SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Được ví như bão Linda lịch sử, bão Tembin mạnh thế nào khi đổ bộ nước ta?

17:15, 24/12/2017
(SHTT) - Bão số 16 Tembin đang tiếp tục mạnh lên. Theo dự đoán, bão có thể mạnh cấp 13 khi vào đảo Trường Sa lớn với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Bão Linda: Cơn bão thảm khốc nhất trong lịch sử Việt Nam

Ngày 1/11/1997, một vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam biển Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam. Trưa cùng ngày, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão - cơn bão thứ năm ở biển Đông, có tên quốc tế là Linda.

Đến sáng 2/11/1997, bão đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió tối đa 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Tối và đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Sau thời gian càn quét đất liền, bão Linda đến sáng 3/11/1997, bão hướng về vịnh Thái Lan, gây mưa lớn, lũ quét ở Thái Lan làm hơn 100 người thiệt mạng. Bão cũng ảnh hưởng đến Myanmar, Indonesia, Malaysia và Campuchia.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Linda diễn biến nhanh không ngờ. Áp thấp nhiệt đới chỉ trong 12 giờ đã mạnh lên thành bão.

Các chuyên gia khí tượng đánh giá đây là cơn bão khốc liệt nhất trong vòng ít nhất 100 năm ở Nam Bộ. 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, các thiệt hại do bão Linda gây ra với 21 tỉnh thành Nam Bộ là “hết sức nặng nề, nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, nhà ở, cơ sở vật chất và mùa màng”.

Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tính, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. Số nhà bị sập là 107.890, hơn 120.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha diện tích lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.

bao-so-16-khong-de-nguoi-dan-chu-quan-nhu-bao-linda-20-nam-truoc

Tàu, thuyền được gọi vào bờ để trú bão. Ảnh: Vietnamnet

Đường đi của bão Tembin

cc

 Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương. Ảnh: Zing

Sáng 24/12, tại hội nghị ứng phó với bão Tembin do Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết khoảng 22h ngày 23/12, bão Tembin đi vào khu vực Biển Đông. Bão đang mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15 và có xu thế mạnh thêm.

Mô hình dự báo bão của cơ quan khí tượng Hong Kong cho thấy bão Tembin tăng cấp 13 khi vào đảo Trường Sa lớn, cấp độ bão giảm không nhanh. “So với dự báo ngày 23/12, bão đang lệch hơn về phía nam, các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau vẫn đang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão”, ông Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Vietnamnet, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, với tốc độ di chuyển nhanh và tình hình thời tiết hiện nay, bão Tembin sẽ đổ bộ vào đất liền của tỉnh là gần như khó tránh khỏi. Đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm với sức gió mạnh cấp 12 và giật cấp 14-15. Được dự báo ở cấp thảm họa nên người dân không được lơ là.

“Chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ những thiệt hại của cơn bão số 5 năm 1997 và mới đây nhất là cơn bão số 12 ở miền Trung. Vì thế công việc quan trọng nhất là tuyên truyền đến người dân, không để người dân chủ quan”, người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau nói.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến thời điểm này, địa phương có 8.114/17.401 nhà đã triển khai chằng chống. Có 87.964 người thuộc diện phải di dời sơ tán.

Đối với tàu đang khai thác trên biển, đến 6h sáng nay, còn 595 phương tiện đang hoạt động trên biển, với 178 tàu đang hoạt động xa bờ. Ngành chức năng đã xuống tận nhà dân để liên lạc với tàu.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau nhận định, qua kiểm tra công tác tuyên truyền, đã triển khai thường xuyên nhưng tâm lý người dân vẫn còn khá chủ quan, nhất là hộ nghèo.

Lãnh đạo các huyện phải chỉ đạo người xuống giúp họ chằng chống nhà cửa, nhưng họ còn không đồng thuận. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, sẽ hỗ trợ toàn bộ hộ nghèo trong tỉnh trong việc mua dây chằng chống nhà cửa.

Đối phó với bão Tembin: Nhiều địa phương lên phương án cho học sinh nghỉ học

Theo VnExpress, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai thông tin, đến 6h00 ngày 24/12, các địa phương đã thông báo, hướng dẫn cho hơn 60.000 tàu thuyền về diễn biến, hướng di chuyển của bão để phòng tránh. Đến 16h ngày 23/12 tất cả tỉnh thành ven biển khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang) đã ban hành lệnh cấm biển. 

Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM , Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là trên 2710.000 người, trên cấp 9 là hơn 470.000 người.

Bến Tre dự kiến cho học sinh nghỉ học từ ngày 25 đến 26/12; tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở Giáo dục có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học.

Diễn biến của bão Tembin

Duong di

Đường đi và vị trí của bão Tembin 

Theo Trung tâm dự báo khí tương thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), như vậy chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 10 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 105,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 22 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 220km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 36 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 104,0 độ Kinh Đông.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Đến 10 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Cà Mau và Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 5-7 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông và Vịnh Thái Lan trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và suy yếu thêm.

Cảnh báo mưa lớn: Trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

PV (t/h)

Tin khác

Tin tức 56 phút trước
(SHTT) - Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF 2024) với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”.
Tin tức 58 phút trước
(SHTT) - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Đó là ý kiến được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" diễn ra hôm 22/4 vừa qua.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 22/4, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) đã trao 100 suất học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng cho các em học sinh trường THPT Cẩm Thủy 1, THPT Cẩm Thủy 2, tỉnh Thanh Hóa.