SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Lao động thời AEC: Tư duy đột phá

15:50, 03/10/2017
(SHTT) - Lao động giá rẻ, được hưởng ưu đãi về thuế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ mạnh vào các lĩnh vực: dệt may, da giày, logistics... đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Do vậy các lao động Việt Nam cần phải có tư duy đột phá.

Nguồn lao động chất lượng thấp

Theo báo cáo “Cộng đồng ASEAN 2016: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, VN sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng so với các nước khác do nền kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Hàng hóa của VN sản xuất nhiều như nông nghiệp, da giày, dệt may,... chủ yếu dành cho xuất khẩu. Dự báo tới đây, nhất là cuối năm 2017 trở đi, khi các điều khoản cam kết thêm của AEC được ký kết, sẽ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm.

lao dong thoi aec a

 

Trên thực tế, chất lượng lao động (LĐ) của VN còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), VN đang thiếu LĐ có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10, thì chất lượng nhân lực của VN chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á (trong khi Hàn Quốc  đạt 6,91 điểm, Ấn Độ đạt 5,76 điểm, Malaysia đạt 5,59 điểm...). Do vậy, Năng suất LĐ của VN thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Malaysia 5 lần, bằng 2/5 lần Thái Lan, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần).

AEC bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó có khoảng 300 triệu người tham gia lực lượng LĐ. Ba quốc gia có số LĐ chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%)và VN (15%). Lực lượng LĐ này khi được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên AEC. Theo dự báo, khi tham gia AEC, số việc làm của VN sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều trong khối ASEAN, nên khi AEC có hiệu lực, đã manh nha xu hướng LĐ có tay nghề và kỹ năng cao dịch chuyển vào thị trường các nước có nền kinh tế mạnh trong khối là Singapore, Malaysia, Thái Lan. Cụ thể, có 8 ngành nghề được tự do dịch chuyển là kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, bác sĩ, y tá và cán bộ hộ sinh, trắc địa viên và các nghề liên quan đến du lịch.

Cơ hội và thách thức

Gia nhập AEC, VN có nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp không ít thử thách. Lợi thế lớn nhất của VN là có lực lượng LĐ dồi dào và cơ cấu LĐ trẻ, tăng đều qua các năm từ 51,4 triệu người năm 2011 lên tới 53,7 triệu người năm 2014 và xấp xỉ 55,5 triệu người năm 2016, trong đó có khoảng hơn 50% lực lượng LĐ trong độ tuổi từ 15-39. Bên cạnh đó, VN đang xuất khẩu nhiều LĐ sang các nước ASEAN, đặc biệt là Malaysia với hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm, làm nhiều loại ngành nghề khác nhau. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp VN đã mở chi nhánh, hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cũng cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của LĐ VN trong AEC gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ.

lao dong thoi aec b

 

 Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi tạo đà cho cơ hội phát triển đó, còn có những thách thức đối với VN. Do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy tỷ lệ LĐ tham gia thị trường LĐ chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Chất lượng, cơ cấu LĐ vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Đại đa số LĐ trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo. Mặc dù AEC đã hình thành, nhưng vẫn còn nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tiếp nhận xã hội, tôn giáo, kỹ năng sống đối với LĐ di cư. Hơn nữa, sự khác biệt về cơ chế đào tạo, trình độ, quản lý, đánh giá, cấp văn bằng chứng chỉ của mỗi quốc gia vẫn có sự khác nhau. 

Rõ ràng hiện nay, việc đào tạo theo những chuẩn mực quốc tế là một nhu cầu cấp thiết để người LĐVN có thể thật sự hội nhập vào thị trường LĐ chung, không chỉ trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính, ngân hàng mà cả trong nhiều ngành nghề đòi hỏi tư duy, chất xám và kỹ năng. Việc thiếu hụt những kỹ năng nêu trên, khiến cho LĐVN có thể bị mất nhiều cơ hội khi muốn di chuyển sang các nước trong AEC để làm việc. Ngoài ra, rào cản ,về thiếu thông tin các chính sách, pháp luật dành cho người LĐ nước ngoài hay ràng buộc liên quan đến gia đình cũng khiến người LĐ e ngại việc dịch chuyển. Mặt khác, LĐVN cũng sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm, khi có khả năng bị cạnh tranh bởi những nhân sự giỏi đến từ các nước khác trong khu vực.

Giải pháp cho nguồn nhân lực thời hội nhập

LĐVN có nhiều phẩm chất tốt như chăm chỉ, học hỏi nhanh,… nhưng nhìn chung kỷ luật LĐ chưa cao và khả năng ngoại ngữ thấp. Đây là những bất lợi đối với LĐVN so với nhân sự Thái Lan và Philippines. Như vậy, không chỉ người LĐVN buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp, mà chính các doanh nghiệp trong nước cũng đứng trước các thách thức trong việc tuyển dụng LĐ nước ngoài.

lao dong thoi aec

 

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2005 – 2016, chất lượng LĐ của VN đã được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo tăng từ 30% (năm 2005) lên 50% (năm 2016). Lực lượng LĐ kỹ thuật của VN đã từng bước làm chủ được khoa học - công nghệ, nhiều người đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh. Việc ngành giáo dục đào tạo VN đã có những cố gắng lớn trong thời gian qua là chưa đủ. Để đẩy mạnh cải cách hơn, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân cùng với sự liên kết với các nước khác, sẽ thúc đẩy nguồn LĐVN cải thiện tốt hơn trên mọi mặt và đáp ứng được nhu cầu công việc trong nước.

VN cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì đây là yếu tố then chốt đưa VN vượt khỏi sức ỳ trong cải cách thể chế cho hội nhập. Đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lực lượng LĐ có lượng đào tạo nghề cùng với cơ chế, chính sách, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, chính là chìa khóa để VN xốc lại nền kinh tế đang bị xộc xệch sau nhiều năm tham gia WTO, nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ nét.

Nguyễn Anh Huy

Tin khác

Trong nước 13 giờ trước
Được chế tác thủ công và mạ vàng thật, cúp Rồng vàng đang là điểm nhấn và thu hút sự chú ý tại giải GolfViet Spring Cup 2024.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.
Tin tức 3 ngày trước
Hai hôm nay, giá vàng trong nước giảm mạnh, đặc biệt là vàng miếng SJC. Nhờ thế, giao dịch trên thị trường sôi động trở lại.