SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Kỹ sư "hai lúa" Thái Bình Trần Đại Nghĩa nổi danh với chiếc máy cấy siêu tốc

11:00, 22/10/2018
(SHTT) - Chiếc máy cấy lúa đa năng không cần động cơ của anh Trần Đại Nghĩa đã giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động, không gây ô nhiễm môi trường. Với sáng chế của mình, anh Nghĩa trở thành niềm tự hào của người dân quê lúa Thái Bình.

Anh Trần Đại Nghĩa (sinh năm 1970) là Hội viên Hội Khuyến học thôn Đông Hoàng (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Với công trình "Máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ", anh Nghĩa vinh dự trở thành một trong 3 gương mặt nhận giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài đất Việt 2017.

nha sang che tran dai nghia 1

Anh Trần Đại Nghĩa (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt 2017. Ảnh: Dân Trí

Được biết, anh Nghĩa sinh ra và lớn lên ở Tiền Hải, Thái Bình - một mảnh đất giàu truyền thống sản xuất nông nghiệp và là một trong những vựa lúa lớn nhất miền Bắc. Cũng giống như bao người nông dân chân lấm tay bùn, anh Nghĩa hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, cực nhọc của những người ngày ngày sớm khuya với ruộng đồng. 

Năm 2001, phong trào đi xuất khẩu lao động ở nhiều vùng quê nghèo trong tỉnh phát triển rầm rộ, trong đó, Tiền Hải là một trong những huyện có số người đi xuất khẩu lao động thuộc vào diện đông. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, không ngần ngại, anh Nghĩa mạnh dạn nộp đơn đăng kí. Trong quá trình lao động xuất khẩu ở nước ngoài, anh Nghĩa luôn cố gắng làm việc, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức.

nha sang che tran dai nghia 2

 Nhà sáng chế Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Dân Trí

Xuất phát từ việc quan sát những chiếc máy cấy lúa trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, anh nông dân trẻ Trần Đại Nghĩa đã sớm ấp ủ ước mơ chế tạo một chiếc máy cấy cho người nông dân Việt Nam đỡ vất vả. Sau khi kết thúc thời gian làm việc ở nước ngoài, anh trở về nước, đồng thời bắt tay luôn vào nghiên cứu và sáng chế. Để tiện cho việc chế tạo của mình, trước khi về nước, anh không quên chụp ảnh, quay lại clip về cách vận hành của những chiếc máy đó.

Tự tìm tòi, nghiên cứu, mày mò cho kỳ được đáp án, cuối tháng 1/2014, người nông dân Thái Bình này đã cho ra sản phẩm máy cấy lúa không động cơ. Đến hiện tại, khi sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, cơ sở của anh Nghĩa tăng cường số lượng, sản xuất thêm các loại máy nhiều kích cỡ, phục vụ nhiều loại địa hình thổ nhưỡng với giá thành giao động từ 3,8-7 triệu đồng. Một chiếc máy có tuổi thọ trung bình từ 7-10 năm và rất thân thiện với môi trường.

nha sang che tran dai nghia

 Ông Trần Đại Nghĩa bên chiếc máy cấy bán tự động do chính mình làm ra. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Sáng chế của anh Nghĩa giúp nâng cao công suất cấy lúa (tăng gấp 10 lần so với người cấy bằng tay), máy cùng lúc cấy được 5-6 hàng lúa, mật độ cấy phù hợp với giống và địa hình thổ nhưỡng của từng vùng miền nước ta. Máy dễ dàng vận hành, không sử dụng nhiên liệu nên không gây ô nhiễm môi trường, giúp bà con chủ động cấy, đảm bảo việc cấy mang tính thời vụ.

Máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa đến nay được ứng dụng khắp các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang... với số lượng hiện không dưới 1.000 chiếc. Hiện nay, anh Trần Đại Nghĩa đã đầu tư cơ sở sản xuất máy cấy rộng 300m2, trang bị máy móc chuyên dụng. Cơ sở thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 3-10 triệu/người/tháng.

Tìm về xã Đông Hoàng, hỏi thăm “Nghĩa máy cấy” chẳng mấy ai không biết. Người trong xã nhắc đến anh Nghĩa như một niềm tự hào của vùng quê lúa. Anh Nghĩa cũng là một trong 6 đại diện tiêu biểu nhất của cả tỉnh Thái Bình đi dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội.

Trong khi nhiều nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang loay hoay tại các phòng thí nghiệm và vật lộn trên bản vẽ thì không ít những người nông dân như anh Nghĩa lại trở thành những “kĩ sư bất đắc dĩ” với những phát minh hết sức gần gũi, thực tế và tiện ích. Tôi thầm nghĩ, giá như những kĩ sư khoa học bàn giấy đều có tinh thần làm việc như anh Trần Đại Nghĩa thì bà con nông dân sẽ không còn vất vả sớm tối trên ruộng đồng. Chúc cho những dự định mới của anh nông dân trẻ Trần Đại Nghĩa sớm trở thành hiện thực.

Thu Hà (t/h)

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.