SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Vi phạm bản quyền kiến trúc: Sự nhập nhèm giữa tác phẩm kiến trúc và công trình xây dựng

11:18, 02/11/2017
(SHTT) - Vấn đề vi phạm bản quyền kiến trúc vẫn đang khá nhức nhối và một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tình trạng này chính là sự nhập nhèm giữa 2 khái niệm "tác phẩm kiến trúc" và "công trình xây dựng" trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Nhức nhối vấn đề vi phạm bản quyền kiến trúc

Quyền tác giả vẫn luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn suốt thời gian qua. Xoay quanh đó là những tranh cãi liên quan đến việc sử dụng bản quyền.

Một trong những lĩnh vực đang chịu nhiều tổn thất do vi phạm bản quyền, đó là lĩnh vực kiến trúc. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng phải coi kiến trúc là tác phẩm để làm cơ sở bảo vệ quyền tác giả và xa hơn là gìn giữ di sản kiến trúc.

Một trong những vụ tranh cãi bản quyền kiến trúc gay gắt nhất đó là vụ việc của kiến trúc sư Đào Hưng.

Cụ thể, ngày 19/8/2017, trên trang Facebook cá nhân, kiến trúc sư Đào Hưng - người nổi tiếng với biệt danh “Kiến trúc sư cứu nhà ống” - bày tỏ sự bức xúc vì ảnh thiết kế công trình thuộc Công ty CP kiến trúc AHL của ông - đã bị Công ty CP kiến trúc Kopa lấy và “đóng dấu đàng hoàng trên ảnh - điều mà ngay cả AHL còn không làm” - rồi giới thiệu trên website của họ.

Giới kiến trúc sư Việt Nam đều chung nhận định, những sự việc như thế này không hiếm. Theo ông Đào Hưng, các đơn vị vi phạm thường “úp mở”, "đánh lận con đen".

vi pham ban quyen kien truc

 

Sự nhập nhèm giữa tác phẩm kiến trúc và công trình xây dựng

Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định chính sự nhập nhèm giữa 2 khái niệm "tác phẩm kiến trúc" và "công trình xây dựng" trong Luật Sở hữu trí tuệ là nguyên nhân gây ra các vụ vi phạm bản quyền kiến trúc.

Theo thông tin được đăng tải trên Báo Khoa học và Phát triển, bà Đậu Thị Quyên - người sáng lập và là Tổng Giám đốc của Trung tâm Tư vấn quản trị tài sản trí tuệ Việt Nam (VIPMAC) cho hay: “Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp liên quan đến tranh chấp bản quyền trong lĩnh vực thiết kế, chủ yếu là đối với “tác phẩm kiến trúc” như bản vẽ, tài liệu thiết kế, chứ không phải liên quan đến công trình xây dựng đã được hoàn thành. Bản quyền trong lĩnh vực kiến trúc khá phức tạp do hành lang pháp lý chưa rõ. Luật Sở hữu trí tuệ hiện còn mập mờ khái niệm giữa “tác phẩm kiến trúc” và “công trình xây dựng”. Công trình xây dựng trên thực tế không còn là tác phẩm kiến trúc trên bản vẽ đơn thuần nữa, mà có sự tham gia của rất nhiều tổ chức, cá nhân như kiến trúc sư, nhà đầu tư, chính quyền... và chứa rất nhiều chi tiết đòi hỏi sáng tạo gồm nội thất, ngoại thất, bố trí không gian, ánh sáng, các chi tiết kỹ thuật, hoa văn, trang trí...Do vậy mà tình trạng vi phạm bản quyền trong giới kiến trúc hiện rất phổ biến”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Hội KTS Việt Nam đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và đưa ra ý kiến thống nhất rằng: Xác định tác phẩm kiến trúc dưới dạng bản vẽ là đúng nhưng chưa đủ. Tác phẩm kiến trúc cuối cùng là ở dạng công trình được xây dựng. Công trình xây dựng (theo bản vẽ) chỉ được xác định là tác phẩm kiến trúc khi hội đủ các tiêu chí do Nhà nước quy định. Như vậy có thể cho phép phân biệt trên thực tế công trình xây dựng với tác phẩm kiến trúc.

Về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc cần được bổ sung và làm rõ, nhất là đối với tác phẩm kiến trúc là công trình xây dựng. Bởi, công trình được xây dựng có sự tham gia của các tác nhân, như: Tác giả (KTS); tổ chức, cá nhân đầu tư (nhà đầu tư); chính quyền (nhà quản lý). Do đó, các tác nhân tham gia có thể thỏa thuận về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này là cần thiết để bảo vệ tác phẩm kiến trúc khi trong thực tế có những can thiệp vào tác phẩm kiến trúc, như: Sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang hay phá bỏ. PGS, TS, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, giải thích: “Như vậy, có thể nói là rất nhiều công trình kiến trúc không phải là tác phẩm kiến trúc. Mà những tác phẩm kiến trúc phải là những công trình có giá trị nghệ thuật cao, cùng với thời gian, các tác phẩm kiến trúc trở thành di sản kiến trúc. Và đó là thứ chúng ta cần bảo vệ”.

Các điều kiện ràng buộc để chống vi phạm bản quyền kiến trúc

Bà Đậu Thị Quyên cho hay: "Để bảo vệ những tác phẩm của mình, chính các tác giả, chủ sở hữu phải hành động ngay từ đầu bằng cách thiết lập các thỏa thuận bảo mật, biên bản giao nhận, cam kết không sử dụng tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của tác giả hoặc khi hai bên chưa thống nhất phương án hợp tác. Khi gửi đi một sản phẩm chứa hàm lượng thông tin và óc sáng tạo của mình, đừng quên gửi đi các biện pháp bảo vệ nó, yêu cầu bên nhận thông tin phải thực thi. Nếu không có bất kỳ thỏa thuận bảo vệ tác quyền nào thì hoàn toàn không có cơ sở vững chắc để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, đồng thời còn tạo điều kiện cho sự vi phạm của bên nhận thông tin”.

Đồng thời, luật sư Trần Thị Tám thuộc Công ty luật Ipcom cũng cho biết thêm rằng kiến trúc sư cần thỏa thuận được với đơn vị thầu về bảo mật và sử dụng bản thiết kế kiến trúc trong trường hợp bên thiết kế không được lựa chọn.

PV

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, một nghệ sĩ quyết định khởi kiện Shein với cáo buộc thương hiệu này đã vi phạm bản quyền khi sử dụng AI để sao chép tác phẩm của mình.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Cuộc tranh luận pháp lý mới đây xoay quanh việc liệu các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có được bảo hộ bản quyền hay không đang tiếp tục thu hút sự tham gia sôi nổi của các chuyên gia tại Mỹ.
Liên kết hữu ích