SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Sự khác biệt giữa hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với hàng giả

06:35, 12/03/2017
Để đấu tranh với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ngày một gia tăng, thiết lập một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền SHCN, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa vào Bộ luật hình sự năm 2015, chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, một tội phạm mới là tội xâm phạm quyền SHCN.

Mặc dù trong các văn bản luật đã quy định rõ vấn đề này song không phải ai cũng phân định rõ ràng giữa hàng hoá xâm phạm quyền SHCN với hàng giả. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến về sự khác biệt giữa hai khái niệm hàng xâm phạm quyền SHCN và hàng giả.

Sự phân định ranh giới giữa hai đối tượng này trên thực tế có ý nghĩa rất rất quan trọng. Có thể đưa ra một ví dụ như sau: Nhà máy chế biến sữa Hà Nội thuộc công ty cổ phần Sữa Hà Nội sản xuất Sữa tươi nhãn hiệu “IZI và hình” đã được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam, một Công ty B cũng sản xuất Sữa tươi gắn lên sản phẩm của mình nhãn hiệu IZI và hình, với cách trình bày bao bì sản phẩm hoàn toàn giống với cách trình bày bao bì sản phẩm Sữa tươi của Nhà máy chế biến sữa Hà Nội. Trong trường hợp này nếu sản phẩm Sữa tươi của Công ty B bị coi là hàng giả, họ sẽ bị xử lý theo Điều 192 BLHS - Tội sản xuất buôn bán hàng giả. Tuy nhiên nếu sản phẩm của Công ty B bị coi là hàng xâm phạm quyền SHCN thì họ bị xử lý theo tội danh khác. Đó là tội xâm phạm quyền SHCN - Điều 226 BLHS. Chính vì vậy việc áp dụng hai hình phạt theo hai điều luật trên là hoàn toàn khác nhau về thủ tục tố tụng cũng như mức hình phạt.

Về thủ tục tố tụng

Nếu xác định người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì về nguyên tắc cơ quan chức năng có quyền tiến hành khởi tố vụ án hình sự ngay sau khi phát hiện ra hành vi phạm tội và yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại. Nếu xác định là người phạm tội đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHCN thì theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, các cơ quan chức năng chỉ có thể khởi tố vụ án khi có yêu cầu từ phía chủ sở hữu nhãn hiệu. Như vậy, việc lựa chọn để áp dụng một trong hai điều luật này có sự ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cả về phía người phạm tội cũng như người có quyền SHCN đối với nhãn hiệu hàng hoá bị xâm phạm. Nhìn chung, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm chính thống nào về hàng giả cũng như hàng xâm phạm quyền SHCN. Tuy nhiên, trên thực tế có thể xác định được hai loại đối tượng này thông qua các tiêu chí nhất định do pháp luật quy định.

Về mức hình phạt theo BLHS

Truy tố hai tội danh khác nhau kéo theo việc áp dụng các chế tài cũng khác nhau. Nếu người phạm tội bị xử lý theo điều 192 thì mức hình phạt cao nhất mà có thể bị áp dụng là đến 15 năm tù giam (khoản 3 điều 192), nếu xử lý theo Điều 226 thì mức hình phạt cao nhất cũng chỉ đến 3 năm tù giam. Do vậy xảy ra trường hợp hành vi phạm tội thoả mãn cấu thành của điều 226 BLHS nhưng người phạm tội lại bị truy tố theo tội danh quy định tại điều 192 BLHS, điều này gây bất lợi cho những người có hành vi vi phạm.

*Đối với hàng giả

Theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, hàng giả gồm các loại sau:

Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

Tem, nhãn, bao bì giả

Như vậy là khái niệm Hàng giả đã được quy định một cách rõ ràng, là cơ sở để các cơ quan chức năng thực thi và áp dụng pháp luật một cách hiệu quả trong công cuộc chống hàng giả.

* Đối với hàng xâm phạm quyền SHCN

Theo quan điểm của chúng tôi thì hàng xâm phạm quyền SHCN chính là đối tượng của các dạng hành vi sử dụng trái phép các đối tượng của quyền SHCN. Chẳng hạn như một chủ thể không phải là chủ sở hữu, không phải là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá... nhưng trong thời hạn bảo hộ các nhãn hiệu này, họ vẫn thực hiện những hành vi như sản xuất các sản phẩm theo các quy trình công nghệ đã được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam, hoặc lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán hàng hoá mang nhãn hiệu đã được bảo hộ...vv, thì khi đó, chính các đối tượng của các dạng hành vi này (sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ, sản phẩm mang nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ) sẽ trở thành hàng xâm phạm quyền SHCN.

Từ những phân tích trên có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành, giữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHCN có một bộ phận bị trùng nhau. Đó là trường hợp hàng giả về hình thức và hàng xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng chỉ dẫn thương mại như: nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý...

Trở lại với ví dụ đã nêu ban đầu, hành vi sản xuất Sữu tươi có nhãn hiệu IZI và hình giọt nước của Công ty B đồng thời thoả mãn dấu hiệu khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả (giả về hình thức) và tội xâm phạm quyền SHCN (đối với nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ). Như vậy, sản phẩm Sữa tươi của Công ty B trong trường hợp này nên bị coi là hàng giả hay là hàng xâm phạm quyền SHCN?

Để có thể xác định sản phẩm Sữa tươi trong ví dụ nêu trên là hàng giả hay hàng xâm phạm quyền SHCN thì cần phải căn cứ vào chủ thể được các Điều 192 và 226 BLHS hướng tới bảo vệ.

Đối với điều 192 - tội sản xuất buôn bán hàng giả thì tội phạm xâm phạm đến tính trung thực, sự hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất kinh doanh, đồng thời xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Như vậy, điều luật này hướng tới bảo vệ các chủ thể có hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp và đặc biệt là hướng tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn theo điều 226 thì chủ thể được điều luật này hướng tới bảo vệ trước tiên là các chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng SHCN (thường là nhà sản xuất kinh doanh). Từ nhận định này, chúng tôi có thể đưa ra một số ý kiến như sau:

- Một hành vi sử dụng trái phép đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá... mà chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng SHCN này để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm (sản phẩm trong trường hợp này vẫn đảm bảo được giá trị đúng với bản chất, tên gọi, công dụng của nó, đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá đã công bố) thì chỉ nên coi đối tượng của hành vi đó là hàng xâm phạm quyền SHCN chứ không nên coi đó là hàng giả. Bởi trong trường hợp này quyền lợi của người tiêu dùng có bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể mà chủ yếu là chỉ ảnh hưởng đến chủ sở hữu các đối tượng SHCN.

- Trong trường hợp hành vi sử dụng trái phép các đối tượng SHCN như trên đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng đó và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm thì đối tượng của hành vi này phải bị coi là hàng giả.

Nói tóm lại, để có sự phân định giữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHCN và quan trọng hơn cả là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng đúng đắn pháp luật, đồng thời tránh được tình trạng trùng lặp, chồng chéo của các quy định pháp luật, chúng tôi cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và nên thu hẹp bớt các tiêu chí pháp lý xác định hàng giả. Một sản phẩm cung ứng trên thị trường có phải là hàng giả hay không chỉ cần xác định theo nội dung (tức là xác định theo chất lượng hoặc công dụng của hàng hoá) chứ không cần phải xác định theo hình thức (kiểu dáng, nhãn hiệu, tên gọi, xuất xứ...).

Theo Ths. Nguyễn Văn Dung - Phó Chánh Thanh tra Sở KH&CN

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.