Trong lĩnh vực kiến trúc, vấn đề quyền tác giả đang được nhắc tới khá sôi nổi. Phần lớn các ý kiến cho rằng kiến trúc là tác phẩm để làm cơ sở bảo vệ quyền tác giả và xa hơn là gìn giữ di sản kiến trúc.

Công trình kiến trúc và tác phẩm kiến trúc

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Hội KTS Việt Nam đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và đưa ra ý kiến thống nhất rằng: Xác định tác phẩm kiến trúc dưới dạng bản vẽ là đúng nhưng chưa đủ. Tác phẩm kiến trúc cuối cùng là ở dạng công trình được xây dựng. Công trình xây dựng (theo bản vẽ) chỉ được xác định là tác phẩm kiến trúc khi hội đủ các tiêu chí do Nhà nước quy định. Như vậy có thể cho phép phân biệt trên thực tế công trình xây dựng với tác phẩm kiến trúc.

Về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc cần được bổ sung và làm rõ, nhất là đối với tác phẩm kiến trúc là công trình xây dựng. Bởi, công trình được xây dựng có sự tham gia của các tác nhân, như: Tác giả (KTS); tổ chức, cá nhân đầu tư (nhà đầu tư); chính quyền (nhà quản lý). Do đó, các tác nhân tham gia có thể thỏa thuận về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này là cần thiết để bảo vệ tác phẩm kiến trúc khi trong thực tế có những can thiệp vào tác phẩm kiến trúc, như: Sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang hay phá bỏ. PGS, TS, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, giải thích: “Như vậy, có thể nói là rất nhiều công trình kiến trúc không phải là tác phẩm kiến trúc. Mà những tác phẩm kiến trúc phải là những công trình có giá trị nghệ thuật cao, cùng với thời gian, các tác phẩm kiến trúc trở thành di sản kiến trúc. Và đó là thứ chúng ta cần bảo vệ”.

Cũng theo KTS Nguyễn Quốc Thông, vấn đề đáng lo ngại nhất là nếu kiến trúc không được coi là tác phẩm sẽ dẫn đến việc chúng ta không giữ được quỹ kiến trúc quốc gia. Quỹ kiến trúc quốc gia là những công trình kiến trúc có giá trị và nó tạo nên diện mạo đô thị, tạo ra sự khác biệt trong văn hóa đô thị của mỗi quốc gia, dân tộc. Ông cho biết: “Ở nhiều nước phát triển, việc coi công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao là tác phẩm nghệ thuật đã được luật hóa từ lâu. Nhiều tác phẩm nghệ thuật, tác giả còn được ghi tên và tóm tắt lịch sử vào ngay công trình”. Ở nước ta có nhiều di sản kiến trúc, đặc biệt tồn tại ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng hay TP Hồ Chí Minh, được quản lý bởi ngành văn hóa nên vẫn còn được giữ gìn. Tuy nhiên, di sản kiến trúc chỉ là một phần nhỏ của các tác phẩm kiến trúc, bởi thời gian gần đây, đời sống của người dân được nâng lên, nhiều công trình kiến trúc ra đời đã tạo nên diện mạo của kiến trúc Việt Nam hiện đại. Những công trình này khi được coi là tác phẩm sẽ được gìn giữ lâu dài và trở thành di sản tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử của đất nước.

tac pham kien truc va cau chuyen ban quyen

Nhà hát Lớn Hà Nội - một di sản kiến trúc quý của Thủ đô.   

Sao chép kiến trúc và hệ quả

Chuyện sao chép, nhân bản các công trình kiến trúc có giá trị không phải là chuyện hiếm gặp đối với ngành kiến trúc. KTS Võ Trọng Nghĩa, người nổi tiếng với kiến trúc xanh và những ngôi nhà tre rất đặc trưng của kiến trúc Việt đã nhiều lần tố khổ vì bị sao chép. Anh kể rằng, đối với những ngôi nhà tre thì khớp nối là chi tiết rất quan trọng, nó quyết định vẻ đẹp cũng như tính bền chắc của công trình. Tuy vậy, những khớp nối này đã hơn một lần bị sao chép bởi cả những KTS trong nước và quốc tế. “Tại sao anh không kiện để giữ bản quyền?”-tôi hỏi. KTS Võ Trọng Nghĩa lắc đầu: “Việc bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực kiến trúc là rất khó. Đặc biệt ở Việt Nam, khi cơ sở pháp lý chỉ dựa vào Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 với nhiều điều khoản còn chung chung, thiếu chi tiết”. Thực tế, trên thế giới đã có tiền lệ nhiều công trình kiến trúc sao chép bị đưa ra tòa án và yêu cầu trả tiền bản quyền hoặc bị phá dỡ. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa từng có một vụ tranh chấp về bản quyền kiến trúc.

Không có tranh chấp về bản quyền kiến trúc không phải vì ở ta không có hiện tượng sao chép, nhân bản các công trình kiến trúc, mà do thiếu cơ sở pháp lý. KTS Cổ Minh Tâm cho rằng, chống sao chép các tác phẩm kiến trúc phải xuất phát từ việc giáo dục lòng tự trọng cho các KTS ngay từ trường đại học. Ông chia sẻ: “Chúng ta nên phân biệt rõ khái niệm "sao chép" và "xâm phạm" tác quyền, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc, bản quyền tác giả hoàn toàn khác hẳn với khái niệm "duy trì đường nét/hình thái kiến trúc theo quy hoạch chung". Thời đại thông tin mở rộng, tài liệu mênh mông, tha hồ tìm tòi tra cứu thì việc vi phạm bản quyền lại càng khó kiểm soát. Hầu hết những vụ bị phát hiện thường là chuyện đã rồi, do họ quá lộ liễu, như: "Bê" nguyên xi phối cảnh, mặt đứng công trình của người khác làm của mình. Mức độ nghiêm trọng thường tập trung vào những công trình công cộng”.

Trong khi một "bộ luật" về KTS vẫn chưa ra đời thì thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tốt đối với việc tôn trọng bản quyền. Luật sư Lê Văn Điệp của Công ty luật Minh Anh cho biết, thời gian qua đã có rất nhiều khách hàng đăng ký bản quyền cho các tác phẩm kiến trúc và cả công trình kiến trúc. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho các tranh chấp dân sự nếu việc vi phạm bản quyền xảy ra. 

Trước những thử thách làm xấu đi môi trường cạnh tranh trong ngành xây dựng, chúng ta cần phải có hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm khắc nhằm bảo vệ sản phẩm trí tuệ nói chung và tác quyền kiến trúc nói riêng. Trước mắt, việc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ cần coi đồ án kiến trúc, công trình kiến trúc là những tác phẩm để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp bản quyền.

Theo Quân đội Nhân dân

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, một nghệ sĩ quyết định khởi kiện Shein với cáo buộc thương hiệu này đã vi phạm bản quyền khi sử dụng AI để sao chép tác phẩm của mình.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Cuộc tranh luận pháp lý mới đây xoay quanh việc liệu các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có được bảo hộ bản quyền hay không đang tiếp tục thu hút sự tham gia sôi nổi của các chuyên gia tại Mỹ.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Adam Schiff, nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang California, đã đề xuất với Quốc hội Mỹ về dự luật buộc các công ty AI tiết lộ những tài liệu có bản quyền được sử dụng để xây dựng các mô hình AI tạo sinh.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, công ty phần mềm Wex cáo buộc tập đoàn công nghệ HP đã lạm dụng thương hiệu của họ để đặt tên cho phần mềm cạnh tranh của HP.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Nền tảng game Skillz đang trong quá trình hòa giải với công ty đối thủ AviaGames sau vụ kiện về độc quyền nhãn hiệu với cáo buộc đạo nhái game di động của công ty này.
Liên kết hữu ích