SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Cơ hội phát triển nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam

09:07, 01/02/2018
(SHTT) - Bộ KH-CN và UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức hội thảo quốc tế về “Nông nghiệp thông minh - Cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được đem ra bàn thảo kỹ lưỡng ở vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước.

Quan niệm về nông nghiệp thông minh?

Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia Lê Quý Kha (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho rằng, nông nghiệp thông minh đã giúp một số nước tiên tiến sản xuất đủ hoặc dư thừa một số nông sản.

Ví dụ hiện nay tại Israel, tỷ lệ dân nông nghiệp chỉ chiếm 2,5% tổng dân số. Năm 1995, trung bình 1 nông dân của họ sản xuất chỉ nuôi 15 người. Nhưng đến 2014, mỗi nông dân của họ nuôi được 100 người và còn xuất khẩu được hơn 3 tỷ USD nông sản mỗi năm. Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân nông nghiệp trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưng họ không nhập gạo, thậm chí dư thừa thịt bò và một số rau quả. Hay tại Hàn Quốc, với 2,56 triệu dân nông nghiệp, chiếm 5% trong tổng số 51,6 triệu dân, họ cũng không phải nhập khẩu gạo.

nong-nghiep-dong-thap

Ảnh 1: Quang cảnh Hội thảo 

Theo khái niệm của Mạng lưới chuyên đề canh tác thông minh châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (big data), thiết bị bay không người lái (drone), người máy (robot)…, tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn. Đó là: Hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của trang trại; nông nghiệp chính xác, thông qua các hệ thống có thể quản lý độ biến động theo không gian và thời gian để cải thiện hiệu quả đầu tư và giảm thiểu tác hại của môi trường.

Cơ hội, thách thức phát triển nông nghiệp thông minh ở nước ta

Lâu nay, khi đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia đều cho rằng chúng ta phải có nền “Nông nghiệp thông minh 4.0” tương ứng. Đối với ĐBSCL - vùng sản xuất nông sản hàng hóa trọng điểm quốc gia, nhu cầu này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy thế, ở mức độ tiệm cận, một số doanh nghiệp, địa phương bắt đầu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất, đóng gói sản phẩm. Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng cũng phần nào đáp ứng được xu thế tự động hóa, giúp nông dân giải phóng sức lao động.

Ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất lúa, ngành nông nghiệp đã áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng, bón phân viên, phân nhả chậm thông minh (bón 1 lần đủ dinh dưỡng cả vụ cho cây trồng), hay các mô hình tưới tiết kiệm nước gắn các sensor điều khiển tự động, hay còn gọi là những mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm được công sức và thời gian.

Nong-nghiep-thong-minh2

 Giải pháp MimosaTEK ứng dụng ở vườn thành long tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Lan Anh

Nước ta đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp. Một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với thực tế hiện nay, Việt Nam chưa thể áp dụng mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ như khái niệm của các quốc gia tiên tiến, vì thế, việc trao đổi, phân tích, chỉ ra những cơ hội, thách thức, những điều cần lưu ý trong nâng cao năng lực tiếp cận đối với nông nghiệp thông minh; sự tương thích với năng lực và tình hình thực tế của các địa phương trong điều kiện hiện nay là hết sức cần thiết. Để phát triển nông nghiệp thông minh ở nước ta cần nâng cao trình độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ của nông dân; xây dựng mô hình hợp tác công tư hướng đến nông nghiệp thông minh; kết nối giữa công nghệ và doanh nghiệp... 

Theo các chuyên gia, trong khi hạ tầng cơ sở của chúng ta chưa đồng bộ theo khái niệm nông nghiệp 4.0 trên quy mô rộng lớn của cả nước, giá thành sản xuất nhiều mặt hàng cao hơn nhiều nước xung quanh, chúng ta nên đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ để làm chủ được các công nghệ, thiết bị nông nghiệp thông minh. Ngành nông nghiệp, khoa học - công nghệ và các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang đầu tư cho nông nghiệp thông minh và quan trọng nhất là Chính phủ cần có chính sách ưu tiên nguồn lực phát triển lĩnh vực này.

Giải pháp tưới chính xác trên ứng dụng MimosaTEK – Bước đi hàng đầu tới nông nghiệp thông minh

Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng Internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới. Con người không cần có mặt trực tiếp, thậm chí ở một số khâu robot sẽ thay thế con người, từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động.

nong-nghiep-thong-minh

Giải pháp tưới chính xác trên ứng dụng MimosaTEK 

Khác với nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại. Nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.

Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nông nghiệp 2.0 là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950. Nông nghiệp 3.0, từ những chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. Nông nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng số. 

Thông qua các công nghệ như Internet, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... con người sẽ chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Nông nghiệp 4.0 chính là tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano.... 

Tại Việt Nam đến thời điểm này, không khó để có thể bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố: như nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại.

Nếu như trước đây người nông dân quản lý nông trại chủ yếu bằng thủ công và kinh nghiệm tốn nhiều chi phí và rủi ro nhưng năng suất đem lại chưa tương xứng. thì nay, ứng dụng của MimosaTEK – doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ do anh Nguyễn Khắc Minh Trí sáng lập đã giúp người nông dân có thể hoàn tất công việc tưới vườn cây dù ở bất kỳ đâu với một thiết bị thông minh kết nối internet.

Đây là ứng dụng kết hợp giữa những nghiên cứu khoa học tiên tiến thế giới cộng với sự tìm hiểu, học hỏi những tập quán canh tác nông nghiệp cũng như đặc thù cây trồng hay địa lý, địa chất, phù hợp với điều kiện nông nghiệp, môi trường ở Việt Nam.

"Giải pháp tưới chính xác của MimosaTEK đã giúp chúng tôi tiết kiệm nước và điện năng đến 30%, tăng năng suất đến 25% trong suốt 2 mùa vụ cà chua", Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, Giám Đốc trang trại Dalat Organik cho biết.

Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay MimosaTEK đã ứng dụng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước từ Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên và một số tỉnh thành miền Bắc với ứng dụng trên 10 loại cây trồng.

Anh Nguyễn Khắc Minh Trí, người sáng lập MimosaTEK, Công ty Cung cấp giải pháp tưới chính xác chia sẻ: “Làm sao mình lượng hóa được tất cả các thông tin để người nông dân thay vì dựa vào kinh nghiệm sẽ dựa vào các thông tin, được chỉ dẫn bởi các thông tin để việc làm nông diễn ra chính xác. Trong hơn 2 năm, MimosaTEK chỉ đi tìm câu trả lời là vụ mùa ngày hôm nay cần bao nhiêu nước. Mình tin một điều là người Việt Nam rất giỏi lập trình và cơ hội là ngang nhau.” 

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ tưới chính xác của MimosaTEK đã giúp khách hàng tiết kiệm lượng nước tưới từ 30-50% so với hình thức canh tác truyền thống. Từ đó, giảm tiêu thụ năng lượng với tỉ lệ tương ứng trong việc vận hành hệ thống tưới, giải phóng toàn bộ công lao động vận hành hệ thống tưới thủ công.

Tuy nhiên, ứng dụng MimosaTEK chỉ là một phần trong quy trình canh tác chính xác giúp tiết kiệm chi phí. Bởi nông nghiệp 4.0 là một quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc.

Trong điều kiện công nghệ ngày càng rẻ, có khá nhiều DN, nông dân quan tâm đến lĩnh vực này. Nhưng hiện nay, Việt Nam chưa có một mô hình nông nghiệp 4.0 nào hoàn chỉnh.

Phạm Tài (t/h)

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Thông qua công tác đổi mới hoạt động thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của Thành phố đạt tỷ lệ lên tới 99,7%.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 23 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.