SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Hầu hết các dòng chữ tiếng Hàn trên sản phẩm là vô nghĩa, Mumuso “lập lờ đánh lận con đen”?

11:00, 12/06/2018
(SHTT) - Theo chia sẻ của một chuyên gia về ngôn ngữ học Hàn Quốc chỉ ra rằng rất nhiều dòng chữ tiếng Hàn trên các sản phẩm được bán tại Mumuso không hề có ý nghĩa gì cả. Vậy có hay không việc Mumuso đang "lập lờ đánh lận con đen” để lừa dối người tiêu dùng.

Báo Trí Thức Trẻ đưa tin, mới đây một chương trình truyền hình của đài MBC đã tiết lộ rằng một công ty Trung Quốc đã lừa dối khách hàng ở nhiều quốc gia khác dưới danh một công ty Hàn Quốc.

Phóng sự được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam. Hình ảnh một cửa hàng Mumuso với tấm biển xanh nhạt có đuôi "KR" cùng các dòng chữ tiếng Hàn rất rõ nét.

Khi được phỏng vấn, một khách hàng nữ trẻ tuổi nói rằng: "Mumuso là một cửa hàng cho những người trẻ. Đó là nơi mọi người có thể mua mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp. Nói chung là giới trẻ rất yêu thích nó".

Sau đó phóng viên nhặt một sản phẩm chăm sóc da mặt lên. Nhìn thoáng qua nó giống với một sản phẩm rất phổ biến ở Hàn Quốc nhất là về thiết kế. Cả kích thước, font chữ và màu sắc, 2 sản phẩm giống hệt nhau. Nhưng phải quan sát kỹ thì mới nhận thấy đây là hàng nhái. Đến cả người Hàn chắc cũng khó có thể phân biệt được.

Đáng quan ngại là, nhóm phóng viên tìm đến một chuyên gia về ngôn ngữ học Hàn Quốc và anh này chỉ ra rằng rất nhiều dòng chữ tiếng Hàn trên các sản phẩm được bán tại Mumuso không hề có ý nghĩa gì cả. Chuyên gia này khẳng định: "Đây là vấn đề rất nghiêm trọng của các sản phẩm này". Ngay cả người Hàn còn chẳng hiểu những chữ tiếng Hàn viết trên sản phẩm nhưng nó lại được bán dưới mác sản phẩm Hàn Quốc. 

mumuso

 

Có thể nói, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Hàn Quốc liên tục là quốc gia đứng đầu trong tốp các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh các trương trình quảng bá, xúc tiến hợp tác về lĩnh vực du lịch, ẩm thực, điện ảnh... Sức hút của thị trường hàng bán lẻ có xuất xứ từ xứ sở kim chi trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Nắm bắt được tâm lý chung của người tiêu dùng, các chuỗi cửa hàng mỹ phẩm, đồ ăn nhanh, thời trang của Hàn Quốc nhanh chóng đổ bộ vào nước ta với tốc độ "chóng mặt". Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu uy tín, có tác động tích cực đối với thị trường, cũng có những thương hiệu còn nhiều điều "mập mờ" khiến người dùng băn khoăn về chất lượng.

Chuỗi cửa hàng Mumuso mới thâm nhập thị trường Việt Nam khoảng hơn 1 năm nay. Mặc dù là thương hiệu khá mới mẻ nhưng Mumuso đã nhanh chóng phát triển tại hai thành phố lớn nhất nước ta là TPHCM và Hà Nội với 27 cửa hàng. Mumuso luôn tự hào là thương hiệu Hàn Quốc chất lượng.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là có hay không việc Mumuso cố tình mập mờ đánh tráo khái niệm, "treo đầu dê, bán thịt chó" để lừa đảo người tiêu dùng?.

Liên quan đến vấn đề này, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm của thương hiệu Mumuso) đã tổ chức họp báo để thông tin chi tiết những thắc mắc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, câu trả lời được cho là "càng giải thích càng rối".

OOO

 

Theo thông tin tại buổi gặp, Mumuso thành lập công ty tại Hàn Quốc, sau đó chuyển giao công nghệ cho Mumuso Thượng Hải (Trung Quốc) sản xuất sản phẩm. Mumuso VN nhận chuyển nhượng thương hiệu từ Mumuso Thượng Hải và phát triển hệ thống các cửa hàng bán sản phẩm này tại thị trường nội địa. Ông Nhâm Phi Khanh nói, trên các sản phẩm, Mumuso cũng ghi rõ xuất xứ Trung Quốc.

Tuy nhiên khi được hỏi về việc chất lượng hàng hóa của Mumuso có đáp ứng tiêu chuẩn Hàn Quốc, nguồn nguyên liệu sản xuất sản phẩm có phải từ Trung Quốc hay không… thì phía công ty này trả lời vòng vo chất lượng sản phẩm tùy tiêu chuẩn của từng thị trường. Khi đề cập công nghệ Hàn Quốc là gì, nguyên vật liệu sản xuất cũng như nhà máy, phòng nghiên cứu sản phẩm như thế nào… thì phía công ty đều không trả lời được và cho rằng đây là thông tin của tập đoàn nên phản hồi sau.

Đáng chú ý, việc nhượng quyền thương hiệu của Mumuso Việt Nam cũng khá lòng vòng. Thay vì nhận giấy chứng nhận nhượng quyền trực tiếp từ Mumuso Hàn Quốc thì Mumuso Việt Nam được nhượng quyền từ Mumuso Thượng Hải.

Mới đây, ngày 5/6, trao đổi với PV, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các hoạt động của Mumuso Việt Nam. Theo ĐSPL.

“Đoàn kiểm tra liên ngành gồm lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). Khi có kết quả sẽ sớm thông tin cho báo chí”, ông Hùng cho hay.

Trước đó, trả lời trên Báo Thanh Niên, đại diện Bộ Công thương khẳng định Bộ này chưa hề cấp phép kinh doanh nhượng quyền thương mại từ nước ngoài cho Mumuso.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Mumuso nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, thuộc trường hợp phải đăng ký nhượng quyền.

“Trên thực tế, Mumuso chưa được cấp phép nhượng quyền đã tự ý hoạt động là vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại”, luật sư Tuấn Anh cho hay.

Luật sư Tuấn Anh nhận định, hành vi của Mumuso đã vi phạm quy định về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Tùy theo tính chất, mức độ để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo tìm hiểu của PV ĐSPL trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso VN (Mumuso VN) mới thay đổi địa chỉ trụ sở chính về quận 3, TP.HCM thay cho địa chỉ trụ sở chính ở quận Tân Bình, TP.HCM vào ngày 25/5.

Mumuso VN tiền thân Công ty TNHH xuất nhập khẩu Domesky VN được thành lập ngày 25/10/2016, có đại diện pháp luật là ông Nhâm Phi Khanh thường trú tại TP.HCM, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 tháng, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam.

Khoảng gần 1 năm sau, Mumuso Việt Nam thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh, trong đó ngoài ông Khanh góp vốn 1 tỷ đồng còn có 3 cá nhân khác đều thường trú và có quốc tịch Trung Quốc. Ba người Trung Quốc góp vốn mỗi người 1 tỷ đồng, tương ứng với vốn nước ngoài sở hữu 75%.

Hoàng Oanh (t/h)

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 16/4/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của bà Đ.T.T tại địa chỉ: phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, phát hiện 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá 300 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện kế hoạch và công văn chỉ đạo của Cục QLTT về tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác giám sát trên địa bàn, qua đó phát hiện nhiều sai phạm về hàng hóa.
Media 2 ngày trước
(SHTT) - Những ngày đầu triển khai tháng ATTP trên địa bàn, Đội QLTT số 9, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện gần nửa tấn cam có xuất xứ từ nước ngoài, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Triển khai thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai về việc tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (thuốc BVTV) trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, với số tiền 102,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 02 tháng.