SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Đề xuất viết ‘giáo dục’ thành ‘záo zụk’: Hãy dừng ngay việc ném đá một nghiên cứu có lợi cho con người

09:00, 29/11/2017
(SHTT) - “Bất kỳ một nghiên cứu nào giải phóng sức lao động cho con người, có lợi nhất cho con người, nghiên cứu ấy đều tốt và được đánh giá cao”, PGS. Trần Xuân Nhĩ nhận định.
de-xuat-cai-tien
Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Đề xuất của PGS. TS. Bùi Hiền liệu có đủ thuyết phục để thay đổi?

Mặc dù gặp nhiều sự phản đối dữ dội từ dư luận về đề xuất cải cách tiếng Việt mấy ngày qua, nhưng PGS. TS. Bùi Hiền vẫn giữ quan điểm của mình: “Tôi sẽ làm tới cùng”.

Theo vị nguyên Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và phương pháp dạy-học phổ thông, những ưu điểm của tiếng Việt sau cải cách sẽ giúp tiếng Việt dễ nhớ, tiết kiệm chi phí khi đánh máy và giấy mực, giảm ký tự…rất thuận lợi cho người sử dụng.

PV đã có cuộc trò chuyện với PGS. Trần Xuân Nhĩ để thông tin thêm đa chiều, khách quan nhất về nghiên cứu này của TS Bùi Hiền.

Tran-Xuan-Nhi-73bdc
PGS. Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm trước đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS. TS. Bùi Hiền.

Thưa ông, trước đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt của PGS. TS. Bùi Hiền, ông có nhận định như thế nào?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: PGS. TS. Bùi Hiền là một nhà ngôn ngữ. Ông đã dày công nghiên cứu ngôn ngữ mấy chục năm qua. Trước hết, tôi không phản đối ý tưởng nghiên cứu của ông. một nghiên cứu làm thế nào cho chữ viết tiết kiệm giấy mực, tốc độ ghi chép được nhanh hơn, đây là một đề xuất rất có ý nghĩa. Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của thầy Hiền. 

Tôi không đồng tình với cách phản ứng của cư dân mạng những ngày qua.

Bất kỳ một nghiên cứu nào giải phóng được sức lao động cho con người, có lợi nhất cho con người, nghiên cứu ấy đều tốt và được đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo tôi, phát kiến mới là như vậy, nhưng khi đưa ra quyết định áp dụng hay không, có lẽ chúng ta phải tính toán lại. Đây sẽ là một cuộc đại cách mạng làm thay đổi toàn bộ hệ thống tài liệu ở Việt Nam.

Khi một người nghiên cứu một đề án, người ta luôn mong muốn xã hội chấp nhận nghiên cứu của họ. Vậy chúng ta hãy đặt giả thuyết là nghiên cứu cải cách chữ Quốc ngữ của PGS. TS. Bùi Hiền được người dân chấp nhận. Khi ấy, chắc hẳn sẽ thấy những thiệt hại vô cùng to lớn.

Đề xuất này được thực hiện, đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống sách vở tài liệu bao đời lưu giữ bây giờ sẽ trở nên vô nghĩa. Chưa nói gì đến kỹ thuật của ngôn ngữ vị này đưa ra như thế nào nhưng trước mắt chúng ta không vẽ hết được những thiệt hại nó mang lại.

Sẽ còn phải nghiên cứu rất nhiều nếu đề xuất này được duyệt, người ta phải xem xét một cách toàn diện, đánh giá trước khi đưa vào áp dụng, hệ quả của nó sẽ ra sao, thiệt hại như thế nào?!

Hệ thống sách giáo khoa, hệ thống con dấu, cardvisit… cho đến hệ thống từ điển, giấy tờ cũng phải thay đổi theo. Sự thay đổi ấy không hề đơn giản.

Cách đây mấy chục năm chúng ta đã tiến hành cải cách nét chữ trong ngôn ngữ tiếng Việt. Viết chữ phải có nét thanh, nét đậm rất đẹp. Tuy nhiên, thời đại vi tính hóa khiến chữ viết không còn phân biệt được nét thanh, nét đậm nữa. Vì thế, tính đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn không chấp nhận được cách viết có nét thanh, nét đậm như đề xuất đưa ra trước đó.

Trong đề án của mình, PGS. TS. Bùi Hiền đánh giá cái lợi mà con người hiện tại nhận được nếu áp dụng cải tiến tiếng Việt. Tuy nhiên, truyền thống Việt Nam hàng trăm năm nay, cần cân nhắc giữa cái lợi và cái hại, chúng ta được gì và mất gì?

Với đề án cải tiến chữ tiếng Việt của thầy Bùi Hiền, có thể gọi bằng một câu chuẩn nhất đó là lợi bất cập hại. Cái hại chúng ta gánh chịu sẽ nhiều hơn cái lợi. Vì thế chúng ta chưa nên áp dụng ở thời điểm hiện tại.

Là một nhà nghiên cứu nhiều năm về ngôn ngữ, PGS. TS. Bùi Hiền đã nhận ra những bất cập nhất định. Tuy nhiên, đề xuất cải cách chữ tiếng Việt của TS vẫn không khả thi. Vậy theo ông, chữ Quốc ngữ hiện nay của chúng ta phải chăng đã thực sự hoàn hảo? Nó đã chuẩn, chỉnh và có cần thay đổi điều gì nữa hay không?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Về căn bản tôi nhận định chữ Quốc ngữ đã khá hoàn thiện. Chỉ còn một số điểm khuyết giữa chữ c-k; q-qu; nhưng sau đó người ta quen dần với điều này. Ví dụ người viết có thể viết Đắc Lắc hoặc có thể viết Đăk Lăk tất cả đều thành thói quen.

Chỉ vì một vài điểm khuyết như thế này cũng chưa nên thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết.

Vì vậy, thầy Hiền nên nghiên cứu thêm cho thật hoàn chỉnh và phải tính toán chuyện thay đổi và cân nhắc rất kỹ những điều được và mất.

Người Việt tự khẳng định: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, những người nước ngoài họ học tiếng Việt cũng rất khó khăn. Phát kiến của PGS. TS. Bùi Hiền ra đời, tại sao chúng ta không cân nhắc và xem xét, và có cái nhìn cởi mở hơn, thưa ông?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Tiếng Việt khó - đúng, tôi đồng tình với nhận định đó. Nhưng đề xuất của PGS. TS. Bùi Hiền không giải quyết được cái khó của tiếng Việt cho người học.

Người nước ngoài học tiếng Việt gặp khó khăn trong việc phát âm. Ví dụ chữ Ba, nếu họ không đọc khéo sẽ thành sữ Bà, Bá, Bả; Bạ…

Trong đề xuất của PGS. Bùi Hiền không giải quyết gì đến cái khó trong phát âm của tiếng Việt. Đề xuất của ông chỉ thay thế về chữ viết mà thôi. Vì vậy, dù ông có đưa ra chữ viết như thế nào đi chăng nữa cũng không giải quyết được cái khó cho người nước ngoài.

Hơn thế nữa, tiếng Việt có nét đặc sắc riêng của người Việt Nam, chữ Quốc ngữ có nét đặc trưng ở dấu. Bất kỳ đất nước nào cũng phải tôn trọng ngôn ngữ quốc gia đó. Chính điều ấy, tính khả thi của đề án này càng trở nên mong manh.

Tôi không phản đối việc đưa ra phát kiến giúp ngôn ngữ trở nên ngắn gọn, dễ hiểu. Điều ấy rất tốt cho cộng đồng sử dụng. Nhưng với tình hình như thế này không dễ dàng thay thế được chữ Quốc ngữ đâu.

Cù Hiền

 

'Tiếng Việt' thành 'Tiếq Việt': 'Những người tử tế không ai quan tâm đến sự tồn tại của các loại ngôn ngữ 'lóng'

Theo PGS. TS. Trần Lâm Biền (chuyên gia Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT-DL) cho rằng, khi nào đa số người dân thấy chữ quốc ngữ là đúng, khi ấy chúng ta vẫn phải tôn trọng.

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.