SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Luật sư tư vấn về hành vi xâm phạm đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý?

16:17, 10/04/2018
Câu hỏi: Thưa Luật sư Tôi có thắc mắc mong được Luật sư giải đáp như sau: Nước mắm Phan Thiết đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2007.

Tuy nhiên vào ngày 23/10/2010, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết phát hiện doanh nghiệp X tại Nghệ An thu mua nước mắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phan thiết và các địa phương khác, đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phan thiết” để bán ra thị trường. Vậy, trong trường hợp này hành vi của doanh nghiệp X có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không ạ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 94 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sửa đổi, bổ sung luật Sở hữu tuệ năm 2009) thì nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm đó ra thị trường. Do vào năm 2007, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí chtỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết nên chúng tôi có thể hiểu Hiệp hội nước mắm Phan Thiết là chủ thể đã được Nhà nước trao quyền quản lí chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phan Thiết.

Hiện nay, không có bất kỳ quy định nào xác định hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý cụ thể mà chỉ quy định căn cứ chung để xem xét một hành vi có bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không tại Điều 5 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Theo đó, để khẳng định hành vi của doanh nghiệp X có xâm phạm quyền SHTT mà cụ thể là quyền đối với chỉ dẫn địa lý nước mắm Phan Thiết hay không, hành vi của doanh nghiệp X phải đáp ứng 4 điều kiện sau:

Về điều kiện thứ nhất, đối tượng xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, đối tượng cần xem xét đó là chỉ dẫn địa lý đối với Nước mắm Phan Thiết. Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào năm 2007. Vì  vậy, khi Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết phát hiện hành vi sản xuất nước mắm mang nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” của doanh nghiệp X vào ngày 23/10/2010 thì chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phan Thiết được cấp cho Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết vẫn đang được bảo hộ.

nuoc mam phan thiet

 

Về điều kiện thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì “yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn được bảo hộ”. Trong trường hợp này cần xác định hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X. Theo quy định tại điểm a, c khoản 3 Điều 129 Luật SHTT thì các hành vi xâm phạm quyền của doanh nghiệp X đối với chỉ dẫn địa lý nước mắm Phan Thiết được bảo hộ bao gồm các hành vi:

Thứ nhất, “sử dụng chỉ dẫn được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.”- Điểm a khoản 3 Điều 129 Luật SHTT.

Tình huống trên ghi nhận: “doanh nghiệp X tại Nghệ An thu mua nước mắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phan Thiết.” như vậy nước mắm mà doanh nghiệp X đem bán cũng có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý. Do đó, hành vi của doanh nghiệp X bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý vì đã đáp ứng ba dấu hiệu:

Một là, có hành vi xử dụng dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.Trong trường hợp này, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý là “Nước mắm Phan Thiết”, và doanh nghiệp X này đã dán nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết”lên sản phẩm của mình. Xét thấy cụm từ “đậm đà hương vị” chỉ chất lượng nên không có khả năng phận biệt. Do đó, chỉ dẫn địa lý và nhãn sản phẩm của công ty X là hoàn toàn trùng nhau.

Hai là, dấu hiệu được sử dụng cho sản phẩm “trùng” với “sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý” được bảo hộ. Trong trường hợp này, sản phẩm của doanh nghiệp X bán ra thị trường là nước mắm, do đó hoàn toàn giống về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ với sản phẩm nước mắm Phan Thiết mang chỉ dẫn địa lý.

Ba là, sản phẩm mang dấu hiệu không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mặc dù cũng có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn. Để làm nên thương hiệu Nước mắm Phan Thiết, nước mắm ở đây phải vượt qua những bài kiểm tra khắt khe về chất lượng, như độ đạm, độ ngọt,… Rõ ràng việc doanh nghiệp X mua nước mắm tại Phan Thiết và các địa phương khác, đem về pha chế, đóng chai, sẽ khiến cho nước mắm không còn đảm bảo được tính chất và chất lượng đặc thù của nước mắm Phan Thiết nữa.

Thứ hai, "sử dụng bất kì dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó.”(Điểm c khoản 3 Điều 129 Luật SHTT)

Hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp này cũng đồng thời phải thỏa mãn các dấu hiệu: sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn đó; có việc sử dụng chỉ dẫn trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn được bảo hộ; việc sử dụng chỉ dẫn này phải làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ thật của sản phẩm cũng như mối liên hệ giữa chỉ dẫn và nguồn gốc.

Cụ thể, thứ nhất, trường hợp của doanh nghiệp X, ngoài việc mua nước mắm từ khu vực địa lý của chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phan Thiết, doanh nghiệp này đã và các địa phương khác- sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn rồi đem về pha chế, đóng chai.

 Thứ hai, doanh nghiệp X đã dán nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết”  đây là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết. Việc doanh nghiệp X này dán nhãn như trên đối với sản phẩm của mình tức là đã sử dụng dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết.

Thứ ba, việc sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” của doanh nghiệp X có thể làm cho người tiêu dùng hiểu rằng đây là sản phẩm nước mắm xuất xứ từ Phan Thiết.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 213 Luật SHTT thì hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Ở đây, có thể thấy, nước mắm của doanh nghiệp X là hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phan Thiết.

Về điều kiện thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật SHTT. Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét trong tường hợp này là doanh nghiệp X. Doanh nghiệp này không nằm trong khu vực địa lý của chỉ dẫn Nước mắm Phan Thiết đã được bảo hộ, không được sự cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội nước mắm Phan Thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật SHTT. Đồng thời, nhãn hiệu “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” chưa đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội nước mắm Phan Thiết. Mặt khác, doanh nghiệp X đã pha chế nước mắm mua về từ các cơ sử ở Phan Thiết với các loại nước mắm khác, việc làm này đã làm thay đổi chất lượng, giá trị của sản phẩm Nước mắm Phan Thiết nên hành vi của doanh nghiệp X cũng không thuộc trường hợp được cho phép theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 125 Luật SHTT.

Về điều kiện thứ tư, hành vi xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi pha chế, dán nhãn và đem bán ra thị trường sản phẩm nước mắm có nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” được doanh nghiệp X tiến hành tại trụ sở của mình tại Nghệ An. Như vậy, hành vi cần xem xét ở đây xảy ra tại Việt Nam.

Dựa trên những phân tích trên có thể thấy, hành vi của doanh nghiệp X đã đáp ứng đầy đủ các cơ sở để xác định một hành vi xâm phạm đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý.

Theo luatminhkhue

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.