SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Những bất thường khiến phụ huynh và học sinh hoang mang

07:05, 04/07/2018
(SHTT) - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội hiện vẫn đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên những bất cập, từ khâu tổ chức thi đến công bố điểm chuẩn, nộp, rút hồ sơ vẫn đang khiến nhiều bậc phụ huynh "đau đầu".

Hà Nội vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với sự tham gia của gần 95.000 học sinh. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018-2019 là 63.050. Như vậy, khoảng 66% thí sinh năm nay có cơ hội theo học trường công lập. Số còn lại sẽ phải tìm phương án khác. Việc này khiến cuộc cạnh tranh vào lớp 10 trở nên căng thẳng hơn đối với học sinh và phụ huynh trên địa bàn. Nhiều bất cập của kỳ thi này càng khiến thí sinh và người nhà mệt mỏi.

Hai môn Toán Văn bị "lọt đề"

Trong cả 2 buổi thi môn Ngữ văn và Toán của kỳ thi vào lớp 10, đều xảy ra hiện tượng lọt đề thi ra ngoài từ khá sớm. Theo đó, chỉ khoảng 60 phút sau thời gian bắt đầu làm bài thi, đề thi các môn đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Trong cuộc họp báo khẩn chiều ngày 7/6, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xác nhận thông tin đề thi bị lọt ra ngoài. 

Sở phối hợp với công an xác minh, phát hiện giáo viên Nông Hoàng Phúc, trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn), là cán bộ coi thi số 2, mang điện thoại vào phòng, chụp đề thi và truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh). Cán bộ này đã khai nhận hành vi và nhận chụp cả đề thi Ngữ văn buổi sáng.

ky thi vao lop 10

 

Điểm chuẩn vào lớp 10 tại Hà Nội lên xuống như sàn chứng khoán

Một trong những điều khiến các bậc phụ huynh và học sinh hoang mang ở thời điểm hiện tại đó là điểm chuẩn vào lớp 10 của một số trường ở Hà Nội lên xuống như sàn chứng khoán.

Cụ thể, những ngày gần đây, không ít phụ huynh bức xúc trước cách công bố điểm chuẩn vào lớp 10 "không giống ai" của trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Chỉ trong chưa đầy 2 ngày, mức điểm chuẩn của trường này đã lần lượt tăng từ 46 lên 49, rồi 50,5 điểm. Các mức điểm có hiệu lực theo giờ.

Tối 29/6, sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, trường ngoài công lập THCS và THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, phát đi thông báo mức điểm chuẩn vào lớp 10 học 2018 - 2019 là 46 điểm.

Thông báo của Trường Tạ Quang Bửu cho biết thêm thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn trên từ 8-11h ngày 30/6. Từ buổi chiều, mức điểm có thể thay đổi.

Đầu giờ chiều 30/6, trường này lại phát đi thông báo mới: “Chiều 30/6, trường Tạ Quang Bửu chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho học sinh đạt điểm thi từ 49 trở lên. Điểm chuẩn ngày 1/7 sẽ được cập nhật vào 8h sáng 1/7”.

Sau một đêm, điểm chuẩn tăng lên thành 50,5 và trường công bố chỉ nhận thêm 10 hồ sơ nữa.

Nhiều phụ huynh bức xúc khi điểm của con từ đỗ thành trượt sau khi điểm chuẩn liên tục thay đổi. Đối với họ, cách tuyển sinh này là "quá sức chịu đựng" khi điểm chuẩn "nhảy" từ 46 lên tới 50,5.

Hết hạn nộp hồ sơ trường tư trước khi công bố điểm chuẩn trường công

Ngày 28/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 song bằng và lớp 10 chuyên năm học 2018-2019. Một ngày sau, điểm chuẩn hệ không chuyên được xác định.

Tuy nhiên, nhiều trường ngoài công lập quy định ngày hết hạn nộp hồ sơ trước khi sở công bố điểm chuẩn vào hệ công lập. Hồ sơ gốc bao gồm cả học bạ. Phụ huynh phải đóng thêm khoản phí không nhỏ đồng thời cam kết không rút hồ sơ và học ổn định tại trường trong 3 năm.

Phụ huynh, học sinh phải “cân não” để quyết định nộp hay không. Nếu không nộp, học sinh không còn cơ hội vào trường khi trượt trường công lập. Nếu nộp, khi nhận thông báo điểm chuẩn, các em trúng tuyển trường công lập lại không có hồ sơ làm thủ tục nhập học.

Trong khi đó, trường Lương Thế Vinh thông báo đã nhận đủ hồ sơ từ ngày 24/6 và ban tuyển sinh nghỉ mát đến hết ngày 2/7. Điều này đồng nghĩa việc những thí sinh đủ điểm vào trường công lập vẫn không thể rút hồ sơ vì trường không làm việc.

Nhiều phụ huynh cho rằng trường cố tình làm khó họ. Chưa kể đến trong trường hợp rút được hồ sơ, phụ huynh vẫn không được hoàn lệ phí đã đóng.

Vì thế, việc Sở GD&ĐT Hà Nội cần đến một tuần để công bố điểm chuẩn sau khi có điểm thi và các trường ngoài công lập kết thúc hạn nộp hồ sơ trước khi có điểm chuẩn khiến không ít người băn khoăn.

Nghịch lý vào lớp 10 ở Hà Nội: Đỗ trường chuyên nhưng... trượt trường công

Đúng như dự đoán, năm nay số thí sinh điểm cao không nhiều nên điểm chuẩn vào 110 trường công lập không chuyên của Hà Nội đều giảm. Đơn cử, những trường luôn dẫn đầu về mức điểm chuẩn THPT công lập không chuyên trên toàn thành phố như Trường THPT Chu Văn An năm học 2017- 2018 điểm chuẩn là 55,5 điểm thì năm nay chỉ còn 51,5 điểm, giảm tới 4 điểm, đây cũng là trường giảm điểm chuẩn nhiều nhất. Trường THPT Thăng Long năm trước 52,5 điểm thì năm nay chỉ còn 49,5 điểm, giảm 3 điểm; Trường THPT Kim Liên năm trước 53 điểm, năm nay là 50,5 điểm; Trường THPT Việt Đức từ 52 điểm của năm trước, năm nay giảm còn 49 điểm, THPT Yên Hòa từ 52,5 năm trước, năm nay giảm còn 50 điểm…

Tuy nhiên năm nay có một nghịch lý, rất nhiều thí sinh đã đỗ THPT chuyên của các trường chuyên ĐHQG nhưng điểm vào trường công lại chỉ ở mức 45, 46, không thể đủ điểm để vào trường công tốp đầu.

Nguyên nhân bởi, trước đó, nhiều học sinh đã không lường trước được đề thi năm nay khó hơn cũng như đánh giá năng lực học tập của mình để đăng ký trường phù hợp. Bởi thế, nhiều TS đang ở trong tình cảnh thiếu điểm ở trường đăng ký nguyện vọng (NV) 1, thừa điểm ở trường đăng ký NV2 nhưng cuối cùng vẫn bị trượt.

Một phụ huynh ở quận Thanh Xuân có con thi được 46,5 điểm nhưng đăng ký NV1 trường THPT Cầu Giấy có điểm trúng tuyển 49, bị thiếu 2,5 điểm. TS này đăng ký NV2 trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân điểm chuẩn 46 điểm, dù thừa 0,5 điểm nhưng vẫn bị trượt bởi theo quy định, điểm trúng tuyển NV2 phải cao hơn điểm NV1 của trường là 1,5 điểm.

Lúc này, vì mong muốn cho con được học trường công nên gia đình các em đang trông chờ vào phép nhiệm màu nhà trường sẽ giảm điểm chuẩn. Tuy nhiên, tình hình này không khả quan khi năm nay số học sinh thi vào lớp 10 tăng tới 22.000 em so với năm trước. TP cũng đã xác định phần trăm chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ thống trường công, ngoài công lập, giáo dục thường xuyên.

Vân Trà (t/h)

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 14 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 14 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.