SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Nhiều kênh bóng đá lậu Asiad 2018 phát tràn lan tại Việt Nam

20:57, 16/08/2018
(SHTT) – Không có bản quyền phát sóng Asiad 2018, các kênh bóng đá lậu "mọc lên như nấm" tại Việt Nam. Đây là một hành vi vi phạm bản quyền tràn lan và chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Xem miễn phí U.23 Việt Nam bằng link “lậu”

"Ai có link xem Việt Nam lúc 7h tối nay cho mình xin với" là bài đăng của Đức Huy trên mạng xã hội để tìm cách xem đội nhà thi đấu tại Asiad năm nay. Ngay phía dưới, hàng chục bạn bè của Huy đã chia sẻ đường link cũng như các cách xem bóng đá, dù rằng Việt Nam chưa có bản quyền phát sóng.

Việt Nam đá trận mở màn Asiad 2018 với Pakistan ngày 14/8 và trước giờ bóng lăn, hàng loạt kênh xem lậu đã xuất hiện. Một số fanpage và tài khoản Facebook đã livestream trận đấu này, thu hút hàng nghìn người xem cùng lúc. Ngoài ra, YouTube cũng trở thành dịch vụ phát tán nội dung bóng đá lậu thu hút nhiều người Việt nhất.

500-7145-1534394213

Xem lậu Asiad 2018 trên di động. 

Với sự lên ngôi của smartphone, bóng đá lậu Asiad 2018 cũng len lỏi vào các thiết bi di động. Một số ứng dụng xem nội dung không bản quyền được cập nhật thêm các kênh bóng đá châu Á có phát trận Việt Nam thi đấu. Các phần mềm này cũng có thể cài trên Android box để xem trên TV, phát ra máy chiếu màn hình lớn.

"Người phát lậu thường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phổ biến là dùng VPN để 'fake' IP, từ đó xem được nội dung từ các trang có bản quyền ở nước ngoài. Sau đó, những người này livestream trên YouTube, Facebook hay các website của họ...", Đức Hùng - một người làm trong lĩnh vực truyền thông cho biết. "Phát lậu nhưng họ có cả bình luận tiếng Việt trước và trong trận đấu", người này nhận xét.

 Do phát lại nên chất lượng nội dung một số kênh chỉ ở mức trung bình. Một số kênh vi phạm bị Facebook, YouTube phát hiện nên đã khóa lại, song trang này vừa "chết" thì trang khác lại "mọc lên" ngay sau đó.

Các kênh đua nhau phát lậu Asiad 2018 chủ yếu nhằm thu hút người xem, từ đó kiếm tiền bất hợp pháp. Với Facebook, YouTube, người phát có thể tăng lượt follow, tăng subscribe (người theo dõi) qua đó gián tiếp thu lợi nhuận. Một số fanpage lớn không trực tiếp livestream mà chia sẻ từ fanpage "con" để tránh bị "đánh sập" bản quyền. Còn các website phát lậu thì đặt quảng cáo kiếm tiền, người vào xem lậu sẽ xem và có thể click vào quảng cáo trên đó.

Nhiều hệ luỵ khó lường

Việc các khán giả xem “lậu” các trận đấu bóng đá trong nước và quốc tế thông qua internet lâu nay là một vấn nạn. Đặc biệt, kể từ khi facebook có tính năng livestream (phát trực tiếp) thì việc xem “lậu” lại càng phổ biến và khó kiểm soát, khiến các đài truyền hình ở Việt Nam điêu đứng.

500-fanpage-2026-1534394211

Một fanpage phát lậu trận Việt Nam - Pakistan trong khuôn khổ Asiad 2018. 

VTVCab từng phải trả giá vì tình trạng không kiểm soát được việc vi phạm bản quyền UEFA Champions League khiến đối tác cắt sóng và sau đó mất quyền sở hữu bản quyền của giải đấu hàng đầu Châu Âu này, sau khi đã làm đủ mọi cách trong đó có việc “cầu cứu” Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng để ngăn chặn.

Tại World Cup 2018, VTV phải rất khó khăn để sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu miễn phí trên cách kênh quảng bá phục vụ người hâm mộ, nhưng tình trạng xem “lậu” vẫn diễn ra tràn lan dù có cơ chế chia sẻ và xử lý vi phạm bản quyền, bên cạnh những thông báo khuyến cáo mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia lĩnh vực truyền hình, nếu tình trạng xem “lậu” vẫn tiếp tục diễn ra, chính người hâm mộ sẽ chịu thiệt thòi về việc được theo dõi truyền hình một cách đàng hoàng. Sắp tới, Việt Nam còn 2 giải đấu lớn mà ĐTQG sẽ tham dự là AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Được biết, giá trị bản quyền truyền hình cũng không hề thấp. Và nếu cứ tiếp tục xảy ra tình trạng xem “lậu” như hiện nay thì sẽ khó khăn cho các nhà đài trong việc đàm phán để mua bản quyền truyền hình. Thậm chí, khi sở hữu gói bản quyền truyền hình nhưng không thể kiểm soát được tình trạng vi phạm cũng có thể bị dừng phát sóng.

Sau câu chuyện bản quyền World Cup 2018, mô hình liên kết nhiều nhà đài lại và kêu gọi nhiều doanh nghiệp chung tay để mua bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao lớn đã được tính đến. Nhiều nước khu vực Đông Nam Á đã áp dụng điều này. Vấn đề được đặt ra là chính người hâm mộ Việt Nam cần hình thành thói quen trả tiền xem truyền hình.

Kim Dung (t/h)

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 12 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.