SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Đại sứ Việt Nam Dương Chí Dũng trúng cử Chủ tịch Đại hội đồng WIPO

14:05, 03/10/2017
(SHTT) - Tại Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO lần thứ 49 vừa được diễn ra, đại sứ Việt Nam Dương Chí Dũng đã được đại diện 191 quốc gia thành viên nhất trí bầu vào vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018 - 2019.

Vào ngày 2/10 vừa qua, Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc kỳ họp lần thứ 49 tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 191 quốc gia thành viên WIPO. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO lần này do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Phạm Công Tạc dẫn đầu.

Tại phiên họp, đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã được bầu làm chủ tịch Đại hội đồng tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019. Với tư cách chủ tịch, ông Dũng sẽ trực tiếp điều hành phiên họp Đại hội đồng WIPO.

dai su viet nam duong chi dung trung cu chu tich dai hoi dong wipo

 Đại sứ Việt Nam Dương Chí Dũng trúng cử Chủ tịch Đại hội đồng WIPO

Được biết, ông Dương Chí Dũng là ứng cử viên đại diện cho các quốc gia thuộc Nhóm châu Á - Thái Bình Dương, khu vực từ hơn 12 năm nay chưa có đại diện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Đại Hội đồng WIPO. 

Như vậy việc đại diện Việt Nam trúng cử Chủ tịch WIPO đã cho thấy sự ủng hộ tuyệt đối của 191 quốc gia thành viên đối với Việt Nam, một đất nước đang tích cực phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng với vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế. Đây cũng là kết quả của quá trình hoạt động, đóng góp tích cực của Phái đoàn Việt tại Geneva và cá nhân đại sứ vào các công việc chung của WIPO thời gian qua. Trước khi trở thành Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva Việt Nam, Đại sứ Dương Chí Dũng từng đảm nhiệm các vị trí: Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, kiêm nghiệm Cộng hòa Bồ Đào Nha, Công quốc Mô-na-cô, Công quốc An-đô-ra, Cộng hòa Trung Phi.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết việc đại sứ Dương Chí Dũng trúng cử vị trí chủ tịch Đại hội đồng WIPO đã "ghi nhận dấu mốc quan trọng trong hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam".

Phát biểu sau khi trúng cử vị trí chủ tịch Đại hội đồng WIPO, đại sứ Dương Chí Dũng chia sẻ: "Việt Nam ứng cử và được đảm nhận cương vị Chủ tịch Đại hội đồng WIPO là tiếp tục thực hiện một cách tích cực và chủ động chủ trương tăng cường và thúc đẩy chính sách đối ngoại đa phương của quốc gia.

dai su viet nam duong chi dung trung cu chu tich dai hoi dong wipo a

 Chân dung đại sứ Dương Chí Dũng, Chủ tịch Đại hội đồng WIPO

Từ đây, Việt Nam không chỉ là “thành viên tham gia có trách nhiệm” mà còn là thành viên chủ động có những  đóng góp tích cực và thiết thực vào các hoạt động cụ thể cũng như trong xây dựng chính sách, các quy định và luật chơi tại các tổ chức và diễn đàn đa phương", ông Dũng nói.

Việc trúng cử Chủ tịch Đại hội đồng WIPO còn tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác vốn đã rất tốt đẹp với WIPO và các đối tác quốc tế khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, qua đó có thể học hỏi kinh nghiệm cũng như tận dụng sự trợ giúp từ phía bạn để góp phần nâng cao năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, tạo động lực cho hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo.

Theo đánh giá, nhiệm kỳ 2018 - 2019 là thời gian có nhiều cơ hội cùng với không ít thách thức đối với WIPO và hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới. Trong 2 năm tới, WIPO cũng phải tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại như: đàm phán xây dựng các hiệp định quốc tế về bảo hộ nguồn gien, tri thức truyền thống và các hình thức biểu đạt văn hóa truyền thống; hiệp ước bảo hộ các tổ chức phát sóng...

Được biết, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 1967, có sứ mệnh "thúc đẩy hoạt động sáng tạo và tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội". WIPO hiện có 188 thành viên, quản lý 23 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, đặt trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sỹ.

WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Cho đến nay, WIPO đã dành cho Việt Nam nhiều sự trợ giúp quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Sự trợ giúp của WIPO góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 22 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.