SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Bắc Tân Uyên: Phát triển vùng chuyên canh cây có múi

08:45, 01/10/2017
(SHTT) - Với điều kiện tự nhiên thích hợp, bên cạnh dòng Sông Bé và sông Đồng Nai thuận lợi trong việc tưới tiêu, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) tăng nhanh tạo thành vùng chuyên canh.

Diện tích tăng nhanh

Chúng tôi đến huyện mới Bắc Tân Uyên để tìm hiểu quá trình chuyển đổi mô hình nông nghiệp. Ở đây, những vườn bưởi, cam, chanh, quýt trĩu quả, phủ xanh bạt ngàn đã thay thế những ruộng mía, ruộng mì kém hiệu quả kinh tế ngày nào. Tại đây, tất cả hệ thống tưới tiêu đều ứng dụng công nghệ tự động, vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cây, vừa tiết kiệm công lao động. Ngoài ra, với phương pháp dùng tấm bạt ni-lon phủ lên gốc cam, người trồng chủ động kiểm soát nguồn nước tưới và bón phân, cây cho trái theo ý muốn, nhất là trái trái mùa. Nhờ vậy, nhiều khách hàng đã đặt hàng trang trại hàng chục công-ten-nơ trong từng thời điểm khác nhau của năm. Trái cây trang trại bán được giá cao, không sợ được mùa mất giá. Trung bình, vườn cam có năng suất hơn 50 tấn/ha/năm, sau khi trừ các chi phí, thu lãi 500 triệu đồng/ha.

Bac tan uyen

 

Theo thống kê, tại huyện Bắc Tân Uyên còn có rất nhiều hộ trồng cây có múi như: Xã Thường Ân có 83 hộ, xã Tân Mỹ có 54 hộ, xã Tân Định có 23 hộ, xã Lạc An có 23 hộ, xã Hiếu Liêm có 44 hộ… Ông Thái Thanh Bình - chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết: “Những năm gần đây, huyện đã phát triển nhanh diện tích cây ăn trái có múi, chủ yếu là cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt. Đây là các loại cây ăn trái chủ lực của huyện, đã hình thành những vùng tập trung với diện tích khoảng 1.965 ha; tập trung chủ yếu tại sáu xã: Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định và Hiếu Liêm”.

Tạo đầu ra bền vững

Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân huyện Bắc Tân Uyên phát triển vùng cây ăn trái có múi. Thông qua các dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP, tỉnh hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi, hỗ trợ trồng trọt thực hiện mô hình VietGAP trên địa bàn huyện. Tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, chi phí giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Đầu năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định về Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các phương án sản xuất của các cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp có thể vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,2%/năm. Nhờ vậy, diện tích trồng cây có múi của nông dân tại huyện Bắc Tân Uyên đã tăng nhanh, từ 671 ha vào năm 2013 lên khoảng 1.965 ha như hiện nay.

Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên Nguyễn Ngọc Hiệp cho biết, huyện đã đề ra Chương trình Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi ở những vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi; hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi gắn với bảo vệ môi trường, nâng giá trị sản lượng cây ăn trái có múi canh tác đạt bình quân một tỷ đồng/ha. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tạo vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với diện tích 2.000 ha.

Nhằm xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây có múi, năm 2015, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện. Sau 2 năm thực hiện, mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể Cam Bắc Tân Uyên và Bưởi Bắc Tân Uyên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Đặng Minh Hưng cho rằng, với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, trái cây có múi Bắc Tân Uyên sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng và triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh cây ăn trái có múi; đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện và thương mại; tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp đến nông dân. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh cần tích cực triển khai các đề tài, dự án nhằm hỗ trợ phát triển, chăm lo đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái có múi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, từng bước đưa sản phẩm trái cây Bắc Tân Uyên đến với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

PV

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Tại Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVII, ngày 27/3, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông báo sẽ triển khai đồng loạt thu phí không dừng (ETC) tại 5 sân bay gồm: Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất từ ngày 5/5/2024.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, trước số 32/47 An Dương, CAP Yên Phụ, quận Tây Hồ phối hợp cùng Đội QLTT số 9 tiến hành kiểm tra xe moto BKS: 29C1-58385 do N. T. D,SN 1980, nơi thường trú: Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội điều khiển.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Tối 26/3, tại TP Hạ Long, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Truyền thông tổ chức Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ, Tài năng trẻ Quảng Ninh năm 2023 - Chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với chủ đề "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên".
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 26/3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu với chủ đề "Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài.