SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Chân dung những "vua sáng chế" xuất thân từ nông dân

06:57, 05/10/2018
(SHTT) - Mặc dù không được học qua trường lớp nhưng nhiều lão nông đã trở thành các "ông vua sáng chế" với nhiều sáng chế hữu ích, phục vụ cho bà con nông dân.

“Vua sáng chế” của nông dân miền núi Bình Định

Vua sáng chế được nhắc đến là anh Lê Văn Thành (40 tuổi, trú thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Cái máu mày mò sáng tạo hình thành từ những ngày anh lẽo đẽo xách đồ nghề đi theo bố sửa chữa máy móc, sau hơn 30 năm, tài sản lớn nhất của anh Thành là sự tin tưởng, nể phục không chỉ của bà con ở huyện miền núi Tây Sơn mà của những người nông dân Bình Định.

Chia sẻ trên báo Lao Động, anh Thành cho biết, cuối năm 2014, khi anh đến nhà người bạn dân tộc Bana tên Đinh An (trưởng thôn Kon Giọt 2, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn), lúc đó người bạn than thở về việc nhiều đám ruộng bị sình lầy, lún đến nửa chân trâu làm mất thời gian cày đất, anh nhận thấy “Nếu dùng trâu cày đất thì phải cần 2 người làm, nhưng phải làm nhiều ngày mới xong, rất tốn thời gian và công sức”.

vua sang che

 

Câu chuyện với người bạn làm anh rất trăn trở, về nhà, anh lặn ngụp trong mớ thông tin từ sách vở, internet... rồi nhanh chóng “xắn tay” bắt đầu sáng chế cỗ máy cày đầu tiên. “Lúc đầu mình không hình dung được là phải làm như thế nào, mất cả tháng chỉ để mày mò, nghiên cứu nguyên lý hoạt động của máy cày. Rồi phải “tháo tung” các loại máy móc khác để tìm hiểu, dựa vào đó chế tạo ra cỗ máy làm đất hoàn hảo nhất. Sau đó, tôi phải mất thêm mấy tuần nữa để thử nghiệm, kiểm tra xem lúc hoạt động có trục trặc gì không” - Anh Thành nhớ lại. 

Sau khi “đứa con đầu lòng” hoàn thiện, anh nhanh chóng gọi điện thoại cho người bạn trưởng thôn để đưa máy về dùng thử. Chỉ sau 2 giờ, cỗ máy đã cày xong đám ruộng sình lầy mà trước đó dân bản phải mất nhiều ngày mới làm xong.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến nhà anh để mua máy. Có lần, một người Bana đến tìm anh Thành đặt hàng cỗ máy bơm nước lên rẫy cao, với điều kiện máy không to, giá rẻ và phải đủ sức đưa nước từ hồ lên núi cao. Sau gần 1 tháng “quên ăn bỏ ngủ”, cuối cùng anh Thành đã biến chiếc máy bơm nước cũ kỹ trở thành một máy bơm hiện đại. Máy chạy bằng xăng, phù hợp để sử dụng ở các vùng đồi núi nên được người dân đón nhận nhiệt tình. Từ đó, anh Thành được bà con nông dân miền núi Tây Sơn tin yêu, quý trọng.

Chân dung anh Phạm Văn Hát, nông dân Hải Dương đưa sáng chế đi hơn 10 quốc gia

Được biết anh Phạm Văn Hát sinh năm 1972, là hội viên nông dân thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Chuyện anh nông dân này chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nhiều người phải nể phục.  Nhưng với những người nông dân Hải Dương thì những việc làm của Phạm Văn Hát đã không còn là chuyện lạ. Bởi các sáng chế của anh được ra đời từ những cánh đồng quê và phục vụ rất hiệu quả hoạt động sản xuất của bà con nông dân.

chan-dung-nong-dan-hai-duong-dua-sang-che-di-10-quoc-gia-pham-van-hat-a-1506

 

Anh Hát tình cờ đến với nghề cơ khí khi được đến phụ việc tại xưởng Bông Sen. Tại đây, anh được chủ xưởng phân công việc nghiên cứu cơ chế hoạt động và sửa chữa máy nổ; dựng khung thành cho công nông đầu ngang. Sau gần hai năm làm việc, với sự cần cù chăm chỉ nên anh đã cơ bản nắm được các nguyên lý hoạt động của máy nổ.

Vào năm 2001, anh đã tự mở xưởng cơ khí tại nhà nhưng thất bại, kinh tế gia đình tổn thất lớn nên vào năm 2010, anh đã quyết định đi Israel để xuất khẩu lao động. Tại đây, bằng kinh nghiệm học hỏi được, anh đã cải tiến và sáng chế ra một số loại máy móc, công cụ lao động như: Máy rải phân tự động, máy cắt rau tự động, máy dọn rau sau thu hoạch và bộ dao cắt hành tiện dụng. Chiếc máy rải phân của anh đã được Israel đề nghị mua bản quyền.  

Đầu năm 2012, anh quyết định quay trở về nước và mở lại xưởng cơ khí. Được các cán bộ Hội động viên, anh đã tiếp tục tập trung nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp. Từ sự đam mê nghề nghiệp kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình lao động tại Israel- một nước có nền nông nghiệp hiện đại, anh đã chế tạo ra bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt. Đồng thời còn cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như: Chế tạo cày 02 lưỡi thay thế cho cày 01 lưỡi, cày 4 lưỡi thay thế cho cày 3 lưỡi mà công suất không thay đổi.

Thấy rõ hiệu quả, anh Hát đã tập trung vào sản xuất rồi cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm mỗi năm và được nông dân các tỉnh tin dùng. Từ hiệu quả của cày 2 lưỡi và cày 4 lưỡi đã giúp người nông dân đỡ vất vả, đồng thời nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau đó, anh Hát tiếp tục nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy gieo hạt.

Đến nay, anh là người nông dân điển hình thành công với sự sáng tạo, ham tìm hiểu, học hỏi. Rất nhiều bằng khen, huy chương anh đã nhận được, thậm chí cả Huân chương Độc lập do Nhà nước trao tặng cũng đã nằm trong tủ phần thưởng của anh. Nhưng anh vẫn không ngừng sáng tạo, vẫn tiếp tục, cải tiến và chế tạo thêm nhiều loại máy nông cụ để giúp người lao động nông thôn đảm bảo năng suất, điều kiện lao động với một quan điểm chế tạo là càng đơn giản càng tốt, không cần chip điện tử, rơ le.

Đáng nể 'nhà khoa học' chân đất sáng chế ra máy đào, xới đa năng và máy hái cà phê

Dù không cho bất cứ bằng chuyên môn nào nhưng với niềm say mê cơ khí, nông dân Đỗ Đức Quang (tổ 7, phường Trà Bá, TP.Pleiku, Gia Lai) đã có gần 50 năm mày mò, nghiên cứu sáng chế ra những chiếc máy nông nghiệp độc đáo, hỗ trợ nông dân tăng năng suất cây trồng.

Năm 1972, Đỗ Đức Quang rời quê hương (Quảng Nam) lên Gia Lai lập nghiệp. Ban đầu ông làm phụ việc cho một xưởng máy, sau đó thì về làm cho Hợp tác xã Cơ khí Bảo Toàn với công việc sửa máy cưa, máy cắt cỏ, máy nổ cầm tay…

sang-che-3-1511

 

“Nhờ được “cọ xát” thực tế nên tôi học được rất nhiều kiến thức về máy móc. Nhận thấy nhu cầu của người nông dân rất cần các loại máy móc SX, năm 2008 tôi đã nghiên cứu và sáng chế ra máy đào, xới đa năng. Chiếc máy này không chỉ có chức năng đào hố cà phê, xới rãnh tạo bồn mà còn có thể bón phân, ép xanh… giúp bà con nâng cao hiệu quả SX”, ông Đỗ Đức Quang cho biết.

"Kỹ sư" nông dân Phan Công Sỹ

"Kỹ sư" nông dân Phan Công Sỹ, sinh năm 1969, trú tại xóm 7, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Mặc dù chỉ mới học hết lớp 10 và không được qua lớp đào tạo chính quy nào về ngành cơ khí nhưng anh Sỹ lại có niềm đam mê lớn với các loại máy móc.

sang-che-1-1507

 

Vì luôn canh cánh trong lòng về nỗi vất vả của người nông dân trên cánh đồng quê nên anh Sỹ đã ấp ủ ý tưởng sáng chế ra loại máy cày, bừa đa năng 4 trong 1. Vào năm 2010, anh Sỹ đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy.

Được biết chiếc máy của anh hiện có 4 chức năng là cày, bừa, trộn bê tông và xúc đất. Máy được chạy bằng động cơ Diesel với 28 mã lực, hộp số được chế từ máy gặt liên hợp, sắt phế liệu được hàn nối thành khung sườn, ca bin được lắp ghế ngồi, có bộ phận tăng tốc, giảm tốc... Tổng chi phí mà anh Sỹ bỏ ra để chế tạo chiếc máy này lầ 60 triệu đồng. 

Sau khi hoàn thành chiếc máy, anh "kỹ sư" nông dân này đã đưa ra hoạt động thực tế ngay tại cánh đồng địa phương và đã được hàng trăm nông dân hưởng ứng cũng như đặt hàng.

Thanh Hải (t/h)

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Apple có thể phải đối mặt với một số vấn đề khi mà Huawei Technologies đã đăng ký thương hiệu này vào ba năm trước trên lãnh thổ đại lục.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng. Thấu hiểu điều này, các em học sinh đã đưa ra nhiều đề tài sáng chế mang tính ứng dụng cao, đạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Theo thông tin mới được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố, Huawei tiếp tục là công ty có nhiều bằng sáng chế quốc tế nhất trong năm 2023. Theo sát sau đó là Samsung và Qualcomm.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Viatris, tập đoàn dược phẩm và chăm sóc sức khỏe toàn cầu của Mỹ, mới đây đã thành công chứng minh phiên bản thuốc hạ huyết áp của họ không vi phạm bằng sáng chế của Johnson & Johnson.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Microsoft đã đồng ý giải quyết vụ kiện vi phạm bằng sáng chế với Viện Công nghệ California (Caltech) liên quan đến công nghệ Wi-fi. Cả hai bên đi đến thỏa thuận sau khi Caltech giành chiến thắng trong một vụ kiện triệu đô đối với Apple và Broadcom vào năm 2020.