SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Sinh viên sáng chế “Găng tay thông minh” cho người câm, điếc

07:38, 09/12/2017
Họ đều là sinh viên năm thứ 3 nhưng đã có công trình sáng chế đôi găng tay “ iGloves–Găng tay thông minh” phá vỡ mọi rào cản về giao tiếp và ngôn ngữ đối với những người câm điếc. Sản phẩm giàu tính nhân văn đã vinh dự được trao giải thưởng tại Fesival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X năm 2017.

Nhóm tác giả trẻ là Nguyễn Duy Tâm, Huỳnh Võ Nhật Huy, Nguyễn Hữu Đạt Đức (SN 1997, sinh viên năm 3, lớp Cử nhân tài năng, khoa CNTT trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM).

Theo Nhật Huy, ý tưởng sáng chế “Găng tay thông minh” xuất phát từ một lần nhóm đi làm từ thiện tại Trung tâm trẻ câm, điếc ở TP. “Khi giao tiếp với một bé gái bị câm điếc, em có sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nhưng bản thân chúng mình thì không hiểu được bé muốn nói gì. Nhìn trong ánh mắt của bé rất buồn. Mình tự hỏi, nếu người khiếm thính sống trong cộng đồng nhưng giao tiếp với những người không hiểu thủ ngữ, thì họ sẽ chịu thiệt thòi đến nhường nào?”, Nhật Huy chia sẻ.

Từ những trăn trở ấy, nhóm tác giả trẻ đã chế tạo ra thiết bị “iGloves - Găng tay thông minh”, có khả năng chuyển đổi cử chỉ ngôn ngữ ký hiệu thành tiếng Việt.

sinh vien sang che gang tay thong minh

Nhóm tác giả Huỳnh Võ Nhật Huy, Nguyễn Hữu Đạt Đức bên cạnh sản phẩm “iGloves – Găng tay thông minh” tại Fesival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X năm 2017. Ảnh: M.MIÊN 

Trước khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm tác giả cũng khảo sát số liệu, con số thực tế hiện nay trên thế giới có khoảng 7% người câm, điếc tương đương với 550 triệu người (khảo sát năm 2007), số người biết ngôn ngữ giao tiếp (thủ ngữ) chỉ chiếm 30% trong số này, việc giao tiếp trong cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Đối với người bình thường, rất ít người có khả năng đọc và hiểu được thủ ngữ cũng rất ít. Đây thực sự là một vấn đề lớn trong việc giao tiếp và sinh hoạt của những người câm/điếc.

Từ đó, nhóm tác giả quyết tâm mày mò và nghiên cứu để có thể “hiện thực hóa” ý tưởng trên giấy thành thiết bị ứng dụng trong cuộc sống, giúp người câm, điếc có thể hòa nhập với cộng đồng, cũng như người bình thường có thể hiểu được người câm, điếc muốn nói gì.

Bắt đầu thực hiện ý tưởng từ tháng 1-2016, trong vòng 6 tháng tìm hiểu thông tin, hướng dẫn trên mạng internet và kiến thức trong sách vở để vẽ ra sơ đồ bảng mạch, nhóm tác giả đã cho ra đời ra đời sản phẩm có tên “ iGloves – Găng tay thông minh”.

Chia sẻ về cấu tạo, Đạt Đức cho hay, sản phẩm có 3 phần, gồm găng tay trái, găng tay phải; thiết bị ngoại vi cảm ứng và một chiếc loa nhỏ. Đôi găng tay iGloves được xây dựng trên thuật toán máy học.

Đôi găng tay sẽ ghi nhớ một kho từ những ngôn ngữ ký hiệu bằng tay. Khi người câm, điếc đeo găng tay vào, họ chỉ việc thực hiện các cử chỉ thường ngày họ giao tiếp, hệ thống cảm biến được lắp đặt trên bao tay sẽ nhận dạng các chuyển động này, sau đó chuyển đổi chúng thành các tín hiệu số và gửi về bộ xử lý trung tâm, phát câu nói tiếng Việt trong bộ ngôn ngữ cử chỉ đã được tích hợp sẵn được cập nhật liên tục qua hệ thống loa ngoài.

Từ đó, mọi người có thể hiểu được ý người câm, điếc muốn nói thông qua giọng nói mà không cần phải hiểu loại ngôn ngữ này.

Để “mục sở thị” về “Găng tay thông minh”, Đức trực tiếp là người thử nghiệm, em đeo găng tay và thực hiện các thủ ngữ của người câm, điếc, chẳng hạn khi giơ một ngón trỏ lên thì hệ thống phát ra tiếng nói là “Một”, tiếp đó Đức nắm hờ hai bàn tay, lòng bàn tay phải úp lên mu bàn tay trái, đưa hai tay về phía phải rồi từ từ kéo về đặt trước ngực, nhấn tay nhẹ xuống đồng thời cúi đầu thì hệ thống phát ra tiếng nói “Cảm ơn”...

Đức bảo, “Găng tay thông minh” cũng giống như một công cụ Google Translate (dịch). Chỉ khác là thiết bị hỗ trợ người dùng trong việc “dịch” ngôn ngữ ký hiệu sang lời nói, bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, sản phẩm “Găng tay thông minh” còn có nhiều hạn chế khi cùng một thủ ngữ nhưng mỗi vùng miền đều có cách nói và điều chỉnh khác nhau. Những cử động tay của mỗi người cũng có sự chênh lệch, chẳng hạn cùng thể hiện chữ A có người nắm hờ, nắm chặt...

Hơn nữa, khi thực hiện thủ ngữ phải gần đạt độ chính xác trạng thái cài đặt sẵn, nó mới nhận diện được chữ đó. Trong tương lai, nhóm sẽ tìm cách khắc phục bằng các phần mềm trí tuệ nhân tạo.

Trước ý tưởng của nhóm tác giả thì đã có sản phẩm tương tự tại nước ngoài, nhưng do bên nước ngoài sử dụng camera để nhận diện cử chỉ, thì hệ thống hết sức cồng kềnh và đắt tiền. Sản phẩm “iGloves - Găng tay thông minh” chỉ thiết kế bao tay để đeo gọn nhẹ. Hơn nữa, đây là sản phẩm “thương hiệu Việt” dành riêng cho người khuyết tật Việt với bộ ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ.

Hiện tại, sản phẩm bước đầu được thử nghiệm tại một số trường dạy trẻ em câm, điếc ở TP HCM và nhận được hiệu ứng khá tốt. Dự định của nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu sản phẩm và và dự kiến tháng 6-2018 sẽ thương mại hóa sản phẩm.

Khi hỏi về ước mơ của nhóm tác giả trẻ, Nhật Huy chia sẻ, hiện cả 3 người đều đang cộng tác trong một Cty Startup (Khởi nghiệp), và ý tưởng sau này sẽ lập Cty khởi nghiệp bằng chính sản phẩm của nhóm sáng tạo.

Theo Pháp luật và xã hội

Tin khác

Tài sản trí tuệ 20 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Hewlett Packard Enterprise (HPE) đã kiện tập đoàn Trung Quốc, Inspur Group, cáo buộc rằng các sản phẩm của Inspur vi phạm năm bằng sáng chế của HPE liên quan đến công nghệ máy tính.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Vụ kiện bản quyền vaccine COVID-19 của Moderna đối với Pfizer và BioNTech được tạm ngừng sau quyết định của tòa án Massachusetts, khi Cục Sở hữu trí tuệ Mỹ xem xét hiệu lực hai trong ba bằng sáng chế của công ty này.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - USPTO yêu cầu các luật sư khi nộp hồ sơ cần nêu rõ vai trò của trí tuệ nhân tạo trong đơn xin cấp bằng sáng chế do lo ngại AI có thể bị lạm dụng trong quá trình tạo ra các phát minh, sáng chế.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Tòa án Illinois quyết định rằng Amazon bị phạt 525 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế lưu trữ đám mây của công ty Kove, làm dấy lên những tranh cãi trong ngành công nghiệp công nghệ.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Một vụ vi phạm bằng sáng chế đã dẫn đến lệnh cấm bán các mẫu Apple Watch Series 9 và Ultra 2 tại Mỹ. Lệnh cấm này xuất phát từ tranh chấp sáng chế tính năng đo oxy trong máu.