SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng phát triển đất nước

16:00, 30/06/2017
(SHTT) - Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của đất nước vì vậy những rào cản kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân cần được pháp luật cụ thể hóa bằng những văn bản pháp qui.

Hội nghị Trung ương 5 của Đảng CSVN khóa XII vừa qua, đã thông qua 3 nghị quyết quan trọng về kinh tế, trong đó nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Động thái này được kỳ vọng giúp KTTN phát triển mạnh mẽ, bứt phá trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết là cần phải có sự thống nhất cao từ tư duy đến hành động của những cán bộ quản lý thực thi nhiệm vụ. Nghĩa là, những rào cản kìm hãm phát triển KTTN được nhắc đến lâu nay như hành lang pháp lý, ưu đãi về đất đai, nguồn vốn, thuế… cần phải được pháp luật cụ thể hóa bằng những văn bản pháp qui.

Còn nhiều yếu kém

 Mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, nhưng đến nay, KTTN vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nội lực của KTTN còn yếu, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của KTTN chỉ chiếm 7,8% GDP năm 2016. Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, xuống còn 7,54% trong giai đoạn 2011-2015. Đáng lưu ý, tỉ lệ DNTN thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%.

 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đưa chuyên đề KTTN vào chương trình là thông điệp quan trọng. Điều đó cho thấy Đảng đã đề cao vai trò của KTTN và khẳng định đó chính là lực lượng cơ bản bảo đảm bền vững của phát triển kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ nên tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt, còn lại phải thoái vốn, tạo điều kiện để phát triển KTTN, để tư nhân có thể tiếp cận nguồn lực, tiếp cận cơ hội kinh doanh mà khu vực DNNN đang nắm giữ.

kinh te tu nhan b

 

Có một thực tế thiếu bình đẳng trong cạnh tranh là DNNN được hưởng nhiều ưu ái, được cấp vốn từ ngân sách nhà nước, được tạo điều kiện nhiều hơn so với DNTN trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, vốn ODA và vốn vay từ nước ngoài. Theo đó, DNNN có thể được vay vốn không cần tài sản thế chấp hoặc được Chính phủ bảo lãnh bằng nhiều cách như được tiếp cận vốn cho vay theo chỉ định, nhà nước hỗ trợ khó khăn qua việc khoanh nợ, giãn nợ… Đây là điều mà DNTN chưa bao giờ được ban phát ân huệ này, dù nhỏ nhoi.

 Ngay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp từ tập đoàn, công ty mẹ ở nước ngoài hoặc lãi suất của các nước trong khu vực thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Trong khi đó, khu vực KTTN trong nước lại gặp quá nhiều rào cản trong tiếp cận vốn, do thói quen thiếu minh bạch về tài chính, kế toán, thiếu tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh không khả thi hoặc dự án không đủ thuyết phục NH thương mại rót vốn... DN cũng chưa quan tâm hoặc chưa tiếp cận được các kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư, quỹ bảo lãnh tín dụng...

 Số liệu thống kê cho thấy, số lượng DN Việt Nam đã phát triển mạnh từ gần 63.000 DN (năm 2002) lên khoảng 550.000 DN (năm 2016) và 612 ngàn DN (đến tháng 4-2017). Tuy số lượng là thế, nhưng về “chất lượng” thì còn quá nhỏ. Cụ thể là tỷ lệ các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tăng. Có đến trên hai phần ba các DNVN là các DN siêu nhỏ, dưới 10 lao động.

kinh te tu nhan c

Công ty TNHH Bình Minh Tải - Một DNTN mạnh trên lĩnh vực Logistics VN 

Tại sao có ít DN lớn ở khu vực KTTN? Tuy không nói ra, nhưng ở đây có vấn đề nhạy cảm về chính sách thiếu nhất quán trong thực thi. Do vậy, DN không thấy sự an toàn về tài sản. Quyền tài sản, quyền sở hữu được bảo vệ rất mong manh… Đó là chưa nói đến việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, gây tổn hại về tài sản và tinh thần cho các chủ DN.

Động lực cho phát triển

KTTN có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu vực này bị trói buộc bời chính sách, thể chế… nên không thể “lớn lên được”. Do vậy, cần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế để tạo động lực phát triển. Bởi đây là một nguồn lực quan trọng nhất, có tiềm năng nhất, mà đất nước cần khai thác để phát triển kinh tế trong điều kiện khó khăn hiện nay.

 Hiện nay, tuy việc sử dụng vốn vay từ NH đã trở nên dễ dàng hơn, không còn sự phân biệt của NH trong việc lựa chọn cho vay giữa DNNN hay tư nhân. Nhưng rào cản là mức lãi suất còn cao và khó giảm. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách hạn chế tín dụng cho bất động sản, nên đã ảnh hưởng đến thanh khoản cho tín dụng vào sản xuất, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay…

kinh te tu nhan a

 Ngăn nắp và kỷ cương

Trong khi đó, khu vực DNVVN, siêu nhỏ lại gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy đến cuối năm 2016, chỉ khoảng 30% DNVVN tiếp cận được vốn, còn lại khoảng 70% DN "đói" vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh.

 Quan điểm của Đảng về vấn đề này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội XII là: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh DNTN để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để DNTN tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, mọi nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên”. Trong năm 2015 và 2016, Chính phủ liên tục có 2 nghị quyết về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của DN ( NQ 19 và NQ 35 của CP). Nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hàng nghìn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý đã được bãi bỏ… tạo niềm tin cho DN. Năm 2016, lần đầu tiên số DN thành lập mới tại Việt Nam đạt con số kỷ lục với hơn 110.000 DN. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã đi đúng hướng, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu DN, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

 Mặc dù đã có sự chuyển biến đáng kể, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, tuy nhiên ở một số cơ quan, cơ sở và địa phương, tình hình chuyển biến còn khá chậm, hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều DN vẫn còn bị cản trở, gây khó khăn, thậm chí là bị sách nhiễu.

Giải pháp thực hiện

 Hơn 20 năm đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Sự lớn mạnh không ngừng của các thành phần kinh tế, trong đó có lực lượng đông đảo là các DNTN - lực lượng đóng góp trên 40% tổng GDP đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là khá nhiều DNTN lớn mạnh không ngừng. Nghị quyết Trung ương 5 đã cụ thể hóa các giải pháp trên cơ sở đúc kết thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân 15 năm qua.

kinh te tu nhan

 Tại một công ty tư nhân

 Năm 2016, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp là Chính phủ hành động và kiến tạo. Tuy nhiên, đến nay vấn đề gỡ nút thắt vốn cho DNTN vẫn còn bị bỏ ngỏ. Việc triển khai chính sách của các bộ, ngành còn lúng túng, đan chéo nhau vào chưa kịp thời nên vẫn còn vướng mắc. Vấn đề hiện nay cần giải quyết cấp bách là phải thay đổi tư duy về vai trò, chức năng, công cụ quản lý của nhà nước thì mới giúp khu vực KTTN phát triển. Điều quan trọng nhất là phải phát triển thị trường các nhân tố sản suất, để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

 Muốn tạo động lực cho phát triển KTTN tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh cho các DN mà chủ yếu là DN tư nhân, trong đó có DNNVV. Đó là các giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập mới DN… Bên cạnh đó, Nhà nước phải yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức cần có sự đột phá trong tư duy và hành động. Kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, cần xóa bỏ mọi định kiến, rào cản, cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển…

 Quan trọng hơn là DN cần một môi trường kinh tế lành mạnh, công khai, minh bạch, nhà nước tạo điều kiện cho DNTN tham gia vào đầu tư công, từ đó tạo động lực cho DN mạnh dạn đầu tư làm ăn. Thực tế tại các quốc gia giàu mạnh có nền kinh tế thị trường hoàn thiện trên thế giới, thì KTTN nằm vai trò chủ đạo. Và, Việt Nam cần có những học hỏi, nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng thể chế là do Nhà nước tạo nên và DN là đối tượng sử dụng thể chế. Do vậy, DN cũng cần phải có trách nhiệm thúc đẩy để Nhà nước hoàn thiện thể chế, tạo nên nền KTTT phát triển vững mạnh trong tương lai.

(*) Bài viết có tham khảo tài liệu Nghị quyết TW 5 của BCH TW Đảng khóa XII và Văn kiện Đại hội Đảng CSVN khóa XII.

TS Nguyễn Văn Khanh

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.