SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Cơ cấu lại Doanh nghiệp nhà nước: Nhanh và hiệu quả hơn

11:00, 01/07/2017
(SHTT) - Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nghị quyết về việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây được xem là sự thúc giục quá trình cơ cấu lại hoạt động của DNNN cần nhanh hơn, hiệu quả hơn

DNNN yếu kém, đổi mới chậm chạp

Trong suốt thời gian qua, khu vực DNNN được sự ưu đãi về mọi mặt, thể hiện qua việc các đơn vị chủ quản là bộ, ngành, chính quyền địa phương vẫn tạo ra những đặc quyền cho các DN của mình. Đó là ưu ái về nguồn vốn, tài nguyên, đất đai, tuyển dụng nhân lực… Do được đặc quyền, không phải cạnh tranh công bằng với các thành phần kinh tế khác, nên các DNNN ít có sự sáng tạo. Hiện nay, khu vực DNNN tạo ra 38% GDP, chiếm trên 60% tổng số tín dụng, phần lớn tài nguyên đất đai, khoáng sản của đất nước. Nếu các nguồn vốn và tài nguyên này được giao cho các khu vực khác có hiệu quả hơn sử dụng, thì sẽ có lợi hơn nhiều cho quốc gia.

doanh nghiep nha nuoc

 

Hiện DNNN chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn NN, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. DNNN bao gồm các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như ngân hàng, năng lượng, cơ khí, hóa chất..., tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đó là chưa nói đến nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia,… Cụ thể là 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu của Bộ Công thương. Các công ty này có tổng tài sản hơn 57.600 tỷ đồng, nhưng số nợ phải trả lên đến 55 ngàn tỷ đồng. Con số này đã nói lên tất cả sự yếu kém trong điều hành và quản lý các DNNN.

Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, sa vào đầm lầy thua lỗ, khối DNNN còn dính nhiều vụ bê bối do tham nhũng, trở thành những vụ án trọng điểm. Tiêu biểu là vụ án cố ý làm trái quy định của NN về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty in, thương mại, dịch vụ Agribank; vụ án đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại TCT xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin...

doanh nghiep nha nuoc a

 

Với khu vực DNNN, ngành thuế lo ngại những khoản lỗ nghìn tỷ đồng ở các dự án lớn có thể làm nguồn thu từ khu vực này suy giảm. Trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12.000- 14.000 tỷ đồng. Câu hỏi lớn đặt ra là vì sao những hạn chế, yếu kém của các DNNN đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay, tình hình vẫn chậm chuyển biến, có nơi còn trầm trọng hơn?

Năm 2016 đánh dấu nhiều bước chuyển tích cực trong thoái vốn DNNN, song tiến độ thoái vốn vẫn còn chậm. Năm 2016, các đơn vị đã thoái được 5.149 tỷ đồng, thu về 18.832 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.072 tỷ đồng, thu về 14.236 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tiến độ thoái vốn tại nhiều DNNN lớn vẫn còn chậm và kết quả bán vốn cũng chưa đạt như kỳ vọng. Năm 2017 vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục lộ trình thoái vốn một cách hiệu quả, tránh lợi ích nhóm làm thất thoát vốn NN.

 Cổ phần hóa (CPH) DNNN thời gian qua mới chỉ tập trung vào số lượng DN, còn số vốn NN thoái vẫn ít. Năm 2017, mục tiêu đặt ra là vốn NN tại DN phải giảm tỷ lệ tối đa. Ngoài Vinamilk, TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn N (SCIC) sẽ tiến hành bán cổ phần 9 DNNN khác, thoái vốn chậm nhất vào đầu năm 2017.

doanh nghiep nha nuoc b

 

Hầu hết DNNN sau khi CPH hoạt động có hiệu quả hơn với các chỉ tiêu về tài chính, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, vốn điều lệ đều tăng hơn: Lợi nhuận bình quân tăng 3,2 lần, nộp ngân sách tăng 2,5 lần, doanh thu tăng 1,9 lần, số lao động bình quân tăng 12%... Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế (TĐKT), TCT NN đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh và nhiều sản phẩm, dịch vụ công ích.

Mặc dù chủ trương thoái vốn NN được đưa ra rõ ràng và quyết liệt, song, số vốn NN được thoái ra thị trường vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân được chỉ ra là ngoài việc chuẩn bị CPH chưa tốt, thông tin không rõ ràng, còn do quản lý, lãnh đạo DN lo ngại ảnh hưởng lợi ích. Bởi vậy, cần thiết phải có chế tài mạnh hơn đối với các đơn vị hoặc cá nhân cố tình kìm hãm, làm chậm tiến độ CPH, thoái vốn DNNN.

Mục tiêu hướng đến

Tại Hội nghị TW 3 Khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định: Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các TĐ, TCT NN là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Năm 2012 được xác định là cột mốc thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ trên các lĩnh vực của nền kinh tế mà Chính phủ đã hoạch định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012. Theo Quyết định này, hai mục tiêu chính được xác định là DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tếNN. Theo đó, DNNN phải nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với DN hoạt động công ích. 

Cuối tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký văn bản 588/TTg - ĐMDN yêu cầu các Bộ, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viênTĐKT, TCT NN đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, CPH DN do mình quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của cả giai đoạn 2017-2020, bảo đảm hiệu quả và không để thất thoát vốn, tài sản của NN.

 Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN được xem là vấn đề lớn, khó và phức tạp, vì cần phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển DNNN và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 DN 100% vốn NN (năm 1993), đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 DN 100% vốn NN và đến thời điểm tháng 10/2016 chỉ còn 718 DN 100% vốn NN. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có 7 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế là 1.855 tỷ đồng.

doanh nghiep nha nuoc c

 

Thực trạng giai đoạn vừa qua, DNNN CPH rất nhiều nhưng tổng lượng vốn CPH còn rất ít, không tác động tới việc thay đổi quản trị, điều hành của DNNN. Lần này, ngoài việc xác định các lĩnh vực NN nắm 100% vốn, Chính phủ bỏ loại DN mà NN nắm 75% vốn, chỉ để lại các mức nắm giữ 65%, 50%. Còn NN mà nắm dưới 50%, thì có thể thoái hết vốn. Và, DNNN nào đã CPH,  thì dứt khoát phải niêm yết trên sàn chứng khoán, công bố thông tin. Nếu trốn tránh nghĩa vụ này,  thì sẽ bị công bố cho xã hội biết.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, cả nước sẽ có 240 DNNN cần sắp xếp, CPH. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2020, chỉ còn 103 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Chủ trương của Chính phủ chỉ nắm giữ 100% vốn tại các DN hoạt động trong một số ngành đặc thù liên quan đến quốc phòng an ninh, dịch vụ công ích, in đúc tiền, sản xuất vàng miếng. Có 4 DNNN tiến hành CPH và NN nắm giữ trên 65% vốn điều lệ. NN cũng quyết định thoái vốn và chỉ nắm 50-65% vốn điều lệ tại 27 DN trong 8 ngành, lĩnh vực. Trong đó, một số cái tên tiêu biểu như VNPT, Mobifone, TĐ Hóa chất, TCT Thuốc lá, TCT Điện lực miền Bắc, Trung, Nam hay Vinafood 1, Vinafood 2…Đặc biệt, 106 DN sẽ trong diện thoái vốn quy mô lớn, NN chỉ còn giữ tỷ lệ dưới 50%. 

Như vậy, để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu DNNN nhanh và hiệu quả hơn, yêu cầu đặt ra là dần xóa bỏ đặc quyền dành cho DNNN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các DNNN tự đứng trên đôi chân của mình, cũng như tự đào thải theo quy luật của kinh tế thị trường. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đồng bộ, thoái vốn NN một cách công khai, minh bạch. Theo đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, gắn CPH DNNN với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm tồn tại.

Trước mắt, thời gian không còn nhiều cho cơ cấu lại DNNN. Và, những vấn đề được mổ xẻ về CPH, thoái vốn DNNN rất cần công khai, minh bạch, kỷ luật nghiêm minh để tránh thất thoát, tránh nhóm lợi ích vụ lợi, đem lại hiệu quả cho công cuộc đổi mới DNNN trong giai đọan hiện nay.

 Nguyễn Trâm Anh

Tin khác

Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.