SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc: Thách Thức & Cơ hội

09:00, 29/06/2018
(SHTT) - Trung Quốc (TQ) đang là nơi tiêu thụ chính nông sản của Việt Nam (VN). Tuy nhiên, gần đây, TQ đang ngày càng siết chặt các quy định về nhập khẩu (NK) nông sản. Điều này mở ra cơ hội cũng như nhiều thử thách cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) nông sản vào thị trường này.

Thách thức

Cuối năm 2017, phía TQ phát hiện một số lô trái cây từ VN nhiễm dịch hại nhưng không truy xuất được nguồn gốc, vì trên bao bì ghi nhãn không đầy đủ. Do vậy, từ ngày 1/4, các DN TQ NK trái cây từ VN qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông khi làm thủ tục NK, sẽ phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì để được thông quan. Trên bao bì phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Ngoài ra, DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR code hoặc tem chống hàng giả…Điều này có nghĩa là, trái cây xuất khẩu đi TQ bắt buộc phải có nguồn gốc xuất xứ, nơi đóng gói rõ ràng chứ không thể thu gom trôi nổi rồi mang đi bán như trước đây. Ngoài ghi nhãn, các DN cần lưu ý kiểm soát ruồi đục quả và rệp sáp là 2 đối tượng dịch hại phải kiểm dịch thực vật chính trên trái cây xuất sang TQ.

nong san 1

 

 Trước đó, với ngành gạo, khi lượng xuất khẩu sang TQ càng tăng, Cục Giám sát, Kiểm tra chất lượng và Kiểm dịch TQ (AQSIQ) đã đi đánh giá thực tế 31 DN và cấp phép cho 22 DN gạo từ VN. Qua kiểm tra, phía AQSIQ đưa ra 3 tiêu chí để đánh giá là: kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm của lãnh đạo DN, vùng nguyên liệu phải bảo đảm đủ sản lượng XK và trang thiết bị máy móc, nhà xưởng bảo đảm an toàn thực phẩm. Tới đây, các loại nông sản khác cũng sẽ được đưa vào khuôn khổ như gạo. Hình thức quản lý này tương tự các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang áp dụng. Do đó, DN muốn làm ăn lâu dài phải tự kiểm soát chất lượng, thực hiện đúng những gì đã cam kết, tự bảo vệ thương hiệu.

Trong khi đó, các thương lái hiện nay vẫn đến các vùng nguyên liệu để mua đủ loại nông sản từ cá tra, tôm, mận, xoài, mít, sầu riêng, cá sấu,… mà không cần kích cỡ hay kiểm tra dư lượng thuốc để bán sang TQ qua đường tiểu ngạch. Hoạt động XK này hết sức rủi ro, có thể bị ngưng bất cứ lúc nào nên nguy cơ hàng hóa bị ùn ứ, thậm chí đổ bỏ là rất lớn. Bài học lớn nhất là ngành chăn nuôi heo "sụp đổ" vào năm 2017 đến nay vẫn chưa khắc phục xong khi người chăn nuôi đổ xô nhau đầu tư để bán heo hơi tiểu ngạch đi TQ. Đây là một thách thức lớn cho nhà nông cũng như DN XK nông sản sang TQ. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội cho việc quản lý chặt chẽ, hướng tới hội nhập trong thời kỳ công nghiệp 4.0 của ngành nông nghiệp VN.

Cơ hội

nong san 3

 

Có thể nhận thấy rõ là TQ đang siết chặt NK tiểu ngạch để chuyển sang NK chính ngạch. Do vậy, đòi hỏi nông sản phải truy xuất nguồn gốc. Lâu nay, thương nhân TQ thích mua hàng tiểu ngạch vì ít chi phí. Tuy nhiên, buôn bán tiểu ngạch rủi ro rất lớn. Bởi, không có hợp đồng nên các thương lái đều đưa ra mức lời cao để phòng ngừa rủi ro bị giật tiền. Vì vậy phía thương nhân VN rất dễ bị ép giá. Nếu việc buôn bán đi vào chính ngạch sẽ ít rủi ro, chuỗi cung ứng trái cây sẽ bền vững hơn, lại dễ kiểm soát về chất lượng. Ngoài ra, khi mua hàng không nhãn mác từ VN, các thương lái TQ có thể gian lận thương mại, đánh tráo nguồn gốc để thu lời cao. Như vậy, hàng nông sản Việt sẽ không có thương hiệu tại TQ, dù xuất khẩu rất nhiều.

Thực tế, đã nhiều nông dân tiến bộ đã thay đổi sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, có ghi chép nhật ký, có liên kết với DN thu mua. Từ đó nông dân có nhiều lựa chọn bán hàng cho nhiều thị trường và không lo bị ép giá. Việc TQ siết chặt quản lý là cơ hội để nông sản Việt XK chính ngạch, giảm các khâu trung gian không cần thiết. Bởi lẽ, XK nông sản hiện nay, đặc biệt là trái cây bị thương lái TQ lũng đoạn, khiến DN Việt khó tham gia thị trường. Cụ thể là thị trường mua bán thanh long tại tỉnh Bình Thuận hầu như đã bị những thương lái TQ  khống chế. Một chuyện chưa tốt của VN là để thương lái TQ đi quá sâu vào vùng nguyên liệu bằng các hình thức "đội lốt" và sự tiếp tay của người Việt. So sánh với Lào, khi thương lái TQ đến nước này trồng chuối và có các hoạt động lạ, xịt thuốc bị người dân báo chính quyền phải rút về nước. Còn tại VN, nhiều dự án chủ là người TQ nhưng do người Việt đứng tên, nên bên trong làm gì không ai biết. Do đó, đã đến lúc nông dân Việt phải liên kết lại để làm ăn lớn thay vì sản xuất nhỏ lẻ, làm theo phong trào, nghe lời rủ rê, đồn thổi rồi dẫn đến hệ lụy không bán được hàng như thời gian qua.

nong san 2

 

nong san

 

 Từ việc TQ kiểm soát NK gạo tiểu ngạch để hướng đến NK chính ngạch, các cơ quan quản lý và DN Việt đã nhận ra thị trường này không hề "dễ tính". Điều này có thể khiến nông dân, DN Việt khó khăn giai đoạn đầu, nhưng nó sẽ tạo động lực cũng như áp lực để ngành nông nghiệp VN thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng. Khi nông sản Việt nâng cao được chất lượng, hướng đến nông sản sạch, nông sản hữu cơ, thì cơ hội mở rộng thị trường nhiều hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường TQ. Và, khi đó sẽ không còn các đợt "giải cứu nông sản" như thời gian qua.

Duy Khanh

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.