SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Gia Bình – Bắc Ninh: Bà lão nông và bi kịch 26 năm bị HTX “cắt” ruộng

07:18, 20/07/2018
(SHTT) - Bị Hợp tác xã (HTX) “cắt” 60% diện tích ruộng do nợ sản, đã nghèo lại càng thêm kiệt quệ. 26 năm qua, bà Đinh Thị Thư vẫn mỏi mòn chờ được cấp lại ruộng trong muôn vàn khổ cực.

Bi kịch 26 năm bị cắt ruộng

Dưới mái nhà cấp 4 lụp xụp được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, bà Đinh Thị Thư sinh năm 1942 (trú tại thôn Ngăm Lương, xã Lã Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) ngậm ngùi, mắt bà như nhoè đi khi nhớ về những tháng ngày cơ cực của thời kỳ bao cấp.

P1120184

Căn nhà cấp 4 lụp sụp của bà Thư được xây dựng từ những năm 1970 

Bà kể, năm 1965 kết hôn với ông Nguyễn Đăng Thế, sinh năm 1941 (mất năm 2013, người thôn Ngăm Lương, xã Lã Ngâm). Hai ông bà sinh được 7 người con, người cao tuổi nhất là Nguyễn Đăng Phương sinh năm 1967, người con trẻ tuổi nhất là Nguyễn Thị Thuần sinh năm 1981.

P1120188

Trong căn nhà cũ dột, bà Thư sống với nỗi đau, khổ vì bị cắt ruộng. 26 năm qua bà là “người nông dân không ruộng” của làng Ngăm Lương, xã Lã Ngâm, huyện Gia Bình 

Khoảng năm 1987, thực hiện chủ trương cấp trên, HTX Ngăm Lương tiến hành chia lại ruộng của HTX cho các hộ theo định suất: lao động chính được chia 22 thước, lao động phụ được chia 11 thước. Thời điểm đó, nhà bà Thư có 9 người, có 7 lao động chính và 2 lao động phụ.

Bà Thư cho biết thêm: “Nhà nhiều khẩu nhưng vì đông con, các cháu lại hay đau ốm nên hộ nhà tôi đã phải nợ sản HTX. Sản ngày đó được tính bằng thịt lợn. Tuy nhiên, tôi cũng không hiểu vì sao nhà tôi lại nợ nhiều đến thế. HTX chỉ thông báo số nợ. Tới năm 1992, khi HTX chia lại ruộng, vì nợ sản nhiều nên hộ gia đình tôi bị giữ lại 60% diện tích ruộng. Lúc đó tôi có kêu với ông Phạm Ích Hòa – Chủ tịch xã Lã Ngâm: Cắt ruộng như thế này chúng tôi lấy gì mà sống. Ông Hòa động viên: Bà yên tâm, 5 năm sau HTX sẽ trả lại cho bà”, bà Thư nhấn mạnh.

Kể từ ngày bị cắt ruộng, cuộc sống gia đình bà Thư khổ càng thêm khổ, đã nghèo lại nghèo thêm, cùng cực tới kiệt quệ. Hai vợ chồng phải đi mua mương, mượn đất để vỡ hoang, làm thuê các kiểu để kiếm sống. “HTX chưa bao giờ cho gia đình tôi tham gia họp. Nhưng các khoản đóng góp họ vẫn thu bình thường. Chúng tôi không bao giờ được biết về số nợ sản của mình, cũng như liệu có cán bộ HTX nào nợ sản mà không bị thu đất không”, bà Thư cho biết thêm.

Đến nay đã 26 năm trôi qua kể từ ngày bị cắt ruộng. Năm nào bà Thư cũng đề nghị ban lãnh đạo thôn cấp lại ruộng cho gia đình bà nhưng tất cả vẫn là câu trả lời lạnh ngắt của người có vụ “chờ chỉ đạo của cấp trên”. Trong khi đó, trường hợp giống như gia đình bà ở các làng khác đã trả lại ruộng cho dân.

Nguyện vọng xin được cấp lại ruộng

Nhằm xác minh sự việc trên, chúng tôi đã gặp ông Phạm Ích Hòa – nguyên là lãnh đạo ủy ban xã Ngăm Lương thời kỳ những năm 1985 - 1994. Ông Hòa cho biết: “Những năm 1967, ở đây có HTX Nông nghiệp Hồng Phong Ngăm Lương nổi tiếng của tỉnh Hà Bắc. Theo chủ trương của tỉnh, năm 1984 - 1985, HTX chia lại ruộng đất cho người dân theo nguyên tắc hộ phải hoàn thành sản phẩm với nhà nước, địa phương thì mới được giao 100% diện tích ruộng, nếu không sẽ bị cắt ruộng tương đương với số tiền nợ. Thời điểm 1987 - 1988, HTX chia ruộng theo định suất. Nhà bà Thư bị giữ lại ruộng trước khi chia, do nợ sản nhiều năm”.

Ông Hòa cho biết thêm: “Thời gian đó, thôn có khoảng hơn 10 hộ bị thu ruộng ở những mức độ khác nhau. HTX vẫn động viên các hộ trả nợ sản để nhận lại ruộng, nhưng nhà bà Thư không đáp ứng được. Số ruộng bị thu được gom vào quỹ đất, 5% do xã quản lý, khoảng 20 mẫu. Hiện nay vẫn còn một số hộ có ruộng bị cắt”. Khi được hỏi về việc có hay không một số cán bộ HTX nợ sản mà không bị cắt ruộng, ông Hòa không nắm rõ, vì thời gian cũng đã lâu mà qua nhiều đời cán bộ, hồ sơ nợ cũng không chắc bảo toàn được số liệu.

37338440_1872529769474864_8464859513638354944_n

Ông Phạm Ích Hòa – Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã Lã Ngâm thời kỳ bà Thư bị thu ruộng 

Tìm hiểu rõ hơn về chủ trương trả lại ruộng cho dân, phóng viên đã tìm gặp ông Phạm Ích Thạc – Bí thư chi bộ thôn Ngăm Lương, được biết: Hiện nay tỉnh đang tiến hành đổi cấp bìa đỏ cho dân, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất ruộng. Theo hướng dẫn của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, tháng 6/2018, thôn đã tiến hành họp liên ngành quân – dân – chính – đảng về phương án trả lại ruộng cho những khẩu bị cắt ruộng.

“Tuy nhiên, buổi họp chưa thể đi tới thống nhất vì quan điểm khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng, nên “xóa nợ” cho những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự, vì việc cắt ruộng trong từng ấy năm đã là một sự “trừng phạt” với họ rồi. Bây giờ nhiều ô ruộng để hoang, nhiều người cần mà không có ruộng. Tôi cho rằng cần tính tới giải pháp nhân văn đối với họ. Một số ý kiến yêu cầu cần trả nợ sản ở mức độ nào đó, để đảm bảo công bằng, chứ không thể xóa nợ hết. Quan điểm của Chi bộ là tạo điều kiện cho dân nhận lại ruộng. Chúng tôi đã báo cáo các vướng mắc với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân về vấn đề này, và chờ chỉ thị của cấp trên. Đây là vấn đề mang tính chính sách, cần có chỉ đạo của huyện. Tuy nhiên, tôi cho rằng lãnh đạo xã có thể giao quyền sử dụng ruộng cho họ, trong khi chờ quyết định có trả lại ruộng hay không”, ông Thạc chia sẻ thêm.

Những vấn đề chính sách và lời nhắn gửi

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, chúng tôi nhận thấy nhiều lần ông Hòa, ông Thạc trùng giọng xuống để suy ngẫm về vấn đề quản lý ruộng của HTX. Chúng tôi hiểu rằng, tình làng, nghĩa xóm thân cận đã khiến các ông trăn trở với dân mình. Ông Thạc băn khoăn: mô hình chia nhỏ ruộng đang ngáng trở việc dồn điền đổi thửa. HTX đã được kiện toàn theo luật HTX mới nhưng vẫn theo mô hình hoạt động cũ. Các cấp nên xem xét khả năng sử dụng quỹ ruộng 5% để chia lại cho dân đã bị cắt, rồi dồn điền, đổi thửa một cách hợp lý. Có như vậy việc sử dụng đất mới hiệu quả, tránh tiêu cực. Còn ông Hòa tin rằng, việc bị cắt ruộng trong từng ấy năm đã là một sự “trừng phạt” với người dân, rất mong lãnh đạo huyện Gia Bình, xã Lã Ngâm có hướng dẫn cụ thể để có thể trao lại ruộng cho người dân, đó là giải pháp nhân văn nhất.

Hiện nay, ở làng Ngăm Lương còn hơn 10 hộ nợ sản HTX với những mức nợ khác nhau, cũng đồng nghĩa với hơn 10 hộ có ruộng bị cắt. Sự việc của bà Thư nêu trên chỉ là một điển hình, bởi lẽ, bà đã trải qua những khổ cực, thậm chí còn là nỗi nhục bị thu ruộng, bị tước các quyền xã viên trong cuộc sống HTX của những năm 90 của thế kỷ 20. Những nguyện vọng của bà Thư được trình bày trong đơn, xin gửi tới lãnh đạo đảng, chính quyền và cơ quan đoàn thể tỉnh Bắc Ninh, huyện Gia Bình, xã Lã Ngâm quan tâm, giải quyết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về sự việc.

Bài và ảnh: Phạm Tài

         

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 1 ngày trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.