SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc: Các ca sĩ vẫn "vô tư" phạm luật

11:19, 18/01/2018
(SHTT) - Vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn luôn là chủ đề nóng trong showbiz. Câu chuyện thường được mang ra mổ xẻ nhiều nhất đó là việc các ca sĩ "quên" xin phép nhạc sĩ và "vô tư" biểu diễn ca khúc. Điều này không chỉ liên quan đến luật bản quyền mà còn chạm đến tự ái nghề nghiệp.

Khi nhắc tới vấn đề vi phạm bản quyền, nóng hổi nhất, phức tạp nhất phải kể đến lĩnh vực âm nhạc. Các hình thức nhái nhạc, nhái ý tưởng càng có xu hướng gia tăng một cách tinh vi. Muôn kiểu vay mượn, từ bản beat, phong cách, hình chụp album cho tới ý tưởng MV cũng "trùng hợp" một cách khó hiểu.

Bên cạnh đó, một vấn nạn xảy ra thường xuyên đó là không ít ca sĩ biểu diễn ca khúc hoặc ra đĩa đơn mà "quên" xin phép tác giả ca khúc.

"Quên" xin phép nhạc sĩ, vẫn vô tư hát

Mới đây nhất là vụ việc tác giả Minh Min đã lên tiếng về việc ca khúc của anh, “Chỉ còn những mùa nhớ” được Hồ Ngọc Hà, Khánh Ngọc sử dụng mà chưa xin phép.

Hồ Ngọc Hà đã sử dụng ca khúc “Chỉ còn những mùa nhớ” trong liên khúc “Chỉ còn những mùa nhớ” (sáng tác: Minh Min) và “Chỉ còn những mùa quên" (sáng tác: Nguyễn Hồng Thuận) trong chương trình (phát hành DVD) Gala Nhạc Việt 10. Trên trang YouTube của chương trình này có trích dẫn tên tác giả Minh Min nhưng cả Hồ Ngọc Hà và BTC không hề có một động thái xin phép tác giả hay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (nơi Minh Min ủy quyền đại diện quyền tác giả).

vi pham ban quyen am nhac a

 

vi pham ban quyen am nhac

 Minh Min tố Hồ Ngọc Hà, Khánh Ngọc sử dụng“Chỉ còn những mùa nhớ”  mà chưa xin phép

Trong khi đó, Minh Min tố cáo ca sĩ Khánh Ngọc không chỉ biểu diễn ca khúc này trong một số chương trình mà còn phát hành đĩa đơn ca khúc, biểu diễn sai tinh thần bài hát trong liveshow Bước chân 2 thế hệ và bán ca khúc này trên iTunes.

Minh Min cũng bức xúc khi phát hiện một loạt đơn vị tổ chức chương trình, gameshow truyền hình đã tùy ý sử dụng ca khúc này mà không xin phép.

“Chỉ còn những mùa nhớ” là ca khúc nổi tiếng nhất của tác giả Minh Min qua tiếng hát của Bảo Trâm. MV của ca khúc này có hơn 1 triệu lượt nghe trên trang Youtube và cũng là ca khúc mà tác giả trẻ đặt nhiều tâm huyết.

Ngay sau khi bị tố, đại diện của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và đơn vị tổ chức chương trình Gala Nhạc Việt 10 đã có động thái xin lỗi Minh Min vì thiếu sót trong việc liên hệ với nhạc sĩ này để xin phép. Cùng với đó, phía đại diện chương trình cũng khẳng định với Minh Min là đang hoàn tất thủ tục tác quyền và sẽ cập nhật các văn bản tới anh.

Về phía Khánh Ngọc, đại diện của nữ ca sĩ cho biết, ca khúc Chỉ còn những mùa nhớ được cô thu âm, biểu diễn theo đặt hàng của chương trình Bước chân hai thế hệÂm nhạc & Bước nhảy. Ngay cả việc bài hát được phát hành công khai cũng do nhà sản xuất Bước chân hai thế hệ thực hiện và bán toàn bộ show diễn lẫn bài hát trên iTunes, phía Khánh Ngọc hoàn toàn không liên quan và cũng không thu lợi nhuận trong việc này. Dựa theo đúng nguyên tắc, trách nhiệm xin phép sẽ thuộc về nhà sản xuất chương trình chứ không phải Khánh Ngọc.

Thậm chí nữ ca sĩ còn khuyên Minh Min nên “trách đúng nơi và tố phải đúng chỗ”. Vô lý ở chỗ, mặc dù Khánh Ngọc phủ nhận, song trên mạng vẫn còn nguyên single của Khánh Ngọc do Khánh Ngọc’s Official đưa lên.

Trả lời về vấn đề này trên báo Lao động, Giám đốc chi nhánh phía Nam Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, thông thường khi ca sĩ tham gia một chương trình do một đơn vị nào đó tổ chức hoặc sản xuất, hiển nhiên đại diện chương trình đó phải xin phép tác giả. Nếu không có sự chấp thuận của tác giả thì chương trình đó không được cấp phép. Còn nếu ra đĩa đơn (single), bản thân chính ca sĩ đó phải liên hệ hỏi ý kiến người sáng tác. Luật đã quy định, quyền cho phép hay không cho phép thuộc về tác giả bài hát, thế nên cứ sử dụng bài hát của tác giả là phải xin phép.

Vi phạm bản quyền và chạm đến tự ái nghề nghiệp

Trong một cuộc hội thảo, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, theo ông, bảo vệ lợi ích cho nghệ sĩ cũng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng, bởi tái tạo sức lao động của những người làm nghệ thuật sẽ giúp họ có khả năng sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề bản quyền trước giờ vẫn chỉ được bàn đến với tư cách là vì lợi ích của cá nhân nghệ sĩ. Vì vậy khi vi phạm bản quyền, các ca sĩ đừng chỉ xin lỗi là xong, quan trọng là cách hành xử sao cho tác giả cảm thấy họ được tôn trọng, thì mới mong sản phẩm đến với công chúng suôn sẻ.

Điều khoản bổ sung vào Nghị định 79 cũng đã quy định bên tổ chức cần phải có văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả, hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Tức là cam kết của đơn vị tổ chức chương trình cần phải làm việc trực tiếp với các nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả. Cụ thể, người sử dụng tác phẩm (người tổ chức chương trình và ca sĩ) phải xin phép trực tiếp các tác giả…

Từ những vụ việc này có thể thấy, trong làng giải trí Việt, tình trạng ca sĩ bị nhạc sĩ “tố” sử dụng ca khúc khi chưa xin phép không còn là chuyện lạ.

Ca khúc Anh thì không của Mỹ Tâm vi phạm bản quyền

vi pham ban quyen am nhac c

 

Trước đó, showbiz Việt cũng từng rất xôn xao với vụ việc vi phạm bản quyền ca khúc Anh thì không. Cụ thể, sau khi ra mắt MV Anh thì không và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội thì ca sĩ Mỹ Tâm đã bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng lên tiếng tố cáo vi phạm tác quyền.

Được biết nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chính là người đã chuyển thể lời ngoại của ca khúc Toi Jamais thành ca khúc Anh thì không. Mặc dù vậy, nữ ca sĩ "tóc nâu môi trầm" lại không xin phép ông về việc phát hành ca khúc.

Sau khi bị tố cáo, Mỹ Tâm đã chính thức lên tiếng xin lỗi vị nhạc sĩ nổi tiếng. Đồng thời, cô cũng đã xin được tác quyền sử dụng bài hát gốc và cho ra mắt phần lời mới do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa chuyển ngữ với tựa đề Em thì không.

Tranh chấp bản quyền ca khúc Người đàn bà hóa đá - Tóc Tiên và Trần Lập
vi pham ban quyen am nhac b

 

Được biết trong live show 8 của The Remix 2015, team của Tóc Tiên - Touliver – Long Halo đã trình diễn ca khúc Người đàn bà hóa đá của nhạc sĩ Trần Lập. Mặc dù ca khúc này đã nhận được nhiều lời khen từ phía ban giám khảo nhưng nhạc sĩ Trần Lập đã chia sẻ lên trang cá nhân: "Các em chơi DJ bài Người đàn bá hóa đá trực tiếp trên sóng VTV3 đã xin phép anh chưa nhỉ? Chơi hay rồi nhưng nên chơi đẹp nữa nhé".

Sau khi nhạc sĩ Trần Lập lên tiếng, Tóc Tiên đã chính thức xin lỗi. Đồng thời cô cũng cho biết rất hạnh phúc khi cha đẻ của ca khúc Người đàn bà hóa đá dành nhiều lời khen cho phần trình diễn của cả đội.

Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều những vụ vi phạm bản quyền ở Việt Nam gây nhức nhối.

Uyên Linh bị nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong “tố” sử dụng ca khúc “Đường cong” khi chưa xin phép

Quán quân Việt Nam Idol 2010 đã sử dụng “Đường cong” tại cuộc thi trong khi đó là ca khúc Thu Minh đang sử dụng độc quyền. Sự việc càng khiến tác giả bức xúc hơn khi sau cuộc thi, Uyên Linh vẫn trình diễn ca khúc này ở các chương trình khác…

“Nếu chỉ dừng lại ở một cuộc thi tìm thần tượng thì không vấn đề gì, đằng này mọi chuyện lại đi xa hơn. Thần tượng của mọi người đã và đang sử dụng “Đường cong” sau Vietnam Idol. Phong cho rằng đây là sự vi phạm bản quyền”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phòng lên tiếng trên báo chí. Thậm chí, anh nói sẽ nhờ đến pháp luật để giải quyết vụ việc.

Mọi ồn ào chỉ lắng xuống khi Uyên Linh công khai lên tiếng xin lỗi tác giả và không sử dụng ca khúc nữa.

Vậy nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này là từ đâu?

Sau mỗi sự việc xảy ra, các nghệ sĩ đều có chung câu trả lời là "không hiểu luật". Vậy câu hỏi được đặt ra là: Nghệ sĩ không hiểu luật hay cố tình không hiểu luật?

Vấn đề cần đề cập tới đầu tiên là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, thiếu nhận thức đúng đắn và đầy đủ của đại bộ phận nghệ sỹ hiện nay, mà phần đông là những người trẻ tuổi. Sự dễ dãi, cẩu thả trong hoạt động nghề nghiệp đã khiến việc “vay mượn” ý tưởng được thực hiện một cách tràn lan, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ chính sự chồng chéo trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhà quản lý trong việc quản lý và thực thi bản quyền âm nhạc tại Việt Nam, pháp luật chưa đầy đủ, hình phạt và mức hình phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, thiếu quan tâm tới đấu tranh phòng chống tội phạm quyền Sở hữu trí tuệ trong vấn đề âm nhạc.

Mặt khác, chúng ta đang sống trong xu thế toàn cầu hóa với công nghệ ngày càng tiên tiến, mọi hoạt động sáng tạo đều đưa đến sự gia tăng của các loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật đa phương tiện. Cộng thêm sự phát triển của các hình thức âm nhạc thị trường khiến cho các tác phẩm đến với công chúng một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn và kéo theo việc xâm phạm bản quyền cũng đa dạng và phổ biến hơn,..

Hương Mi (t/h)

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Apple có thể phải đối mặt với một số vấn đề khi mà Huawei Technologies đã đăng ký thương hiệu này vào ba năm trước trên lãnh thổ đại lục.
Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Google đã bị cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp phạt vì vi phạm các quy định sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU) khi không đàm phán với các nhà xuất bản truyền thông.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Dù chiến thắng trong vụ kiện bản quyền âm nhạc, nhưng Sam Smith & Normani thẩm phán vẫn quyết định các nghệ sĩ nổi tiếng phải tự chi trả phí luật sư lên tớ hơn 700.000 đô la.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Ngành âm nhạc ở Anh đang khởi động vụ kiện đầu tiên chống lại công nghệ trí tuệ nhân tạo, bảo vệ bản quyền trước các công ty sản xuất các bài hát giả giọng người nghệ sĩ nổi tiếng.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.