SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Nhức nhối: Uống cà phê nhuộm bằng pin nguy hiểm thế nào?

07:02, 18/04/2018
(SHTT) - Vụ cơ sở dùng pin để nhuộm đen cà phê đang khiến dư luận hoang mang. Và điều mọi người lo lắng hơn cả là số lượng lớn cà phê "bẩn" đã được xuất xưởng. Câu hỏi được đặt ra là: Uống cà phê nhuộm bằng pin nguy hiểm thế nào?

Vụ việc Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk Lấp đang pha trộn tạp chất từ lõi pin hiện đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Theo các chuyên gia, việc làm này vô cùng nguy hiểm, có thể tác động đến hệ thần kinh con người, về lâu dài có thể gây ung thư.

Chia sẻ với Zing.vn, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Việc trộn với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc.

“Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể”, PGS Côn cho hay.

ca phe nhuom pin 1

 

Theo chuyên gia này, mangan không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch.

Sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan trong thời gian dài, nhiễm độc Mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường.

Người thường xuyên tiếp xúc với Mangan dễ gặp các triệu chứng về thần kinh, ban đầu thường là nhức đầu, suy nhược, ngủ kém, rối loạn thăng bằng, dáng đi vụng về, ngượng ngập.

Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là trẻ nhỏ. Hấp thu nhiều mangan mà chỉ thải ra rất ít nên sự tích tụ mangan trong cơ thể trẻ nhỏ là rất nguy hiểm. Cho nên các chuyên gia y tế khuyến cáo tuyệt đối không để phụ nữ trong giai đoạn mang thai và trẻ nhỏ tiếp xúc với nguồn nước nhiễm mangan.

Trên báo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho hay, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất kỳ một loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.

“Chì, Magie, Mangan trong pin khiến người ăn bị ngộ độc. Nhẹ thì bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài, chúng sẽ tích lũy và tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư”, PGS Thịnh cảnh báo.

ca phe nhuom pin

 

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Lan, giảng viên Độc chất học sinh lý (ĐH Nông Lâm TP.HCM), cho rằng biết trong pin có nhiều hóa chất, đặc biệt là chì. Nếu sử dụng lâu dài lượng chì sẽ tích tụ dẫn đến hư xương, răng, hoặc nặng hơn là phá hủy các cơ quan tạo máu dẫn đến tình trạng mất máu.

Như đã đưa tin trước đó, ngày 16/4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13 xã Đắk Wer, huyện Đắk Lấp đang pha trộn tạp chất vào cà phê.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho. Trong đó 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con Ó, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg... dùng để nhuộm đen cà phê.

Theo chủ cơ sở, sau khi mua các phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vỡ vụn... gia đình bà đưa về sử dụng pin đã đập dập, lấy bột màu đen trong pin hòa với nước rồi trộn chung với cà phê. Sau đso cơ sở sẽ tự rang xay, đóng gói bán ra thị trường kiếm lời.

Hải Lam

Tin khác

Tài sản trí tuệ 37 phút trước
Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa tạm giữ lượng lớn kim loại vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 500 triệu.
Tài sản trí tuệ 10 giờ trước
Phòng khám chuyên khoa da liễu có biển hiệu mang tên "An Nhi" của bà Lê Thị Huyền hoạt động trái phép trên đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10, TP.HCM đã 3 lần đổi tên để đối phó cơ quan chức năng.
Tài sản trí tuệ 11 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục QLTT Thanh Hóa mới đây đã xử phạt 16.5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm đối với một cơ sở kinh doanh trên địa bàn có hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 11 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khám nơi cất giấu đồ vật tại Kho A10 và kho B09, đường Bắc Nam, khu 1, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, qua đó, phát hiện hơn 40.000 sản phẩm nghi nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép tại địa chỉ của Phòng khám Medigo (296 Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức).