SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Giá lợn hơi "lao dốc", người nuôi lợn "lao đao"

06:30, 22/04/2017
(SHTT) - Thời điểm hiện tại, giá thịt heo (lợn) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Người chăn nuôi đang đứng ngồi không yên vì thua lỗ.
1_73232

Giá lợn hơi "lao dốc", người nuôi lợn "lao đao" 

Giá lợn chạm đáy

Trước đó, theo thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, suốt tháng 3/2017, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm cận và sau Tết. Hiện giá lợn hơi tại các tỉnh lần lượt là 31.000-32.000 đồng/kg; 31.000 đồng/kg và 29.000 đồng/kg. Tính chung trong quý 1 năm 2017, giá lợn hơi biến động giảm. Ngay vào thời điểm cận Tết (giữa tháng 1), giá lợn hơi tại Đồng Nai đã ở dưới giá thành 26.000-30.000 đồng/kg.

Từ thời điểm cuối năm 2016, giá lợn hơi đã chìm sâu trong chuỗi ngày "lao dốc". Đến thời điểm hiện tại, sau 4 tháng giá lợn vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Người dân đứng ngồi không yên bởi với mỗi cân lợn hơi giá  22.000-25.000 đồng/kg chỉ mua đươc  0,5 cân hoa táo, lê ở quê.

Đứng cạnh cổng nhà chờ lái buôn đến cân lợn, Bà Hoàng Thị Hà (Hà Nam) không dấu nổi nỗi lo lắng, bởi lứa lợn này bà lỗ khá "đậm".

"Thịt lợn dạo này rẻ lắm chú ạ, rẻ ngang với rau củ, mà còn không có người mua cho, vì nhà nào cũng "bán thống bán tháo" để gỡ được tí nào hay tí đó".

Bà Hà cũng cho biết thêm, giá lợn rẻ cùng với đó lại bị các thương lái ép giá khiến cho tình cảnh của người nông dân vô cùng khốn khó. Có thương lái vào nhìn lợn không thèm trả giá câu nào vì chê lợn xấu và mỡ. Họ bảo thêm, các địa phương khác bây giờ lợn ngon cũng chỉ được 22.000 đồng/kg, họ đánh cả xe ô tô chở mấy chục con lợn về một lần.

Cùng với giá lợn hơi, giá lợn giống giá lợn giống cũng giảm từ 1,1 triệu đồng/con khoảng 10 kg xuống còn 400.000 đồng/con vẫn không đắt khách.

"Gia đình tôi kinh doanh lợn bao nhiêu năm nay, giá lợn thấp kỉ lục như năm nay chưa bao giờ gặp phải, thời điểm cận Tết Nguyên đán giá lợn rẻ nhất cũng bán được 28.000 đồng/kg. Cứ tưởng sau đó giá sẽ nhích lên, nhiều người trong làng tôi vẫn có chờ để gỡ gạc được phần nào, nhưng đến thời điểm hiện tại thì có bao nhiêu "bán tống bán tháo" để thu hồi gốc, nếu cứ chờ chắc chỉ có nước bán nhà mà trả nợ".

Tình cảnh không có gì khá khẩm hơn, chị Linh ở Hà Nội như ngồi trên đống lửa khi cả trăm con lợn đang đến thời kì xuất chuồng.

Chị cho hay, kể từ cuối năm 2016 đến giờ chị đã bán mấy lứa lợn nhưng chưa lứa nào hòa vốn cả chứ chưa nói gì đến lãi. Chăn nuôi năm nay thua lỗ, khiến gia đình chị gặp khá nhiều khó khăn.

Lợn hơi giá rẻ, người mua thịt giá không rẻ?

Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) do cung vượt quá cầu khiến cho giá thịt lợn hơi của Việt Nam giảm chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao và không có chiều hướng giảm.

Theo Một thế giới khảo sát ở một số chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn dao động khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại. Còn trong các siêu thị như BigC, giá thịt lợn cũng dao động từ mức 90.000 – 130.000 đồng tùy loại: Thịt ba chỉ niêm yết 131.000 đồng/kg, thịt xay 96.000 đồng/kg; siêu thị Vinmart, giá thịt lợn xay niêm yết giá 120.990 đồng/kg, nạc vai giá 113.500 đồng/kg, sườn có giá 132.500 đồng/kg, thịt thăn giá 125.900 đồng/kg... 

Trao đổi với Một thế giới về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết thịt lợn tại siêu thị không giảm theo giá lợn hơi trong khi giá lợn hơi giảm khoảng 30% là do hệ thống phân phối có vấn đề. Nguyên do hiện nay, thịt bán ở các siêu thị, các chợ vẫn phải qua 3 - 4 đầu mối phân phối mới đến tay người tiêu dùng.

“Một con lợn phải qua nhiều khâu trung gian, chịu 51 thứ phí thì giá phân phối cao là không tránh khỏi. Hơn nữa, khâu bán lẻ hiện nay ăn chiết khấu nhiều quá, ăn tới 20-30%. Nào là phí bôi trơn, phí tạo mã…đẩy giá thịt lợn lên hơn 100.000 đồng/kg. Điều này cần phải bớt đi”, ông Phú nói.

Ông Phú cũng thẳng thắn đặt vấn đề các tổng công ty thương mại khoe có hàng trăm mạng lưới, hàng trăm tỉ đồng vốn thì sao không đi thu mua cho bà con. Hiện nay nhân viên nhập hàng của các siêu thị đang “đút chân gầm bàn, ngồi máy lạnh” đợi các nhà phân phối mang thịt tới chứ không chủ động đi thu mua.

“Cách làm của chúng ta rất quan liêu, hành chính. Như vậy thì người sản xuất sẽ chết, còn người tiêu dùng thiệt thòi. Hiện nay nhiều trang trại nuôi nhiều lợn như ở Đồng Nai, Hà Nam đang chết dở và tình trạng bỏ trang trại rất nhiều”, ông Phú nhấn mạnh.

Kết luận, ông Phú cho rằng bây giờ phải tổ chức lại đường đi của sản phẩm để vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa có giá cả phải chăng. Ở các nước, giá trong siêu thị rẻ hơn chợ nhưng ở nước ta thì ngược lại.

Bộ trưởng kiến nghị giải cứu chăn nuôi

Trước tình trạng giá thịt heo rớt giá thê thảm, Trong Công văn số 3046/BNN-CN về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, các giải pháp trước mắt là kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y, chứ không đề xuất một gói tín dụng cụ thể nào, như gói 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, để hỗ trợ người chăn nuôi.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tưởng yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.

Tiếp đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, qua đó, cũng hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước.

Còn giải pháp lâu dài, theo Bộ NN&PTNT, là quy hoạch lại ngành chăn nuôi gắn liền với thị trường, và một trong các biện pháp là giảm tổng đàn heo. Tuy nhiên, trong công văn này, Bộ lại không nói rõ giảm tổng đàn heo xuống còn bao nhiêu mà chỉ đề cập là giảm đàn heo nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con vào năm 2019.

Thịt heo nhập giá 27.000 đồng một kg

Trong khi giá thịt heo trong nước đang giảm mạnh, thịt heo nhập giá rẻ tràn về Việt Nam trong thời gian gần đây cũng là áp lực đối với "heo nhà".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ. Như vậy, tính bình quân mỗi kg thịt lợn khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000 đồng. Còn năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với giá bình quân 21.000 đồng/kg, thịt lợn tươi giá khoảng 35.900 đồng/kg. 

Khảo sát của VnExpress cho thấy, đa phần các sản phẩm thịt heo nhập khẩu bán trên các cửa hàng online.

Chủ cửa hàng thực phẩm online ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết bán đủ các loại thịt  heo ngoại từ Ba Lan, Mỹ, Tây Ban Nha… với giá khá hấp dẫn. Cụ thể, móng giò 37.000 đồng một kg, đuôi 40.000 đồng, thịt ba chỉ 59.000 đồng, xương sườn 60.000 đồng, thịt nạc vai cũng chỉ 69.000 đồng một kg, rẻ một nửa so với hàng trong nước bán tại chợ và siêu thị.

“Thông thường những mặt hàng này nhập về có giá rất rẻ nên nhiều cửa hàng, quán ăn, nhà hàng ưa chuộng. Mỗi lần khách lấy ít nhất là 15 kg. Nếu khách mua với số lượng lớn thì có thể thỏa thuận thêm để bớt giá”, chủ cửa hàng này nói và cho biết thêm, trong số các loại phụ phẩm thì nầm heo có giá cao nhất lên tới 130.000 đồng một kg, nhưng nếu mua với số lượng lớn có thể giảm 10.000 - 15.000 đồng mỗi kg.

Cũng bán thịt heo nhập khẩu với số lượng lớn, nhân viên cửa hàng thực phẩm ở Gò Vấp (TP HCM) cho biết, sản phẩm nhập khẩu tại cửa hàng bán khá chạy. Đặc biệt là dựng heo và sườn sụn, đa phần được các quán ăn mua về chế biến bán cho khách. Hiện các phụ phẩm của heo như tim, gan, cật có giá rẻ nhất, chỉ 30.000 - 40.000 đồng một kg. Hầu hết các sản phẩm được nhập từ Australia, Mỹ, Brazil.

“Mỗi ngày tôi bán cả tạ, hàng có kiểm định chất lượng nên khách yên tâm. Không những vậy, giá sản phẩm cạnh tranh hơn hàng trong nước nhiều nên các quán ăn bình dân rất chuộng”, chủ cửa hàng này chia sẻ.

Theo Gia đình & Xã hội, các cửa hàng online bán thịt lợn nhập đều cho biết tất cả thịt nhập khẩu về tính chất không có gì khác. Chỉ khác ở chỗ thịt giết mổ tại Việt Nam là thịt tươi còn hàng nhập khẩu là đông lạnh, tuy nhiên hàng nhập khẩu đảm bảo an toàn hơn. Trong khi hiện nay những thông tin về thịt lợn trong nước sử dụng nhiều chất kích thích, bơm nước… khó kiểm soát được chất lượng, vẫn lan truyền gây bất lợi cho thịt tươi.

Ông Hồ Sỹ Hoàn, quản lý vùng miền Trung của công ty thức ăn chăn nuôi A.N.T Việt Nam băn khoăn: “Giá thịt lợn nhập về đến thị trường Việt Nam nằm ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg khiến chúng tôi rất khó hiểu bởi tính chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản, chi phí chăn nuôi… rất khó có được giá này. Nhìn vào là thấy ngay sự cạnh tranh giữa thị trường trong nước với ngoài nước rất bất lợi. Khó khăn này lại thuộc về người chăn nuôi trong nước. Cơ quan chức năng nên có cơ chế để cứu người chăn nuôi thoát khỏi hoàn cảnh này”.

Trong khi các cửa hàng bán thịt nhập khẩu với giá rẻ thì trong nước mặc dù giá thịt lợn hơi đã xuống đáy trong vòng 10 năm nay, chỉ còn 25.000- 27.000 đồng/kg, nhưng tại các siêu thị, sạp thịt tại chợ, giá vẫn cao gấp đôi hàng nhập khẩu.

Cũng chia sẻ trên Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Đông Nam Bộ cho rằng, thịt lợn nhập khẩu đang tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với hàng trong nước. Lợn nhập nguyên con thì không thể cạnh tranh được với hàng trong nước vì ngoài chuyện chịu thuế cao hơn thì giá thành chăn nuôi tại các nước cũng không thấp hơn quá nhiều so với nước ta, trong khi chi phí vận chuyển, thuế, phí… lại nhiều, đây là điều bất hợp lý cần các cơ quan chức năng liên quan giải thích.

Hiệp hội cũng đang tìm hiểu xem tại sao nhiều bộ phận của lợn được xem như phụ phẩm bán tại nước bản địa cũng có giá ngang bằng, thậm chí cao gấp đôi tại Việt Nam, nhưng khi nhập về Việt Nam lại bán rẻ như vậy. Ông Ngọc cho rằng, vấn đề giám sát hàng nhập khẩu tại nước ta chưa tốt, chưa có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.

PV (t/h)

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 20 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.