SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

"Giải cứu" thép Gia Sàng, khu đô thị mới mọc lên: Ai là người hưởng lợi?

14:52, 20/08/2018
(SHTT) - Biểu tượng của ngành công nghiệp thép Việt Nam, Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng đã được tháo dỡ. Điều đáng nói, khu đô thị mới dự kiến sẽ mọc lên tại chính khu "đất vàng" này, chủ đầu tư lại là đơn vị đã vào cuộc “giải cứu” nhà máy.

Luyện cán thép Gia Sàng: Sự tụt dốc không phanh của biểu tượng vàng son

Ngày 1/5/1975, Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên (GSS) cho ra lò mẻ thép luyện đầu tiên chào mừng ngày miền Nam giải phóng và nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình trong ngành công nghiệp nặng nước nhà.

Với những người làm thép thì cuối thập kỷ 70 và 80, cái tên Gia Sàng là niềm tự hào của vùng đất Thép, một biểu tượng của ngành công nghiệp hóa nước nhà.

Tuy nhiên sau gần nửa thế kỷ thăng trầm, GSS nay chỉ còn là cái tên “vang bóng một thời”, kéo theo đó gần 300 công nhân lao động bơ vơ không có việc làm.

Câu chuyện buồn của thép Gia Sàng bắt đầu từ năm 2007, khi đơn vị này tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của một cá nhân cổ đông 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%.

gang thep gia sang

 

Năm 2013, các hoạt động sản xuất chính thức tạm dừng. Những dây truyền luyện cán thép nhập từ Đức trơ trọi trở thành đống sắt hoen rỉ. Nhà máy lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tổng khoản nợ lên tới 121,3 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán, nhiều khoản nợ lớn như ngân hàng thương mại 54 tỷ đồng; thuế trên 10 tỷ đồng; lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động trên 29,3 tỷ đồng; đối tác 30 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh đó, tháng 8/2014, một số cán bộ, bảo vệ của Gia Sàng lại bị dính líu đến một vụ án và đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố. Cho đến nay, dù đã khởi tố bị can nhưng vụ án vẫn chưa kết thúc. Vẫn còn bị can không nhận tội và liên tục kêu oan khiến tình hình càng thêm rối ren.

Từ đây, người lao động của Công ty phải lao vào “cuộc chiến” giữ nhà máy và đòi những quyền lợi chính đáng của mình. Theo người lao động, có một nhóm người tìm cách dần rút ruột nhà máy để không thể khôi phục sản xuất, khiến nhà máy phá sản để “hô biến” khu đất vàng rộng 22,6ha.

Không chỉ vậy, vào tháng 1/2014, TAND TP Thái Nguyên tuyên Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng phải thanh toán khoản vay 38,8 tỷ đồng cộng lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên.

Tiếp đó, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Thái Nguyên, Ban lãnh đạo thép Gia Sàng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên (Vietinbank Thái Nguyên) đã thống nhất việc giải quyết thi hành án bằng cách thanh lý bán đấu giá toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp này với số tiền khởi điểm là gần 56,8 tỷ đồng, để trả nợ.

Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Quá trình bán đấu giá, Công ty Việt Tech đã trúng đấu giá và đã ký kết hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá. Tuy nhiên sau đó, bằng một cách nào đó, công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (công ty Thái Hưng) lại là đơn vị trúng thầu đã mua lại toàn bộ tài sản trên đất của thép Gia Sàng với việc cam kết với các cơ quan chức năng sẽ không tháo dỡ và tiếp tục đầu tư để khôi phục, tái sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Các uẩn khúc của quá trình thi hành án hiện tại đang được thanh tra bộ Tư pháp điều tra hơn 1 năm nay chưa có kết luận.

Mục tiêu là "đất vàng"

Sau khi Công ty Thái Hưng đầu tư hơn 152 tỷ đồng nhằm "giải cứu" thép Gia Sàng. Đến ngày 28/12/2016 chính thức đánh dấu sự trở lại của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng bằng mẻ thép cán đầu tiên sau gần 4 năm dừng hoạt động. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, nụ cười của cán bộ công nhân viên GSS nói riêng và của cả ngành Gang Thép nói chung chưa kịp nở đã bị tắt ngúm ngay sau chưa đầy 6 tháng, lãnh đạo mới của thép Gia Sàng thông báo dừng hoạt động sản xuất và tiến hành tháo dỡ nhà máy.

Ngay sau đó, công ty CPTM Thái Hưng đã có công văn trình UBND tỉnh cho thực hiện Dự án khu tổ hợp Thương mại Dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City). Ngày 23/11/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký đồng ý chủ trương cho công ty Thái Hưng di dời, cải tạo nhà máy thép Gia Sàng và tiếp tục cho công ty Thái Hưng thực hiện dự án trên.

Đến tháng 3/2018 vừa qua, UBND TP Thái Nguyên đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 Khu tổ hợp dự án.

Như vậy có thể nói đến tháng 6/2017, khi Thái Hưng cho ngừng hoạt động của thép Gia Sàng, đồng thời tiến hành tháo dỡ nhà xưởng, thì người ta mới vỡ lẽ ra mục tiêu của công ty này là lô “đất vàng” 22.6ha của Gia Sàng tại trung tâm TP Thái Nguyên.

Lô đất 22.6 ha của thép Gia Sàng nằm trên đường Cách mạng tháng 8 được coi là “đất vàng” tại TP Thái Nguyên. Theo bảng giá đất ở tại TP Thái Nguyên giai đoạn 2015 – 2019 được tỉnh này phê duyệt thì, năm 2015 giá đất trên trục đường Cách mạng tháng 8 có giá cao nhất là 20 triệu đồng/m2.

Như vậy, việc giải cứu Luyện cán thép Gia Sàng không phải là để khôi phục sản xuất như đã cam kết của Thái Hưng, bởi chính Thái Hưng dường như cũng chẳng có kế hoạch sản xuất cụ thể nào cho dù trong tay đang nắm giữ cả Tisco. Với chiêu “lường rau gắp thịt” khi bỏ ra 56 tỷ đồng mua phần nhà xưởng của thép Gia Sàng nhưng ngay sau đó chuyển hướng tới thương vụ ngàn tỷ nếu chuyển đổi thành công 22.6 ha từ đất công nghiệp sang đất nhà ở để xây dựng khu đô thị phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản.

Vậy là sau thời gian dài đấu tranh với nhóm lợi ích muốn rút ruột nhà máy, cản trở sản xuất, trải qua các cuộc giải cứu, đến nay người lao động của Luyện cán thép Gia Sàng vẫn phải chờ việc, chế độ phúc lợi vẫn chưa đến tay đầy đủ. Nhà máy cũ đã tháo dỡ, dự án nhà máy mới đến khi nào hoàn thành? Những ai được hưởng lợi trong cuộc “giải cứu” thép Gia Sàng? Tại sao phải là khu đô thị chứ không phải dự án nào khác mọc lên từ 22,6ha đất trước đây là nơi đặt nhà xưởng thép Gia Sàng?

Linh Tú (t/h)

Tin khác

Pháp luật 21 giờ trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.