SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Mượn danh hàng Hàn, bán hơn 99% hàng Trung Quốc: Mumuso Việt Nam bị xử lý như thế nào?

06:58, 16/07/2018
(SHTT) - Những thông tin về việc Mumuso Việt Nam lấy danh hàng Hàn Quốc, bán hơn 99% hàng Trung Quốc đang khiến nhiều khách hàng bức xúc. Bộ Công Thương cho biết công ty này đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Bộ Công Thương, ngày 25/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1809/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Mumuso Việt Nam.

Kết luận kiểm tra đối với Mumuso Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31/5 cho thấy công ty này kinh doanh 2273 loại hàng hóa. Đáng lưu ý, 2257/2273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc; phần còn lại được công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước. 

Kết luận cũng đồng thời chỉ ra rằng, nhãn hiệu MUMUSOKR đã được đăng ký bởi Công ty TNHH MUMUSOKR, địa chỉ: 601, 47 SEJONGDAERO 23-GIL, JONGRO-GU, SEOUL (Hàn Quốc). Tuy nhiên, công ty sử dụng nhãn hiệu MUMUSOKR theo ủy quyền của Công ty Mumuso Thượng Hải (Trung Quốc). Công ty Mumuso Thượng Hải là đơn vị có quyền sử dụng và quản lý nhãn hiệu MUMUSOKR trên toàn cầu theo ủy quyền của Công ty TNHH MUMUSOKR.  Tuy vậy, theo kết luận kiểm tra, tại thị trường Hàn Quốc, không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.

mumuso viet nam 2

 

Kết luận cũng chỉ rõ, Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Cụ thể, trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Bên cạnh đó, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh, như quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Quá trình kiểm tra cho thấy, việc Công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: “Mumuso; Giá chỉ từ 22.000 đồng; Korea”; sử dụng chữ Korea (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến Korea (Hàn Quốc).

Ngoài ra, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy: một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng có nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu.

Công ty cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm khi có 2 mẫu sản phẩm mỹ phẩm được phát hiện có nội dung về thành phần ghi trên nhãn phụ không phù hợp với nội dung về thành phần trong hồ sơ công bố.

 Ngoài ra, Mumuso Việt Nam còn có đấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử vì đã không cung cấp chính xác thông tin liên quan đến trách nhiệm thông báo website đến Bộ Công Thương.

Công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về thương mại khác. Cụ thể, Mumuso Việt Nam không thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu Mumusokr.

Mumuso Việt Nam sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trước sự việc này, Báo Đời sống Pháp luật cũng đã trao đổi với luật sư Trần Thái Bình, Công ty luật LNT & Partners. Luật sư Bình cho biết: "Việc cung cấp thông tin mập mờ, sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo pháp luật Việt Nam.

Điều 66.1(đ), Nghị định 185/2013 (xử phạt hành chính trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) nêu rõ, đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng; và buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Điều 28.4, Điều 33.2 Nghị định 71/2014 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh) cũng thể hiện rõ Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng; có khả năng bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; và buộc cải chính công khai.

Điều 51.5 Nghị định 158/2013 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo): Đối với quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng: phạt 50 – 70 triệu đồng; buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc cải chính thông tin.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công thương, Mumuso Việt Nam đã không thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu MUMUSOKR, theo đó vi phạm quy định pháp luật tại Điều 17 Nghị định số 15/VBHN-BCT 2014.

Hành vi này theo quy định tại Điều 94.3(a) Nghị định 185/2013 (xử phạt hành chính trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng): sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo qui định pháp luật, đối với một số vi phạm qui định pháp luật, nếu đã xử phạt hành chính rồi, mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự".

Thảo Linh (t/h)

Tin khác

Pháp luật 20 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.