SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 17/04/2024
  • Click để copy

Sheraton Đà Nẵng: Dự án bị thanh tra, cổ phiếu hạn chế giao dịch, kinh doanh thua lỗ trăm tỷ!

11:40, 17/08/2018
(SHTT) - Mặc dù khách sạn Sheraton Grand Danang Resort đã đi vào hoạt động kể từ đầu năm, tuy nhiên, cho đến nay, CTCP Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (Mã CK: BDP) đã phải trải qua hàng loạt biến cố liên quan đến cấp phép dự án, giao dịch cổ phiếu và kết quả hoạt động kinh doanh khó khăn.
sheraton

 Dự án biệt thự và khách sạn Biển Đông Phương (Sheraton Danang Resort)

Dự án "nằm trong tầm ngắm" của Bộ Xây dựng 

CTCP Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương được biết đến với vai trò là chủ đầu tư dự án biệt thự và khách sạn Biển Đông Phương(Sheraton Danang Resort), với tổng mức đầu tư ban đầu là 888 tỷ đồng( tương đương 55,6 triệu USD).

Theo thiết kế, dự án sẽ bao gồm khách sạn 5 sao Sheraton có 250 phòng, 45 biệt thự cao cấp thấp tầng cùng các hạng mục hỗ trợ như trung tâm hội nghị, nhà hàng và dịch vụ tiện ích và được xây dựng trên diện tích 11,51 ha; 400 m bờ biển riêng biệt tại đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Dự án được khởi công từ tháng 3/2015 và sau gần 3 năm triển khai thực hiện, vào ngày 25/1/2018, khách sạn Sheraton Grand đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động, còn lại khu biệt thự 3,13 ha hiện đã cơ bản hoàn thành và dự kiến sẽ mở bán trong năm nay. 

Được biết, vào thời điểm cuối năm 2017, tổng mức đầu tư dự kiến dự án trên đã tăng gấp 4 lần so với ban đầu lên 3.666 tỷ đồng và hiện tại Công ty đang lập hồ sơ xin phê duyệt việc thay đổi tổng mức đầu tư của dự án nêu trên. 

sheraton 1

 Nguồn: BCTC bán niên 2018 BDP

Theo thông tin trên tờ Infonet mới đây, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí phản hồi liên quan đến Kết luận thanh tra số 311 ngày 10/7/2017 của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng Đà Nẵng giai đoạn 2012 – 2016.

Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận liên quan đến một số thiếu sót về nội dung giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Tp Đà Nẵng cấp.

Trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số công trình, dự án đang thi công nhưng chưa có hồ sơ cấp phép xây dựng như: Khu biệt thự và khách sạn Biển Đông Phương (Sheraton Danang Resort) ở đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Biệt thự và khách sạn Biển Đông Phương; dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Soleil Ánh Dương ở vị trí lô đất tiếp giáp đường Phạm Văn Đồng và đường Võ Nguyên Giáp của Công ty Cổ phần đầu tư PPC An Thịnh...

Về các nội dung này, thông cáo báo chí chiều 1/8 của Sở Xây dựng Đà Nẵng giải trình các dự án trên đều được triển khai cấp bách để phục vụ Apec 2017, đồng thời UBND TP Đà Nẵng đã có có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các chủ đầu tư tiến hành song song các thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng với việc thi công xây dựng công trình và đã được Bộ Xây dựng cho phép.

Cổ phiếu BDP không có thanh khoản, bị hạn chế giao dịch

Đầu tháng 8 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo danh sách cảnh báo nhà đầu tư trên Hệ thống giao dịch UPCoM tại ngày 6/8. Theo đó, có 13 mã cổ phiếu của doanh nghiệp đã không công bố thông tin về họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, thuộc trường hợp bị tạm dừng giao dịch theo quy định.

Trong danh sách này, có mã BDP của CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương bị tạm ngừng giao dịch trên sàn UpCom từ ngày 24/7 đến ngày 26/7/2018, tương đương việc bị tạm dừng giao dịch trong 3 phiên.

Tuy nhiên, Công ty không khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch, do đó, mới đây cổ phiế BDP tiếp tục nằm trong danh sách cổ phiếu cảnh báo nhà đầu tư tại ngày 10/8 và thuộc trường hợp bị hạn chế giao dịch.

sheraton 2

 Nguồn: Danh sách cổ phiếu cảnh báo nhà đầu tư tại ngày 10/8 của HNX

Cụ thể, toàn bộ 25.000.000 cổ phiếu BDP đều bị hạn chế giao dịch từ ngày 27/7/2018 và chỉ được giao dịch và phiên thứ sáu hàng tuần.

Được biết, cổ phiếu BDP đã chính thức niêm yết trên UPCoM kể từ ngày 25/4/2017. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm lên sàn cổ phiếu BDP chưa hề phát sinh giao dịch cũng như biến động giá nào. Hiện, thị giá cổ phiếu BDP vẫn đang ở mức 10.000 đồng/CP và từ lâu, cổ phiếu này không phát sinh giao dịch.

Thua lỗ trăm tỷ, nợ phải trả chất như núi!

Kể từ khi khách sạn Sheraton Grand Danang Resort đi vào hoạt động, hoạt động kinh doanh của CTCP Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương đã bắt đầu ghi nhận doanh thu. 

Theo BCTC giữa niên độ năm 2018 mới được công bố cho thấy, doanh thu bán hàng của Công ty trong nửa đầu năm đạt 100,4 tỷ đồng, hoạt động tài chính cũng ghi nhận 357 triệu đồng.  Mặc dù khách sạn Sheraton mới đi vào hoạt động, song giá vốn bán hàng, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ vừa rồi đều tăng mạnh gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm 2017.

Do đó, dẫn đến đã tình trạng thu không đủ bù chi và hoạt động kinh doanh của Công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 111,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ chưa tới 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn khá an toàn so với kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Công ty, với mục tiêu doanh thu tăng mạnh trên 328 tỷ đồng nhưng thua lỗ gần 214 tỷ đồng.

sheraton 3

 Nguồn: BCTC bán niên 2018 BDP

Tính đến ngày 31/6/2018, Công ty có tổng tài sản đạt mức 3.185 tỷ đồng, tăng 53,5% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho tăng 14%, lên mức 359 tỷ đồng, trong đó, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại dự án Sheraton Danang resort đang ở mức 322,3 tỷ đồng, tăng 72 tỷ đồng so với đầu năm. 

Bên cạnh đó, nợ phải trả lên mức 3.055 tỷ đồng, tương đương tăng 66,7%. Riêng nợ ngắn hạn đã tăng đột biến hơn 4,6 lần lên mức 1.277 tỷ đồng và nợ dài hạn tăng lên 1.778 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ vừa rồi, nợ phải trả của doanh nghiệp này xuất hiện khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 73 tỷ đồng. Trong đó, 49,2 tỷ đồng vay từ CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội thông qua hợp đồng tín chấp với lãi suất 9,5%/năm. Đồng thời, Công ty đã dùng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai để làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ 23,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) – Chi nhánh Đà Nẵng, với lãi suất thả nổi.

Ngoài ra, Công ty này còn có khoản vay dài hạn 1.065 tỷ đồng tại SeABank – Chi nhánh Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Tân Tiến sẽ đáo hạn vào năm 2029.

Như vậy, hiện nay Ngân hàng SeABank đang là chủ nợ lớn nhất của CTCP Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương với tổng số tiền cho vay gần 1.068 tỷ đồng. 

sheraton 4.jpg

 Nguồn: BCTC bán niên 2018 BDP

Ai là cổ đông lớn nhất?

Khi nói về dự án Sheraton Danang Resort, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường nhắc đến Tập đoàn BRG của Doanh nhân Nguyễn Thị Nga với vai trò chủ đầu tư.

Mặc dù, thực tế ngay ban đầu, chủ đầu tư của dự án này là CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương được thành lập bởi 3 cổ đông là Vietnam Property Limited (đơn vị thuộc VinaCapital), Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Tân Tiến và Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân. Trong đó, Vietnam Property Limited đã nắm giữ tới 97,73% vốn.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên 2017 của CTCP Biệt thự và khách sạn biển Đông Phương đã thông qua việc cổ đông sáng lập là Vietnam Property Limited chuyển nhượng 24,4 triệu cổ phần (tương ứng 97,73% vốn điều lệ) cho CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An mà không phải chào mua công khai.

sheraton 5

 

Ánh Phượng

Tin khác

Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng 15/4,UBND Tỉnh Quảng Ninh, Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển phối hợp tổ chức hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới"
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản số 1213/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa. Khu vực lập quy hoạch thuộc địa giới quản lý hành chính phường Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Cát, Quảng Phú, Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa…
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.