SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Y khoa thế giới xôn xao trước nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam

07:02, 12/01/2018
(SHTT) - Đây được cho là nghiên cứu có tính "đột phá" khi các bác sĩ chỉ cấy một phôi mỗi lần, giúp giảm nguy cơ khi cấy nhiều phôi cùng lúc sẽ dẫn đến đa thai và các biến chứng liên quan.

Theo báo Thanh Niên, hàng loạt tờ báo lớn nhất thế giới như Reuters, Sydney Morning Herald, Tân Hoa Xã… đã đồng loạt đăng tải. Với kết quả của nghiên cứu này, phụ nữ vô sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc thụ tinh ống nghiệm.

Nhóm bác sĩ đã nghiên cứu ngẫu nhiên trên 782 phụ nữ vô sinh không do buồng trứng đa nang đang thụ tinh ống nghiệm (TTON). Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi TTON.

Nghiên cứu này được coi là “khá chấn động” vì có thể thay đổi cách thụ tinh nhân tạo, không cấy một lần nhiều phôi như trước đây. Cũng vì thế mà cơ hội có thai gia tăng mà nguy cơ đa thai được giảm tối đa.

thu-tinh-ong-nghiem (1)

 Bé gái đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm năm 1998. Ảnh: Infonet 

TS.BS Vương Thị Ngọc Lan nói với Thanh Niên, hiện nay trên thế giới có hai cách TTON. Đó là chuyển phôi tươi trực tiếp vào tử cung hoặc lấy trứng ra, đông lạnh phôi, sau đó mới chuyển vào tử cung. Các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam thường ưu tiên chuyển phôi tươi. Số phôi còn dư sẽ được đông lạnh và đề dành để chuyển phôi các lần sau, tạo thêm cơ hội cho người bệnh.

“Phát hiện quan trọng nhất từ nghiên cứu này là việc đông lạnh phôi để thực hiện TTON không gây ảnh hưởng đến cơ hội thực hiện ước mơ của các cặp vợ chồng mong con. Sau chu kỳ chuyển phôi tươi đầu tiên, bệnh nhân có thể đông lạnh tất cả phôi còn lại và thực hiện chuyển phôi sau đó một cách an toàn và hiệu quả”, BS Lan nói.  Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường (Bệnh viện Mỹ Đức, thành viên nhóm nghiên cứu), dự án nghiên cứu này trải qua khoảng bốn năm: gần hai năm để thu thập số liệu, 11 tháng để phân tích số liệu và viết bài và 10 tháng từ lúc gởi bài cho đến khi được đăng trên NEJM.

GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc, người giúp đỡ nhóm một số việc trong giai đoạn cuối, vui mừng: “Đây là thành tựu đáng tự hào và cũng là một minh chứng rằng VN có thể làm những nghiên cứu chất lượng rất cao”.

Theo Vietnamnet, Giáo sư Ben Mol đánh giá cao khả năng thực hiện nghiên cứu của nhóm chuyên gia Việt Nam, góp phần mang lại lợi ích thiết thực bệnh nhân cũng như y bác sĩ trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm thế giới. Nhiều chuyên gia quốc tế rất bất ngờ khi các bác sĩ Việt Nam có thể tự lực ghi tên vào bản đồ nghiên cứu khoa học thế giới.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, giảng viên Đại học New South Wales tại Australia, thành viên hội đồng xét duyệt tạp chí The New England Journal of Medicine cho biết đây là lần đầu tiên một tác giả Việt Nam tự chủ trì, lên ý tưởng, thực hiện nghiên cứu và công bố. Giáo sư Tuấn xem đây là niềm vinh dự và cú hích rất lớn của giới khoa học trong nước.

"Bác sĩ Việt không tốn kém nhiều kinh phí vẫn có thể tự lực thực hiện những nghiên cứu tầm quốc tế chất lượng rất cao", giáo sư Tuấn đánh giá. Một vài nghiên cứu được công bố trước đây thường là do người Việt Nam sinh sống làm việc tại nước ngoài thực hiện, hoặc tác giả nước ngoài chủ trì như tại Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM).

Infonet đưa tin, ngày 30/4/1998 đã trở thành một dấu ấn không thể nào phai nhòa trong ký ức của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ khi đón nhận tiếng khóc chào đời của 3 đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên GĐ Bệnh viện Từ Dũ) là người đã đưa kỹ thuật này thực hiện thành công ở Việt Nam. Năm 1994, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã tự xin học bổng, thậm chí quyết định bỏ tiền túi ra để đưa đội ngũ nhân viên, bác sĩ của bệnh viện sang Pháp và Singapore để tham quan và học hỏi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng thành công thụ tinh trong ống nghiệm. Về mặt pháp lý, bác sĩ Phượng cùng luật sư Phan Trung Hoài đã soạn ra dự thảo quyết định thành lập ngân hàng tinh trùng cho bệnh viện Từ Dũ.

Sau nhiều năm âm thầm chuẩn bị, ngày 19/8/1997, hơn 30 phụ nữ vô sinh đầu tiên tại Việt Nam đã được chuyển phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong số các bệnh nhân, có hơn 10 người thụ tinh thành công. Đến ngày 30/4/1998, 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho ngành sản khoa Việt Nam.

Loan Hoàng (t/h)

Tin khác

Tin tức 40 phút trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 14 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 14 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.