SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Vì đâu cát biển "đẻ vàng"?

07:10, 05/07/2018
(SHTT) - Tôi đến Sở NN-PTNT Bến Tre để tìm hiểu mô hình kinh tế tập thể làm tốt việc bảo vệ môi trường để làm giàu nguồn tài nguyên, đem lại lợi ích cho xã hội. Anh Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở đặt câu hỏi: “Có biết tại sao con nghêu Bến Tre chiếm vị trí “đầu bảng” về chất lượng không?”.

Sống lại miền đất “chết”

Nghề nuôi nghêu ở đồng bằng sông Cửu Long có từ những năm 90 thế kỷ trước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn dân nghèo ven biển. Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, từ khi con nghêu được thị trường châu Âu công nhận là sản phẩm “sạch” và nhập khẩu ngày càng nhiều, thì nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng vọt. Con nghêu từ chỗ chẳng ai quan tâm, đã trở thành hàng đặc sản. Cũng từ đó phát sinh tình trạng trộm nghêu tràn lan. Có nơi qui tụ hàng ngàn người khai thác vô tội vạ, đe dọa hủy diệt bãi nghêu.

Tuy nhiên, hiện nay, đã sang năm thứ 9, con nghêu ở tỉnh Bến Tre được Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council) - nghêu “Em-ét-xi”, nhãn hiệu cho nghề khai thác được quản lý tốt, giữ đa dạng sinh thái, không gây cạn kiệt. Thời điểm này, giá nghêu các địa phương khác dưới 30.000 đồng/kg, còn nghêu “Em-ét-xi” của Bến Tre trên 30.000 đồng/kg, có khi tới 40.000 đồng/kg. Mà muốn mua phải đấu giá tại bãi nghêu, nên chỉ có các thương lái chuyên nghiệp, đại lý lớn mới có thể mua, trả tiền trước khai thác nghêu sau.

ngheu

 

Các bãi nuôi nghêu ở tỉnh Bến Tre trải dài địa bàn 3 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Diện tích nuôi nghêu được cấp sổ đỏ cho 9 hợp tác xã (HTX) thủy sản để thực hiện quản lý cộng đồng. Điều này, rất ít địa phương trên cả nước làm được. Tổng diện tích có thể nuôi nghêu khá lớn, tuy nhiên căn cứ điều kiện tự nhiên từng năm mà nuôi diện tích phù hợp. Năm 2017, Bến Tre nuôi 3.922ha, trong đó, nghêu thịt 3.542ha, nghêu giống 380ha. Việc duy trì bãi nghêu giống với diện tích hợp lý cũng chỉ mới Bến Tre làm được trong vùng ĐBSCL và nhiều tỉnh cả nước. Muốn khai thác nghêu giống từ 100.000 con trở lên phải có giấy phép của UBND tỉnh, 5.000 đến dưới 100.000 con phải có giấy phép của Sở NN-PTNT, còn dưới 5.000 con các HTX được quyết định.

ngheu 1

 Thu hoạch nghêu

 Ông Nguyễn Luân Vũ - Chủ tịch UBND xã Thới Thuận - sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Thới Thuận - Bình Đại (Bến Tre), nên biết tường tận về tình hình kinh tế -xã hội của xã. Anh kể: “Trước đây người dân xã tôi ở trên “mỏ vàng” mà không hề biết. Việc khai thác nghêu giống và nuôi nghêu cứ mạnh ai nấy làm. Vòng xoay “được rồi thất” cứ xoay mãi, đời sống người dân lam lũ quanh năm. Do vậy, Thới Thuận được liệt vào danh sách các xã nghèo của tỉnh. Đến năm 1997, khi HTX thủy sản Rạng Đông thành lập thì công việc làm ăn của bà con mới phát triển, cuộc sống mới trở nên sung túc. Có những năm vì ô nhiễm nguồn nước, rất nhiều người nuôi nghêu ở vùng khác lâm vào cảnh khốn cùng, nhưng ở Thới Thuận, bà con vẫn sống khỏe, nhờ sự đồng lòng trong việc bảo vệ môi trường nước và khai thác mỏ nghêu”. Anh Vũ nhớ lại: “Những năm trước, đến tháng 11, vào mùa nghêu giống, các phương tiện khai thác tập trung về đây rất đông. Cả bãi nghêu rộng chừng 900 ha, nhưng có đến hơn 300 chiếc ghe cào hoạt động hết công suất. Mặt nước vùng có nghêu đục ngầu dưới những miệng cào nặng hàng chục ký liên tục cày xới dưới bãi bồi. Ghe cào nhiều nhất là của các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh... Để bắt được những con nghêu giống chỉ bé bằng đầu cây tăm, ngoài tấm cào bằng sắt nặng hàng chục ký, các ghe cào còn sử dụng loại lưới mùng, một loại phương tiện sau này bị cấm trong khai thác thủy sản. Khi cào được kéo lên, ngoài nghêu giống còn có đủ thứ tạp chất, nhiều nhất là vỏ sò, vỏ hến nát vụn như cám mà giới cào nghêu và dân thu mua gọi là miễng. Với mật độ khai thác dày đặc như vậy, nên nguồn lợi này đã nhanh chóng bị cạn kiệt và môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sinh khác  bị xáo trộn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc tái tạo nguồn tài nguyên biển”.

ngheu 2

 Trên sân nghêu

Từ chuyện kể của anh Vũ, hình ảnh đau lòng của năm 2004 tại bãi nghêu Bảo Thuận và An Thủy, huyện Ba Tri (Bến Tre) ùa về trong tôi: Hàng trăm nông dân với vẻ mặt thẫn thờ trước cảnh nghêu chết phơi vỏ trắng xóa chạy dài khắp bãi. Thông báo của Phòng NN&PTNT  Ba Tri cho biết, toàn huyện có 1.650 ha nghêu thì đâu đâu cũng xảy ra tình trạng nghêu chết. Chỗ nào ít nhất thì thiệt hại khoảng 40%, còn nhiều lên đến 80% sản lượng. Tương tự như vậy, các bãi nghêu ở Tiền Giang, Sóc Trăng cũng gần như... tan hoang.

ngheu 3

 Cào nghêu

Ông Buội cho biết thêm, các HTX thường xuyên theo dõi chặt chẽ sự biến động của thời tiết, môi trường nước; phân công cán bộ đo đạc các yếu tố môi trường hàng ngày như độ mặn, nhiệt độ, pH để xử lý kịp thời các biến động. Nhờ giữ nghêu giống và bảo vệ môi trường tốt, sản lượng thu hoạch năm 2017 đạt 5.050 tấn, trong đó, nghêu thịt 4.804 tấn, còn lại nghêu giống; doanh thu hơn 88 tỷ đồng. Đầu năm 2018, nhiều HTX vẫn còn nghêu thịt, đã thu hoạch 1.400 tấn và khoảng 1.150 tấn chuẩn bị thu hoạch. Diện tích thu hoạch được kịp thời san giống ra hoặc thả giống mới.

Hiệu quả rõ rệt của việc quản lý cộng đồng là đem nguồn lợi tự nhiên về cho 19.375 hộ xã viên một cách dân chủ, từ tiền lãi nuôi nghêu đến giải quyết việc làm như cào nghêu.

Chung tay xây dựng

Một thời gian dài, con nghêu được xem là “chim trời cá nước”. Sau nhiều lần giành giật, các bãi nghêu hoang tàn, nguy cơ dẫn đến xóa sổ. Theo anh Vũ, để có được bãi nghêu như hôm nay, phải trải qua nhiều lần đấu tranh nảy lửa. Năm 1997, HTX thủy sản Rạng Đông được thành lập, chọn những người có uy tín vào ban chủ nhiệm. Phương châm hoạt động được đề ra là đoàn kết hàng ngàn hộ xã viên thành khối thống nhất, xem bãi nghêu là tài sản chung, cùng giữ gìn và hưởng lợi. Nội bộ thống nhất cao, bãi nghêu được bảo vệ tốt, tạo điều kiện cho con nghêu sinh sôi trở lại. Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông là hợp tác xã nuôi nghêu lớn nhất tỉnh Bến Tre với diện tích 750ha và xã viên là toàn bộ hộ gia đình trong xã. Cộng đồng quản lý bãi nghêu và quản lý cả môi trường, chú ý trồng rừng nên nuôi nghêu ngày càng có hiệu quả, phân công lao động hợp lý làm tăng thu nhập đều đặn.

“Tiền lãi nuôi nghêu, dành 20% để lập ba quỹ, còn 80% chia đều cho nhân khẩu toàn xã nên người dân phấn khởi. Ở các HTX, ban chủ nhiệm là ban điều hành công việc theo chủ trương của cộng đồng, mọi việc có sự đồng thuận cao. Từ nuôi nghêu có hiệu quả, việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội và cả sinh đẻ có kế hoạch cũng tốt vì cộng đồng quản lý luôn nhân khẩu”, anh Buội – PGĐ Sở NN&PTNT nói.

ngheu 4.jpg

 Khai thác nghêu lậu

Ông Nguyễn Luân Vũ - Chủ tịch UBND xã Thới Thuận cho biết, thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm (chỉ còn hơn 5%), trong đó có sự đóng góp khá quan trọng của HTX Thủy sản Rạng Đông. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, tăng thu nhập cho từng hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho bà con trong xã. Ngoài việc đóng góp vào ngân sách xã, HTX còn sử dụng quỹ phúc lợi để thực hiện an sinh xã hội như: hỗ trợ tiền cho những người đi học từ cao đẳng trở lên với số tiền từ 1 triệu đồng và nhiều hơn đối với những người tham gia cấp học cao hơn, xây dựng nhà tình thương, làm đường sá… góp phần tạo khởi sắc xã Thới Thuận. Tất cả những điều đó đã tạo lòng tin cho toàn thể nhân dân trên địa bàn xã để cùng nhau sẵn sàng bảo vệ sân nghêu.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Bến Tre, mô hình HTX là hướng đi bền vững để giữ gìn và phát triển các bãi nghêu. Tại đây hình thành nên phương pháp làm ăn chặt chẽ, từng thành viên có ý thức bảo vệ, không xảy ra mất trộm nghêu; đến kỳ thu hoạch được nhà máy thu mua tại chỗ, bà con có việc làm, có thu nhập… Một khi người dân trực tiếp hưởng lợi, cùng nhau đồng tâm hiệp lực thì mỏ nghêu thành mỏ vàng.

Niềm vui trên mỏ nghêu

  Chưa bao giờ người dân nuôi nghêu ở Bến Tre phấn khởi như hiện nay, khi giá nghêu thương phẩm loại 1 đạt 30.000 - 40.000 đồng/kg.  Bà con ở các vùng ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú  đang ra sức bảo vệ môi trường nước biển, khai thác có kế hoạch để bảo vệ sự sinh sôi nảy nở của con nghêu thiên nhiên.

 Từ Bình Đại sang Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre), đến Trà Vinh, Bạc Liêu…, dân nuôi nghêu đều háo hức. Ngoài việc khoanh vùng chăm sóc các bãi nghêu của HTX thì người dân chờ nước ròng ra bãi tìm bắt nghêu bên ngoài, mỗi ngày cũng được vài chục ngàn đồng. Anh Nguyễn Văn Buội - PGĐ Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, mô hình HTX đã mang lại hiệu quả, lập lại trật tự ở các bãi nghêu.  Nhờ mỏ nghêu mà hàng ngàn người dân sống bằng nghề “hạ bạc” không có đất vẫn ấm no. Cứ mỗi năm có tới 6 tháng ra biển bới cát cào nghêu, ít gì cũng được 100.000 – 150.000 đồng/người/ngày.

ngheu 6.jpg.png

 Nghêu chết

Từ thị xã Bến Tre xuôi về Bình Đại theo đường 883, chạy dọc cù lao An Hóa đến ngã tư Tán Dù, rẻ trái là hướng về vùng biển. Hai bên đường san sát những vuông tôm, nhưng đường thì gồ ghề và nhão nhẹt sau những trận mưa lớn vừa qua. Đến một khúc sông là bến đò Vũng Luông, phía bên kia là Thới Thuận - xã có “mỏ vàng”  khoảng 900 ha bãi bồi biển. Một vòng quanh xã, tôi nhận ra Thới Thuận là xã cù lao, giới hạn bởi bên ngoài là biển, phần đất liền thì bị chia cắt bởi con sông Vũng Luông. Tôi bâng quơ hỏi người lái xe ôm:

- Xã này có gì đặc biệt không?

- Đặc biệt ở chỗ tất cả 1.700 hộ với 7.200 nhân khẩu đều được nhận lương.

Tôi thắc mắc:

- Người đi làm thì được nhận lương (tiền công), chứ sao những người ở nhà cũng được hưởng lợi như người khác?

Anh trả lời:

- Vì bãi nghêu là nguồn lợi chung, nên mỗi người sống ở xã này đều có quyền được hưởng một phần của nguồn lợi đó.

Dù vào ngày thứ bảy, nhưng văn phòng HTX Rạng Đông vẫn tấp nập. Anh Trần Văn Thuận - đại diện HTX Thủy sản Rạng Đông, huyện Bình Đại cho hay, từ đầu năm đến nay, HTX thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) đã khai thác được 16 đợt, sản lượng thu hoạch đạt hơn 1.000 tấn, đạt tổng doanh thu trên 28 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch. Mỗi tháng, HTX khai thác nghêu 2 đợt theo con nước. Mỗi đợt kéo dài từ 4 - 5 ngày, mỗi ngày khai thác khoảng 20 tấn. Nhờ giá nghêu thương phẩm ở mức khá cao, nên hầu hết các xã viên khai thác nghêu đều có lợi. Dự kiến từ nay đến cuối năm, HTX tập trung khai thác mỗi tháng đạt doanh thu 4 - 5 tỷ đồng. Hiện HTX đang xin ý kiến của Sở NN&PTNT cho phép quản lý, khai thác nghêu giống loại 100 ngàn con trở lại. Bởi nghêu giống đang sinh sản ở một số khu vực, hàng tháng HTX đều tổ chức giữ gìn, quản lý và khai thác có kế hoạch, để đạt theo kế hoạch doanh thu từ 40 - 45 tỷ đồng.

ngheu 7

 

 Tranh thủ thời gian thủy triều đang rút, chúng tôi lội bộ ra thăm bãi nghêu. Đường đi ra bãi nghêu dài chừng một cây số, nhưng phải mất cả giờ đồng hồ mới đến nơi, bởi bị chia cắt do đá từ kè chắn sóng biển bị sập văng tứ tung và còn phải đi qua một cầu khỉ dài quãng 200 mét. Trước khi vào bãi nghêu, chúng tôi ghé vào chòi canh ngay gần lối vào bãi. Anh Thuận cho biết đây là lực lượng bảo vệ. HTX phải làm 9 chòi canh và luôn có 6 chiếc ghe ở ngoài biển để ngăn chặn nạn cướp nghêu. Bây giờ chưa phải là mùa khai thác, nên lúc triều xuống, bãi nghêu trông phẳng lặng và êm đềm. Quan sát một nhóm người đi bắt ốc, chúng tôi phát hiện tất cả họ đều có một mảnh giấy trông như vé vào cửa. Anh Thuận cho biết, đó là phiếu theo dõi. Anh giải thích: “Để được vào bắt ốc, mỗi người đều phải có tờ phiếu đó. Khi bắt xong đem lên cho đội bảo vệ cân, kiểm tra và ghi lại số liệu để sau này dễ quản lý. Những người bắt ốc phải cam kết không bắt nghêu, nếu bảo vệ (những người trên chòi) phát hiện thấy họ bắt nghêu, họ sẽ bị phạt ngay lập tức”.

Mặt trời đứng bóng, nước triều rút ra xa. Chúng tôi đi thẳng về phía biển 500 mét mà nước chỉ ở mắt cá chân. Chúng tôi thọc tay vào cát bùn, vốc lên hơn chục con nghêu trắng hếu, đều đặn cỡ khoảng 70-80 con/kg (khi thu hoạch cỡ khoảng 60 con/kg). Chỉ cần khỏa nước và một lớp cát là có thể thấy nghêu nằm san sát, đều đặn như có bàn tay sắp xếp. Khi đến mùa thu hoạch, các doanh nghiệp chế biến thường vào đây ký hợp đồng mua nghêu tại chỗ. Ký hợp đồng, HTX sẽ phân bổ khối lượng nghêu khai thác cho xã viên và phát cho họ thùng đựng. Chỉ cần một hai ngày thu hoạch với khoảng vài trăm xã viên là đủ khối lượng để giao cho doanh nghiệp (mỗi xã viên có thể cào 40 kg nghêu trong 2 giờ đồng hồ).

Giấc mơ ngày mai

Ông Nguyễn Luân Vũ - Chủ tịch UBND xã Thới Thuận cho biết, toàn xã có 19 km bờ biển, cùng với sông, rạch, ao, hồ là môi trường thuận lợi cho nghêu, sò huyết, tôm, cua biển, cá kèo…phát triển. Mấy năm qua, con nghêu ở HTX thủy sản Rạng Đông có những tác động tích cực đến cuộc sống của người dân vốn rất nghèo ở vùng ven biển. Ngoài HTX Thới Thuận còn có 28 tổ hợp tác nghề nghiệp, nuôi và khai thác nghêu, sò, tôm... Kinh tế hộ cũng phát triển không kém. Chỉ sau hơn 2 năm phát động, đã có hơn 209 hộ đủ điều kiện công nhận trang trại. Ở đây, bà con nuôi tôm công nghiệp trên 150 ha, mấy năm liền đạt kết quả rất cao, năm nào cũng 5 – 7 tấn/ha. Xã còn trên 1.500 ha nuôi tôm quảng canh. Con tôm được mùa, trúng giá, đã giúp người dân đổi đời. Sò huyết cũng là một lợi thế của xã này, hiện có khoảng 126 ha, thu trên 2.000 tấn/năm. Sò huyết không chỉ nuôi ở bãi bùn của sông, rạch, người dân còn nuôi ngay trong các vuông tôm quảng canh. Trên tôm dưới sò. Hàng tháng thu tôm, cuối năm thu sò. Chỉ có sò thôi, trừ sò giống, những hộ này lãi bình quân 150 triệu đồng/ha.

Dạo quanh Thới Thuận tôi thấy môi trường nước rất tốt, nhưng trên đường thì bụi mịt mù. Những con đường chính trong xã dù đã được trải nhựa, tráng xi măng, nhưng chưa phủ khắp. Có lẽ cái khó nhất của Thới Thuận hiện nay là giao thông bộ. Cây cầu Vũng Luông nối Thới Thuận với bờ dù đã hoạt động nhiều năm qua, nhưng bà con vẫn muốn có thêm nhiều cây cầu mới, nhưng nguồn vốn rất xa với với người dân xã đảo này, nếu buộc họ đóng góp.

\ Tôi qua cầu để rời Thới Thuận. Có lẽ đây là miền đất của những điều lạ! Cái lạ từ mỏ vàng dưới cát biển thì không nói làm chi. Nhưng với diện tích tự nhiên chỉ có 5.445 ha mà đủ các loại cồn, hồ, rạch, sông, mương, búng… thì quả là lạ. Cồn thì có cồn Bà Tư, cồn Chài Mười, cồn Kẽm, cồn Tròn, cồn Long Phi, cồn Mới, cồn Ông Bái. Hồ thì có hồ Bầu, hồ Ông Ơi, hồ Ông Lớn… Còn rạch, mương, búng thì nhiều hơn một chục. Trên đường đi, tôi chợt nghĩ miên man: Thới Thuận nằm giữa 2 cửa sông lớn - Ba Lai và Cửa Đại, và là mũi tiền tiêu của cù lao An Hóa. Phần đất cù lao này vẫn từng ngày, từng ngày đối mặt với sóng gió để vươn ra biển cả.

Kiều Giang

Tin khác

Kinh tế 19 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Thương hiệu 2 ngày trước
(SHTT) - Nhằm tri ân khách hàng cũng như chào đón Đại lễ lớn 30/4-1/5, Hyundai Lê Văn Lương gửi tới khách hàng chương trình khuyến mãi với những ưu đãi cực hấp dẫn cho quý khách hàng.
Kinh tế 6 ngày trước
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Tại buổi tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4, ở TP HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam chia sẻ Chuối tươi hàng Việt phủ 100% tại chuỗi siêu thị AEON Hong Kong.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Quý I/2024 hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, hàng hóa dồi dào, đa dạng... Các doanh nghiệp, nhà phân phối đã tổ chức đa dạng các giải pháp kích cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, khuyến mại để tăng sức mua bán.