SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Những điều ít biết về Tứ đại mỹ nhân Hà thành đình đám một thời

11:00, 06/04/2018
(SHTT) - Cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy chính là 4 cái tên đình đám trong Tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa ở giữa thập niên 30 thế kỷ trước. Trong khi người thì sống cuộc đời giàu sang phú quý thì người lại phải chịu cảnh hồng nhan bạc mệnh.

Cảnh đời hồng nhan bạc mệnh của cô Phượng Hàng Ngang

Nối tiếng nhất trong "tứ đại mỹ nhân" Hà Thành có lẽ là cô Phượng Hàng Ngang (Vương Thị Phượng).

Vương Thị Phượng là con gái cưng của thương gia Vương Toàn Thắng, một nhà buôn bán tơ lụa giàu có ở phố cổ.

Là tiểu thư lá ngọc cành vàng, được thừa hưởng sắc đẹp của mẹ nên từ khi mới sinh ra, cô Phượng đã sở hữu một làn da mềm mại và trắng nõn nà như trứng gà bóc, vóc dáng mềm mại, gương mặt thanh tú. Người Hoa kiều ở Hàng Ngang nói rằng, cô có cặp lông mày “yên my" (lông mày như mây khói), cặp mắt "bán thụy phượng hoàng" (con phượng hoàng nửa thức nửa ngủ, nghĩa là mắt mơ màng say đắm.

tu dai my nhan ha thanh 1

 

Không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, cô Phượng còn nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ khi biết đủ cầm kỳ thi họa. Chính vì điều này, việc lấy được Phượng hàng Ngang làm vợ đã trở thành ước mơ và lời thách đố của biết bao công tử. Cùng vì đây mà cuộc đời của một mỹ nhân đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác.

Thời đó, trạc tuổi với cô có A Đẩu sống ở Hàng Đào, cháu ruột của nhà tư sản chuyên buôn bán lụa Phan Vạn Thành. Thấy gia đình hai bên môn đăng hộ đối, nên thương gia Vương Toàn Thắng đã đồng ý gả con gái cho A Đẩu.

Khi về nhà chồng, cô được sống hết sức sung túc, không phải lo lắng gì về chuyện áo cơm. Ngày ngày cô ra cửa hàng ngồi bán hàng cùng mẹ chồng, việc quán xuyến nhà cửa cô cũng không phải động tay vào, vì đã có người hầu kẻ hạ làm hết.

Khi sinh con trai đầu lòng, cô càng được bố mẹ chồng cưng chiều. Tuy nhan sắc vẫn xinh tươi, nhưng sự rạng rỡ trong đôi mắt cô đã mất dần mất mòn sau những năm sống bên cạnh người chồng công tử của mình.

A Đẩu không hề yêu quý gì cô Phượng. Với anh ta, việc lấy cô chỉ như một “chiến tích” để khoe với bạn bè, như một chiến lợi phẩm, một thứ đồ trang trí đắt tiền cho sự giàu sang của mình.Thậm chí, A Đẩu còn là một người thiếu tinh tế, ăn nói cục mịch và vũ phu. Khi có chuyện gì bực dọc, anh ta sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Không chỉ thế, A Đẩu còn là một người cờ bạc, rượu chè và mê gái. Không biết bao đêm cô phải khóc vì chồng ngang nhiên "gái gú" trước mặt cô.

Số phận trớ trêu đã đưa đẩy nàng gặp một chàng Tây học, Hán học đẹp trai, lịch lãm, vui tính, tài hoa. Đó chính là Hoàng Hồ (bút danh quen thuộc của Hoàng Tích Chu, con trai tri huyện Bình Lục (Hà Nam). Vương Thị Phượng đã quyết chí đi tìm tình yêu cho mình.

Năm 1927, Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng hàng Ngang mất tích. Về sau, người ta mới biết cô đã bỏ nhà chạy theo người tình. Nhưng tiếng gọi trái tim không đưa lối cho nàng Kiều phố cổ tới cuộc sống sáng sủa hơn. Hoàng Tích Chu quyết định tạm gác tình yêu để sang Pháp theo đuổi sự nghiệp vì hoàn cảnh không cho phép ông đưa người tình theo. Chuyện hôn nhân của cô Phượng và nhà báo trẻ cũng không được sự ủng hộ của gia đình Hoàng Tích Chu. Ông Huyện, bố của Chu cho rằng gia đình cô Phượng không môn đăng hộ đối với gia đình ông, hơn nữa cô đã trải qua một đời chồng. Tình yêu của cặp trai tài gái sắc vấp phải nhiều khó khăn và họ đã không vượt qua được. Cuối cùng, gia đình ông Huyện khuyên cô Phượng nên quay trở về Hà thành, xin lỗi gia đình nhà chồng để trở về bên chồng con. Nhưng gia đình A Đẩu đã từ chối nhận lại người con dâu bỏ nhà theo trai này.

tu dai my nhan ha thanh 2

 

Từ đó, cuộc đời cô Phượng lưu lạc khắp chốn và tự buôn bán để nuôi sống bản thân. Sau nhiều năm sống nay đây mai đó, cô xin nương nhờ cửa Phật tại một ngôi chùa ở Hưng Yên. Tại ngôi chùa này, cô đã gặp người đàn ông cuối cùng của đời mình. Vì mê mẩn sắc đẹp của cô Phượng khi gặp cô trong lúc vãn cảnh tại chùa, ông Bách, Tham tán ở tòa Sứ đã xin lấy cô làm vợ lẽ. Vợ cả của ông Bách ban đầu tỏ ra quý mến cô, nhưng ngấm ngầm ghen ghét và hãm hại cô bằng độc dược khiến người đẹp hóa điên dại, lúc tỉnh lúc mơ. Vợ chồng ông Bách sau đó đã đuổi cô ra khỏi nhà, sai người đưa cô tới Hòa Bình, nhưng cô lại lưu lạc tới Gia Lâm và tìm về nhà bà hàng xóm cũ. Bà tuy nghèo nhưng đã nhận chăm nom cô, yêu thương cô Phượng như con đẻ. Khi bệnh của người đẹp ngày một nặng thêm, bà đã đưa cô tới nhà thương. Người đẹp phố cổ qua đời một tuần sau đó.

Tấm bia mộ đề mấy chữ: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Phượng đã bỏ cảnh nhà sang, giàu, phú quý để lang bạt kỳ hồ tứ phương, hết Bắc lại Nam, bao nhiêu đời chồng mà không qua khỏi một kiếp hồng nhan bạc phận. Đám ma của người đẹp Hà thành một thủa chỉ là chiếc quan tài mà không ai tiễn đưa, không người khóc thương số kiếp hồng nhan... 

Bông hồng may mắn trong "tứ mỹ" Đỗ Thị Bính

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính (sinh năm 1915) là người may mắn hơn cả trong "tứ mỹ". Cô sống ở ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy, bây giờ đổi tên thành số nhà 67, phố Nguyễn Thái Học.

Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước những năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

tu dai my nhan ha thanh

 

Vì có thói quen mặc đồ đen, giai nhân được nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là “người đàn bà áo đen”. Thế nhưng, tuyệt nhiên hai người chưa một lần gặp mặt, dẫu rằng tình trong như đã… Và những vần thơ tuyệt vời trong tập “Ngày xưa” đã ra đời từ đó.Các bài thơ như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Tay ngà”, “Chùa Hương”… đều phảng phất bóng dáng giai nhan Đỗ Thị Bính. Người đẹp cũng hiểu được tình cảm của công tử Pháp, nhưng tình thì có, nhưng duyên thì không. Nguyễn Nhược Pháp đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì bệnh lao vào năm 1939.

Sau khi Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về, tên Bùi Tường Viên - em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và là một kỹ sư của Việt Nam. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).

Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

tu dai my nhan ha thanh 3

 

Ngoài hai người đẹp trên, cô Nga Hàng Gai cũng là một trong tứ đại mỹ nhân, nổi tiếng sắc nước hương trời. Riêng cô Síu - một mỹ nhân con gái nhà văn Lý Ngọc Hưng, sau năm 1954 cũng biệt tăm biệt tích.

Thanh Hà (t/h)

Tin khác

Khoa học Công nghệ 11 giờ trước
(SHTT) - Từ lâu, bia Bỉ đã được biết đến với sự đa dạng, chất lượng xuất sắc và truyền thống lâu đời. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm cho hương vị của loại bia trứ danh này trở nên ngon hơn.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Trong nghiên cứu mới đây, một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đã được phát hiện ở dòng chip M tùy chỉnh của Apple có thể khiến người dùng Mac dễ bị tin tặc tấn công.
Đời sống sáng tạo 2 ngày trước
Trên thực tế, nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo có thể xảy ra bất cứ giai đoạn nào. Ngay cả khi cơ thể của bạn còn trẻ và khỏe mạnh. Do đó, ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị cho mình và người thân một biện pháp đảm bảo tài chính trong tương lai, cụ thể là tham gia bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Mustafa Suleyman, người đồng sáng lập DeepMind của Google, cùng với Giám đốc điều hành của Microsoft, Satya Nadella, sẽ giám sát một loạt dự án, đáng chú ý là dự án tích hợp AI Copilot vào Windows.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec đã được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu nhờ vào những cống hiến và sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu.