SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Chống thuốc lá lậu: Hiệu quả chưa bền vững

08:16, 07/04/2017
Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, lực lượng chức năng đã nỗ lực phát hiện hơn 20.317 vụ, thu giữ trên 16,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu.
hq

Thuốc lá lậu có dấu hiệu bùng phát trở lại trên địa bàn biên giới Quảng Ninh. (Trong ảnh: Lực lượng chức năng thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến bắt giữ đối tượng cùng 10.000 bao thuốc lá lậu). Ảnh: T.L. 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, các địa phương, bộ, ngành, lực lượng chức năng đã xác lập nhiều kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đánh mạnh vào các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển  trái phép thuốc lá lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Ở nội địa, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa nên tình trạng bày bán thuốc lá nhập lậu ở nhiều địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…) không còn công khai so với trước. Ở địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, 2 bên cánh gà cửa khẩu, hoạt động vận chuyển thuốc lá không còn rầm rộ như trước đây.

Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng có thay đổi so với trước. Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong ca bin, mui, gầm, bình xăng xe; bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển; dùng xuống máy, ghe máy có tốc độ rất cao để vận chuyển, vận chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi thời gian, cung đường hoạt động; manh động và liều lĩnh hơn. Đối tượng vận chuyển thuốc lá sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ; hô hào, tập trung đông người gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ.

Thuốc lá nhập lậu tuy không còn bày bán công khai trong thị trường nội địa như trước nhưng vẫn được các đối tượng bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán cà phê, tủ bán thuốc lá lẻ, các cửa hàng tạp hóa, các quán nước trên vỉa hè... ở những địa điểm không cố định nằm rải rác tại các tuyến phố, các quận, huyện và không thường xuyên tập kết ở một điểm cố định với số lượng nhiều. Những nơi tập kết, tàng trữ thuốc lá nhập lậu thường là khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, có sự cảnh giới cao độ của nhiều đối tượng. Phương thức giao dịch chủ yếu là các đối tượng cất giấu thuốc lá nhập lậu tại địa điểm khác hoặc trong nhà ở và được vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ, bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá nhập lậu khi bị phát hiện, thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không lớn.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù kết quả đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 30, nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra ở các địa bàn trọng điểm.

Nguyên nhân chủ yếu là do địa hình các tỉnh biên giới tiếp giáp với Campuchia dài hàng trăm cây số, địa hình bằng phẳng có hệ thống kênh rạch chằng chịt, với nhiều đường mòn, lối mở nên công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý biên giới của các lực lượng chức năng gặp muôn vàn khó khăn.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển từ 500 bao thuốc lá trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 25, Nghị định số 185 được sửa đổi tại khoản 22 Điều 1, Nghị định 124 quy định: “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên theo Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC lại không truy cứu trách nhiệm được đối tượng vi phạm những trường hợp trên… do tại Khoản 2, Điều 7, Thông tư liên tịch số 36 quy định:  “Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự gồm: Số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn; số lượng từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn; số lượng từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn”.

Trước tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn, tính chất, quy mô, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, địa bàn trọng điểm vẫn là: Long An, Tây Ninh, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Trị, Kiên Giang... Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 30, nhất là các địa bàn trọng điểm cần tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa bàn để đấu tranh, đẩy lùi hoat động buôn lậu thuốc lá; kiên quyết xóa bỏ các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu qua biên giới, các tụ điểm, kho tàng, bến bãi tập kết, cất giấu, buôn bán trong nội địa. Trong đó, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhập lậu và thất thu ngân sách Nhà nước; phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm buôn lậu, các hành vi kinh doanh trái pháp luật… Các lực lượng cần đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh, đồng thời xác định rõ trách nhiệm phụ trách địa bàn, khu vực...

Theo kết quả báo cáo từ các bộ, ngành và địa phương, tính đến tháng 10/2016, các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ hơn 20.317 vụ, trên 16,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu, khởi tố hình sự 347 vụ/475 đối tượng. Điển hình ở một số địa phương, lực lượng thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30 gồm: Long An bắt giữ trên 4,8 triệu bao, TP.Hồ Chí Minh trên 2,6 triệu bao, Đồng Tháp 1,4 triệu bao, Tây Ninh hơn 1,8 triệu bao, An Giang trên 2,1 triệu bao, Quảng Trị hơn 700 nghìn bao, Hải Phòng hơn 1,5 triệu bao…; Các lực lượng: Hải quan bắt giữ gần 1,3 triệu bao; Công an bắt giữ trên 9 triệu bao; Bộ đội Biên phòng bắt giữ hơn 1,65 triệu bao và hơn 16.000 kg lá thuốc lá, Cảnh sát biển bắt giữ gần 128.000 bao; Quản lý thị trường trên 3,5 triệu bao. So sánh kết quả năm 2016 với 2015: số vụ việc tăng 6% và số lượng giảm 35%; số vụ khởi tố tăng 2%; số đối tượng khởi tố giảm 10%.

Theo Hải Quan

Tin khác

Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Cao Bằng vừa xử phạt 13,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thép không gỉ B.N, địa chỉ trụ sở chính: Phường Phan Đình Phùng, Thị Xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Ngân Hà số tiền 90 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm là bộ máy phát điện hiệu CATERPILLAR sản xuất tại Mỹ, đã qua sử dụng có giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.
Liên kết hữu ích