SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Dự án Minh Khai Plaza: Người dân khốn khổ vì tiếng ồn do thi công

06:33, 28/07/2017
Từ khi dự án Minh Khai Plaza đào đất, thi công tầng hầm hàng loạt nhà dân tại phố 8/3 (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bị lún nứt. Bên cạnh đó, việc công trình thi công 24/24 khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn đặc biệt là người già và trẻ em.

 Sau khi bài viết “Dự án Minh Khai Plaza xé nhà dân, chủ đầu tư thờ ơ?” được đăng tải trên PhapluatNet ngày 20-7, phản ánh về việc nhiều hộ dân sống tại ngõ 23, phố 8/3 bị lún nền, nứt đường, vỡ đường ống nước do công trình thuộc dự án Minh Khai Plaza hoạt động cả ngày lần đêm, tòa soạn PhapluatNet đã nhận được thêm nhiều ý kiến phản hổi của người dân.

Là người sống lâu năm tại ngõ 23 phố 8/3, ông Phạm Doãn Lâm (số 22/23, phố 8/3) cho biết: “Tôi không thắc mắc công trình xây dựng có phép hay không phép. Từ khi triển khai dự án không thấy công bố cho chúng tôi biết về kế hoạch triển khai dự án. Khi thực hiện dự án, máy móc thi công ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi cả ngày lẫn đêm. Đến bây giờ đã thi công đến tầng hầm thứ 3 thì mức độ ảnh hưởng về tiếng ồn đã giảm nhưng lại xuất hiện tường nứt. Mỗi lúc trời mưa nước chảy hết vào nhà, vợ tôi bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn nên đi viện 4 lần. Đề nghị phải bồi thường về sức khỏe và tinh thần cho chúng tôi”.

vet nut

Vết nứt lớn bên trong nhà người dân tại ngõ 23 phố 8/3. Ảnh: Phapluatnet. 

Đồng thời, ông Nguyễn Hữu Dũng (số 12/23, phố 8/3) chia sẻ: “Tài sản lớn nhất của chúng tôi là ngôi nhà, việc xây dựng dự án làm lún nứt nhà chúng tôi. Do vậy, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chúng tôi. Ngoài ra, chủ đầu tư cần hỗ trợ thêm cho chúng tôi về ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần”.

Không chỉ riêng người dân sống tại ngõ 23 phố 8/3 bị ảnh hưởng, theo phản ánh người dân sống tại tổ dân phố 9D, phường Minh Khai thời gian qua họ cũng phải sống môi trường bị ô nhiễm.

Cụ thể, bà Đinh Thị Phòng (tổ dân phố 9D) bức xúc: “Ban đêm, công nhân làm việc không có ý thức vứt gỗ, thép ầm ầm. Sắp tới thi công phần nổi công trình đề nghị phải che chắn để đảm bảo an toàn, không để bụi bay sang nhà chúng tôi và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy”.

Bà Vũ Thị Bình (tổ dân phố 9D) cho hay: “Trước nhà tôi có tường gạch cao hơn 3 mét đã bị nứt, đề nghị phá bỏ, hạ thấp để đảm bảo an toàn cho chúng tôi, có thời gian thi công hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho người dân, hiện tại công trình đang thi công 24/24h”.

Minh Khai Plaza 1

Cẩu tháp hoạt động 24/24, áp sát nhà dân và các công trình lân cận. Ảnh: Phapluatnet.  

Để có thông tin khách quan và đa chiều, ngày 25-7, PV PhapluatNet đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Hồ Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai. Tại buổi làm việc, ông Hồ Việt Hùng cho biết: “UBND phường Minh Khai đã nhận được phản ánh của người dân về việc các hộ dân đang sinh sống xung quanh dự án khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 phường phố Minh Khai bị ảnh hưởng lún nứt. Do vậy, ngày 22/6/2017, UBND phường tổ chức cuộc họp giữa đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng với nhà thầu thi công, đơn vị bảo hiểm và các cơ quan chức năng”.    “Sau cuộc họp đã kết luận rõ: Thứ nhất, đơn vị thi công phải có phương án đền bù hỗ trợ cho các hộ dân vì đã có bảo hiểm rồi. Thứ 2, các hộ dân thuê một ông kĩ sư vào xem tình trạng nhà mình sửa chữa như thế nào. Sau đó, 2 bên ngồi lại xem có đồng thuận không vì trong luật vẫn quy định 2 bên phải đồng thuận. Trong trường hợp 2 bên không đồng thuận được thì bên chủ đầu tư và hộ dân thống nhất mời đơn vị thứ 3. Mời đơn vị thứ 3 vào nếu tiếp tục không thống nhất được thì phường mời đơn vị nữa vào. Trên cơ sở kết luận  đó đưa ra 1 giá chung, cho vào ngân hàng. Sau đó, người dân không đồng ý có quyền kiện ra tòa, đó là việc của các hộ dân” – ông Hồ Việt Hùng cho biết.

Theo Thông tư 02/2014/TT-BXD ngày 12-2-2014 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở

Điều 3. Về xử lý công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 13; Khoản 2, Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật); có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 13; Khoản 2, Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục như sau:

a) Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc bên bị thiệt hại vắng mặt tại buổi thỏa thuận lần đầu mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai. Tại buổi thỏa thuận lần hai mà bên bị thiệt hại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên vi phạm được tiếp tục thi công xây dựng sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của bên bị thiệt hại, có xem xét đến đề nghị, giải trình của bên vi phạm;

b) Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 07 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả;

c) Trong thời hạn 07 ngày mà một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khácvà tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và kết quả giám định lần 2;

d) Sau 30 ngày mà tổ chức giám định không cung cấp kết quả giám định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sử dụng kết quả giám định ban đầu làm cơ sở xác định bồi thường thiệt hại. Bên gây thiệt hại có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và chuyển đầy đủ số tiền bồi thường theo kết quả giám định vào tài khoản đó. Sau khi bên gây thiệt hại đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cho phép tiếp tục thi công xây dựng công trình.

2. Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

3. Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định tại các Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.

Theo Phapluatnet

Tin khác

Pháp luật 19 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 19 giờ trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.