SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Những dòng tự sự đẫm nước mắt về thân phận phóng viên trẻ bị lũ cuốn

07:40, 15/10/2017
(SHTT) - Sau sự ra đi của phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư, nước mắt của những người làm báo thực sự đã rơi. Khóc trước sự mất mát, khóc trước sự khiêm nhường, hi sinh, tận tụy và khóc cho cả số phận éo le của một con người.
dscn6244-0932
Phóng viên Đinh Hữu Dư sinh năm 1988, đang công tác tại TTXVN, hi sinh khi đang tác nghiệp tại Yên Bái.

Hàng trăm status của những người làm báo đã viết cho Dư kể từ khi em bị tai nạn cho đến khi em về an nghỉ ở quê nhà.

Trên trang cá nhân, nhà báo Lê Quốc Minh, TBT Vietnamplus (TTXVN) đã viết những dòng không cầm được nước mắt:

"Sáng nay về Ninh Bình chia tay một đồng nghiệp trẻ. Em ra đi ở tuổi 29. Dọc lối vào nhà em xếp đầy những vòng hoa trắng. Và mỗi câu chuyện về em khiến tôi không cầm được nước mắt.

Con ngõ nhỏ trên đường Xuân Thành giống như mọi con ngõ ở các thị trấn, thành phố thời nay với những căn nhà 2-3 tầng khang trang. Nhưng lọt trong khung cảnh đó là một căn nhà cao không quá đầu người, nay đã mọc rêu xanh. Một người bạn của em dẫn tôi ra tận nơi, kể rằng nơi đây em đã sinh sống tới tận cuối phổ thông, chẳng một bóng điện, trước khi người ta làm đường khiến cái-gọi-là-căn-nhà tụt sâu xuống dưới.

Em ở với bà nội từ bé, ngày ngày bà đi bán bánh cuốn, cũng chỉ được vài chục ngàn, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Do hoàn cảnh riêng, bố mẹ em chuyển lên vùng kinh tế mới Nho Quan cách đó cả tiếng rưỡi giờ xe chạy, nơi cũng chẳng có đường, cũng chẳng có điện. Dường như chừng ấy chưa đủ chất lên mình chàng trai nỗi thống khổ, số phận run rủi đẩy người em gái vào tai nạn và chồng bỏ đi, bà và em lại chăm thêm hai đứa cháu còn thơ.

Vậy mà cái nơi lụp xụp thiếu thốn trăm bề ấy đã sản sinh ra một chàng phóng viên kiên nghị. Hoàn cảnh nghèo nàn hiếm thấy trong thế kỷ 21 vẫn không cản được em hoàn thành bằng đại học và tiếp ngay sau đó là bằng thạc sỹ báo chí.

Mọi người kể lại rằng bán căn nhà ọp ẹp không đủ tiền, bố mẹ em đã phải vay nợ thêm để em có tiền đi học, người anh họ cũng giúp em thêm kinh phí mua một số đồ dùng thiết bị phục vụ cho những năm đèn sách.

Chuyện em đi thử việc và nỗ lực thi vào nhiều cơ quan báo chí thì mọi người biết cả rồi, từ báo Nhân Dân, VTV cho đến khi em tìm được bến đậu là Thông tấn xã Việt Nam với điểm thi tuyển gần cao nhất, nơi mà em tâm sự cùng bạn bè rằng thực sự phù hợp với mình.

Chuyện em được cử lên cơ quan thường trú Yên Bái, lăn xả suốt một năm trời với bao bài viết, tấm hình, thước phim về cuộc sống, thể hiện khả năng của một nhà báo đa tài đa nhiệm thì mọi người đều đã rõ. Tỉnh đánh giá nỗ lực của em trong đợt đưa tin bão lũ ở Mù Cang Chải hồi tháng 8 mới đây, tặng em bằng khen mà còn chưa kịp trao thì em đã ra đi.

Đồng nghiệp cùng khóa vào TTXVN bảo em là người “4 không” – không rượu bia, không thuốc lá, không cờ bạc, và không ăn sáng. Em thường cười rằng không ăn sáng là thói quen từ đại học, nhưng chúng bạn đều biết em tiết kiệm từng đồng gửi về cho bà và chăm cháu. Chúng nó cũng biết em thường xuyên phải ăn mì gói cả tuần, nhưng ngoài lý do phụng dưỡng người thân thì em còn muốn tiết kiệm tiền mua sách cho bọn trẻ ở Mù Cang Chải.

Hôm qua mở cửa phòng em ở cơ quan thường trú Yên Bái, thấy trong đó phải có cả tạ sách mà em tích cóp được mỗi khi về Hà Nội.

Em cũng không phải người hay kêu khổ hay kể công. Hầu như không ai biết được hoàn cảnh quá thương tâm của em hay hiểu rõ cái dự định lập tủ sách cho trẻ nhỏ. Đến hôm nay, biết được thì đã muộn rồi.

Tin em bị lũ cuốn cùng vài người khác trên cầu Ngòi Thia như sét đánh. Cơ quan nhận thêm cú sốc lớn chỉ vài ngày sau khi một cựu nhà báo kiệt xuất của TTXVN qua đời. Suốt mấy ngày, đồng nghiệp cả trong và ngoài cơ quan cầu nguyện mong em trở về, gần 600 cán bộ chiến sỹ ở Yên Bái lập 7 chốt chặn dọc sông tìm em cùng những nạn nhân xấu số mà không hiệu quả. Sau hơn 50 giờ, em được phát hiện cách nơi bị nạn tới gần 100km.

Có lần em tâm sự với bạn bè trong cơ quan, rằng chỉ cần trả hết nợ là em sẽ về quê. Theo những người bạn bè thân thiết, vừa mới đây, em còn hân hoan kể đã trả nốt món nợ của bố mẹ, cũng trả lại khoản “đầu tư” của người anh họ thuở nào. Hóa ra em về quê thật, nhưng không ai tin được em lại nằm xuống quá sớm và quá nghiệt ngã thế này.

Em đã trả hết nợ người, hết nợ đời, đã an yên nơi quê nhà, bên cạnh bà nội, người đã nuôi em từ tấm bé. Nhưng em để lại trong chúng tôi một nỗi niềm day dứt khôn khuôi về số phận một con người, em cũng cho chúng tôi thấy một tấm gương đầy ngưỡng mộ.

Chia tay em, hàng trăm người khóc, từ già đến trẻ, từ lãnh đạo cao cấp đến nhân viên, từ người quen thân em đến những người lần đầu biết tên. Tôi thấy cả những đồng nghiệp vừa gạt nước mắt vừa bấm máy. Ai cũng thương cậu phóng viên tài năng, dễ mến, tốt bụng, mà đoản mệnh. Em mới làm việc cho TTXVN hơn một năm, nhưng thời gian ít ỏi ấy đã kịp để lại một dấu ấn vô cùng lớn trong lớp nhà báo trẻ của cơ quan, và cả những người như chúng tôi.

Lần đầu tiên đi dự một đám hiếu, nước mắt tôi cứ lã chã rơi từ đầu đến cuối.

Vì em đấy, Dư ơi…"

PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã viết cho cậu học trò Đinh Hữu Dư những dòng như cắt ruột:

        "Hạt bụi nào hoá kiếp thân em !

Không ai có thể cầm được nước mắt khi về "nhà" em thắp một nén nhang, tiễn biệt em - Đinh Hữu Dư, PV TTXVN thường trú tại Yên Bái, cựu sinh viên K27 (2007-2011), khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhà để trong ngoặc kép, bởi bạn phải nhìn thật kỹ và có người giới thiệu thi mới biết; nếu không, cứ ngỡ đấy là cái gì đó, chẳng hạn như cái bể chứa nước mưa lâu ngày móc rêu phủ úa, hoặc như cái lô cốt thời nào nửa chìm nửa nổi, có cái lỗ chui ra chui vào, bé tí, phải khom lưng...

Nhìn kỹ để nhận ra ngôi nhà mà em D đã sống với bà suốt 11 năm học phổ thông. Chỗ đất này bà nội mất thì bố mẹ cũng bán để trang trải. Còn năm lớp 12 thì bà cất được một gian nhà tôn - nay đặt bàn thờ để mọi người viếng cháu ngoại.

Thắp nén nhang vĩnh biệt em mà lòng nặng trĩu mãi, từ hôm ở Miền Tây Nam Bộ nghe tin em bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp.

Thầm tự trách mình. Giá như, biết hoàn cảnh em từ khi em đang học!

Em thi đỗ vào học K27, rồi ra trường,... Mà bao sinh viên mỗi khoá, biết sao được  Mà em Dư lại kín tiếng, chịu đựng, sống nội tâm, nghiến răng chịu đựng nuốt vất vả vào trong.

Bao lần nhắc giáo viên chủ nhiệm nắm lớp, hiểu sinh viên để có thể giúp các em, từ tư vấn học hành, tình cảm đến nghề nghiệp, cuộc sống...

Vậy mà em ra đi mãi mãi, mình mới biết cảnh đời này. Vừa ân hận, xót xa, vừa tự hào về học trò mình.

Tôi thật sự biết em khi học xong chương trình thạc sĩ, chuẩn bị đăng ký đề tài luận văn tốt nghiệp, cao học K17.

Cuối buổi học, em nán lại khi tôi đang gấp laptop và bước lại gần, cười nhẹ và nói:

- Thầy có thể giúp em làm luận văn tốt nghiệp được không?

Tôi thích những sinh viên và học viên chủ động như thế.

- Em đi làm đâu chưa?

- Dạ, em đang thử việc ở Thời nay và định xin vào báo Nhân Dân.

- Uh, thế tốt. Em làm báo Nhân Dân hợp đấy.

Mình nghĩ bụng, cậu này lỉm rỉm, hiền, học có chiều sâu, biết tư duy nghề, hợp với nơi đây. Và nhất định sẽ hướng bạn này đi theo hướng chính luận báo chí.

Thú thực, tôi nghĩ nhiều về việc nền báo chí ta cần đội ngũ chính luận trẻ, nhưng phải tìm được sinh viên phù hợp và có tố chất phát triển theo hướng này.

Mà tìm khó chứ không đơn giản. Sinh viên bây giờ phần lớn lướt web chứ ít bạn chịu đọc sách. Mà chỉ thích lướt web thì chỉ đi săn tin là chính, chứ khó hình thành tư duy logic hệ thống để hình thành luận điểm, luận chứng, luận cứ để có thể rèn đúc tư duy và thành cây bút chính luận...

- Em định về báo Nhân Dân thì nên đi theo hướng báo chí chính luận. Và em có thể làm về phong cách chính luận nhà báo Nguyễn Hữu Chỉnh được không? Em về suy nghĩ đi nhé, vài hôm sau ta trao đổi...

Khoảng tuần sau, em gặp và nhất trí làm đề tài "Tìm hiểu phong cách báo chí chính luận Nguyễn Hữu Chỉnh trên báo Nhân Dân".

Khi luận văn xong xuôi, em đến nhà chơi, nói chuẩn bị bảo vệ luận văn. Tôi lấy chai rượu ngâm táo mèo ra, hai thầy trò lôi rượu ra nhâm nhi chúc mừng hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

Trong câu chuyện, tôi có hỏi gia đình, nhưng em chỉ trả lời một hai câu, thoáng buồn như không muốn nói. Giữ ý, tôi không hỏi nữa. Và chuyển sang câu chuyện chuẩn bị hành trang cho nghề báo ngày nay....

Không hề biết em lên Hà Nội học thuê trọ một phòng không cửa sổ, bé tẹo đủ chui ra chui vào; nhưng có lẽ còn khá hơn cái hầm mà gia đình em và bà đã chui ra chui vao suốt hơn 10 năm.

Không hề biết bố mẹ em phải bươn chải hết chỗ nọ đến chỗ kia, cho đến hôm nay vẫn không có chỗ để đặt lư hương cho em an nghỉ.

Không hề biết việc em lên Hà Nội là tự lập hoàn toàn, tự kiém sống nuôi thân và lo học hành....

Không hề biết từ khi ra trường, đi thử việc rồi đi làm, mỗi tháng chắt chiu tiết kiệm gửi về giúp bố mẹ 3 triệu đồng. Và từ khi vợ chồng em gái ly hôn, em nhận nuôi 2 đứa con em gái mình...

Và dù mới vào nghề, em đã đoạt giải báo chí; lên thường trú Yên Bái một năm đã kịp giúp góp sách cho một thư viện vùng cao. Lần nào về Hà Nội, cũng gom góp và cõng sách lên theo....

Mới biết, khi viết về một doanh nghiệp, doanh nghiệp  ấy cho người đem đến cục tiền để ngưng phanh chuyện tiêu cực, nhưng em từ chối một mực,...

Em thật tuyệt vời - một thanh niên, một phóng viên trẻ bản lĩnh, nhân cách và có chí lập nghiệp, rèn nghề và tìm cách giúp người nghèo hơn, khó khăn hơn....

Em ra đi trong cơn lũ thịnh nộ từ rừng bị phá để cho quan giàu nhà biệt phủ và bao nhiêu dân lành chịu cảnh lầm than! Và em để lại bao dòng nước mắt cho anh chị em đồng nghiệp, thầy cô, bạn bè...

Em còn trẻ, nhưng đủ để lại một nhân cách sáng, một tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên báo chí noi theo!

Nhắc đến em, mắt lại cay xè. Vì thầy cũng đã trải qua một thời gian khó gần như vậy!"

T.H

Tin khác

Tin tức Việt Nam 4 năm trước
Mùa phim hè 2020 đã trở nên ảm đảm vì Covid-19 khi hàng loạt bom tấn phải lùi lịch chiếu đến cuối năm thậm chí tận năm sau. Tuy nhiên, các khán giả vẫn được 'bù đắp' vào tháng 11 - tháng có số lượng bom tấn lớn nhiều nhất năm 2020!
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Hai con giáp may mắn được Thực Thần ghé thăm vào hôm nay sẽ đón tài lộc, tiền bạc đầy nhà.
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Thuyền trưởng của Man City tin rằng đội bóng của ông sẽ thắng tất cả các trận đấu còn lại để bảo vệ thành công ngai vàng Ngoại hạng Anh.
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Nhập dịp cuối tuần này, tuổi Tuất nên ra ngoài đi chơi cùng mọi người, có thể sau những chuyến đi bạn lại tìm thấy người thực sự tâm đầu ý hợp với mình đấy.
Tin tức Việt Nam 5 năm trước
Vinicius ghi bàn quyết định từ chấm 11m ở những phút bù giờ giúp TP.HCM giành chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước Bình Dương.