SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Hàng loạt sai phạm tại 7 dự án BT nghìn tỷ ở Hà Nội

06:30, 21/07/2017
(SHTT) - Kết luận thanh tra cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai các dự án BT, BOT cũng đã bộc lộ ra không ít hạn chế, khuyết điểm, vi phạm.

Ngày 19/7, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã ký Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng-kinh doanh- chuyển giao) trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó tập trung kiểm tra 7 dự án về giao thông, môi trường thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Giai đoạn thanh tra từ năm 2008 đến 2012.

7 dự án được tập trung thanh tra gồm: Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án Đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; Dự án nút giao thông Long Biên; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; Dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; Dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.

Kết luận thanh tra cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai các dự án BT, BOT cũng đã bộc lộ ra không ít hạn chế, khuyết điểm, vi phạm. Chẳng hạn như: Quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư của UBND TP Hà Nội không chính xác; hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ; đặc biệt là tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT được phê duyệt chưa chính xác, làm tăng tổng vốn đầu tư của dự án lên hàng trăm tỷ đồng…

Theo Vietnambiz, tại dự án Nhà máy nước Yên Sở, Thanh tra Chính phủ phát hiện dự án được khởi công xây dựng khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tại thời điểm ký hợp đồng BT.

Dự án chưa có đầy đủ cơ sở về hồ sơ, tài liệu theo quy định để xem xét quyết toán đối với một số hạng mục chi phí (chi phí lãi vay, chi phí luật, chi phí luật chung...) theo đề nghị của Nhà đầu tư.

Trong điều kiện bình thường, chất lượng nước thải sau xử lý không đạt theo yêu cầu của hợp đồng BT.

Toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu Công viên Yên Sở, các khu đô thị C1, C2 chưa được Công ty Gamuda Việt Nam tiến hành qua nước thu gom xử lý theo quy định.

Hàng loạt các vi phạm sau đó của nhà đầu tư về thiết kế, ký hợp đồng EPC…dù chưa được cơ quan chức năng thẩm định vẫn tiến hành triển khai dự án, trong khi các cơ quan quản lý thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi không tiến hành kiểm tra, giám sát đối với dự án này. Theo TTCP, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các khuyết điểm, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Tại Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, TTCP chỉ ra những sai phạm như: Thi công cọc và sàn giảm tải, tường chắn mố cầu vượt Sông Nhuệ, phát sinh do tăng mật độ cọc là gần 8 tỷ đồng, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận về kỹ thuật, không đúng với quy định về quản lý dự án đầu tư. Chi phí giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di chuyển đường điện 0,4kv, điện nước phục vụ các hộ dân tái định cư, chi phí đo đạc khảo sát... phát sinh với giá trị hơn 7,7 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khối lượng thực hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa được xác nhận theo quy định, do vậy, chưa đủ điều kiện để quyết toán đối với khối lượng này.

Tại Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, TTCP chỉ ra sai phạm tại dự án này như sau: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở dẫn đến xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định của hợp đồng BT đã ký kết. Nhà đầu tư đã chiếm dụng NSNN trong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào NSNN là 510,12 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 4/2008). Các cơ quan có thẩm quyền thuộc UBND TP Hà Nội có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện việc thu, nộp tiền theo quy định.

Tại Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, kết luận của TTCP cho thấy có những sai phạm sau: Dự án chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng BT đã ký, không đáp ứng được yêu cầu sự cần thiết của dự án. Nhà đầu tư vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Việc xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng cần điều chỉnh các quyết định giao đất Khu đô thị Xuân Phương đối với TASCO cho phù hợp quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và phương thức giao đất, cho thuê đất của UBND TP Hà Nội. Chỉ đạo các ngành chức năng của Hà Nội, quận Nam Từ Liêm tổ chức thực hiện hoàn thành việc giải phóng mặt bằng của dự án. Trên cơ sở đó ra soát, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý hơn 37,6 tỷ đồng tiền thuê đất tăng thêm do chưa xác định giá trị tiền thuê đất đối với phần diện tích đất công và bãi đỗ xe của dự án theo quy định của pháp luật để làm cơ sở quyết toán hợp đồng BT đã ký kết và làm cơ sở cho TASCO thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Tính tăng sai chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là hơn 11,2 tỷ đồng.

Dự án BT tiếp theo có nhiều sai phạm là dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Tại dự án này, TTCP chỉ ra, phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Vietinbank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 15/5/2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt. Việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại Dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên: Số tiền hơn 18,7 ty đồng tiền trả lãi vay của các khoản vay để đảo nợ không được dùng vào mục đích đầu tư dự án BT, không đủ cơ sở để tính vào giá trị quyết toán công trình. Việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo quy định, dẫn đến phát sinh tăng khoản chi phí của dự án (tiền lãi vay ngân hàng Nhà đầu tư phải nộp).

Tại Dự án giao thông Long Biên, theo kết luận của TTCP, sau khi tính lại chi phí vận chuyển dầm thép theo thực tế, giá trị giảm hơn 2,9 tỷ đồng.

4106_le_van_luong

Một góc dự án đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp. 

 Xử lý cán bộ, giải quyết tình trạng đội vốn

Theo báo Tiền Phong, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc quyết định lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư. Đồng thời với đó, xử lý trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội – Hưng Yên trong giai đoạn thực hiện theo quy định của Nghị định số 78/2007/NĐ-CP.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành chức năng, các cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tổ chức, cá nhân thuộc UBND thành phố Hà Nội đã có khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra, liên quan đến quá trình tham mưu, quản lý, giám sát, thực hiện hợp đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị quản lý hợp đồng rà soát, thực hiện xử lý trách nhiệm của các nhà thầu tư vấn có khuyết điểm, vi phạm tại các bước khảo sát, lập dự án đầu tư và tư vấn thẩm tra dự toán thiết kế sau thiết kế cơ sở và tư vấn thẩm tra tổng mức đầu tư để giảm trừ giá trị thanh toán hợp đồng tư vấn theo quy định.

Chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội căn cứ vào các vi phạm của nhà đầu tư được nêu tại kết luận thanh tra để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các công ty có sai phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án BT, dự án đối ứng.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu để ban hành văn bản về cơ chế quản lý, giám sát đối với các dự án BT; xử lý về kinh tế khoản tiền hơn 1.600 tỉ đồng, gần 38 triệu USD.

PV (t/h)

Tin khác

Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.
Kinh tế 1 ngày trước
Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất ở mức 18.855 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 69,7%.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.