SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Tiền mất tật mang vì dùng đồ lót rởm “đội lốt” hàng hiệu

06:21, 10/02/2019
(SHTT) - Trong các mặt hàng thời trang, đồ lót là một trong những mặt hàng được chị em phụ nữ quan tâm nhất. Nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng đã trà trộn hàng giả gắn mác hàng hiệu đình đám nhằm chuộc lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chị em phụ nữ.

Giá rẻ “giật mình”

Đồ lót không rõ nguồn gốc là loại sản phẩm không có tem mác đảm bảo, hoặc được đính mác rồi đem đi tiêu thụ tại các cửa hàng bán lẻ hoặc tại chợ đêm, chợ cóc, vỉa hè thậm chí được bán công khai trên các trang mạng xã hội.

Với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng và hầu hết được dán nhãn của các thương hiệu đình đám trên thế giới như Triump, Victoria’s Secret, Wacoal, Lacoste… nhiều người đã nhân cơ hội này để rao bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, giá rẻ thì chất lượng cũng sẽ kém và ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Với nhiều kiểu dáng phong phú, màu sắc bắt mắt, chất lượng tốt,… đồ lót Thái Lan hiện được rất nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, các cửa hàng chuyên bán đồ lót Thái Lan mọc lên ngày càng nhiều trên các tuyến phố. Tuy nhiên, trên thị trường, các cửa hàng đồ lót hiện nay không chỉ bán hàng có xuất xứ Thái Lan, mà còn bị trà trộn cả hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc do không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Trong khi đó, người bán hàng nếu được hỏi sẽ luôn khẳng định đây là hàng Thái hoặc thậm chí nhiều người bán còn không biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của chúng.

Các loại đồ lót Thái Lan, loại rẻ nhất cũng có giá từ 200.000 trở lên, đồ lót Sabina xịn có giá không dưới 350.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, giá các loại đồ lót được người bán hàng giới thiệu là đồ lót Thái Lan giao động từ: 79.000- 90.000 đồng/ cái với áo lót, 30-50.000 đồng/cái với quần và đồ lót đúc: 140-180.000 đồng/bộ, loại đắt nhất được nhân viên bán hàng giới thiệu là hàng cao cấp của nhãn hiệu Sabina, Thái Lan có giá 220.000 đồng/bộ.

Tại các chợ, những sạp bán đồ lót giá rẻ được bày bán tràn lan với hàng chục mẫu mã, kiểu

dáng và màu sắc, kích cỡ. Giá của các sản phẩm này dao động từ 7 - 10 nghìn đồng/chiếc. Những loại đồ lót gắn mác Thái Lan giá rẻ xuất hiện trên thị trường khá nhiều, đó phần lớn là hàng Trung Quốc nhái theo các thương hiệu quần áo lót nổi tiếng, hoặc hàng không rõ nguồn gốc được các chủ cửa hàng mua về rồi đi mua mác về gắn mác “hàng Thái Lan xịn”.

“Hàng nhái thường có tuổi thọ sử dụng thấp, dùng thường xuyên 1-2 tháng sẽ thấy hiện tượng nhão, với áo ngực thì chức năng định hình và nâng ngực kém dần, mỗi lần giặt sẽ dễ bị nhăn. Hàng Thái xịn thì yên tâm dùng đến tận lúc…rách.

Đồ lót “no name” có xuất thân từ Trung Quốc, Đài Loan hoàn toàn không khó tìm. Hàng hóa chất đống ra đến lề đường với giá chỉ từ 30k/áo ngực và 15k/quần lót.Với mức độ cung quá lớn thì nhu cầu cũng tăng theo. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam đang sử dụng đồ lót “made in China” mà không có một cơ sở niềm tin nào về chất lượng của sản phẩm mình đang mặc. “Bạn bè mặc được thì ta mặc được; Người người dùng được thì ta dùng được…”. Nhiều người quan niệm vậy. Và cứ thế, loại trang phục mà lẽ ra phụ nữ phải cẩn thận chọn lựa hơn bất cứ thứ gì lại trở thành món hàng dễ dãi nhất khi mua.

Ngoài ra, gần đây, rất nhiều chị em tin dùng đồ lót Việt Nam hay đồ lót giảm giá giảm giá của các thương hiệu nổi tiếng như Triumph, Vera…. Những sản phẩm này tuy được quảng cáo là chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe nhưng giá thành lại vô cùng rẻ, chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá chính hãng

Chính vì vậy, nên cân nhắc yếu tố giá cả đầu tiên trước khi quyết định mua. Một chiếc áo lót có giá cả triệu đồng không thể được bán với giá 200 đến 300 ngàn đồng/chiếc. Đây là chiêu trò giảm giá để đẩy hàng nhái của rất nhiều các cửa hàng để thu hút khách mua.

Nguy cơ ung thư tiềm ẩn

Trong các sản phẩm đồ lót từ Trung Quốc, chất liệu vải thường là vải thun, polyester còn thành phần cotton rất ít. Với giá thành rẻ, chống nấm mốc, giữ màu và chống nhăn tốt, chất formaldehyde đang được nhiều nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng quá hàm lượng cho phép để tăng tính cạnh tranh về giá cả và mẫu mã sản phẩm dệt may của mình. Tuy nhiên, chất formaldehyde này nguy hiểm tới đâu thì cả người tiêu dùng lẫn người bán đều không hề để ý.

“formaldehyde” thường được dùng ở dạng dung dịch để tẩy trắng, chống nhăn vải thay thế một số hóa chất khác nhằm giảm giá thành, nó có thể bay hơi một phần khi được phơi khô. Tác hại lớn nhất của chất này chính là gây ung thư, có thể dẫn đến cái chết.

Để phòng tránh tác hại của formaldehyde, người tiêu dùng nên tránh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, rẻ tiền. Nếu không phân biệt được thì nên giặt kỹ quần áo trước khi sử dụng vì việc giặt tẩy cũng giúp loại bỏ một phần formaldehyde.

Ngoài ra, một số ý kiến của người tiêu dùng cho rằng trong chiếc áo lót không rõ nguồn gốc đó có cả miếng nhựa đen xì. Chị em hay dùng loại áo đệm để nâng vòng 1 nhưng nếu dùng phải áo có miếng lót mút làm bằng chất từ phế liệu chưa được khử trùng thì nguy cơ dị ứng là rất lớn.

Vậy nên, khi sử dụng đồ lót hãy tìm kiếm những nơi có thương hiệu, có uy tín, có xuất xứ cũng như được kiểm định an toàn để đảm bảo sức khỏe. Nhất là khi đồ lót tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm, rất dễ gây nên những hệ lụy như dị ứng, viêm nhiễm, dễ bị bệnh phụ khoa, thậm chí ức chế thần kinh khi mặc những sản phẩm có chứa thành phần nilon vì không có độ thoáng mát.

h16

Áo ngực có chứa dung dịch gây ung thư 

Trong các loại áo ngực có chứa dung dịch không màu, các hạt tròn màu trắng, trong suốt mang nhãn mác Trung Quốc đều là nhựa PS (Polystyrene Composit). Dung dịch không màu, không mùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo trong các mẫu phân tích là dầu khoáng (mineral seal oil). Các loại dược khoáng, dầu khoáng công nghiệp do các quá trình cất phân đoạn từ dầu mỏ còn nhiều tạp nhất là nhóm chất polycylic aromantic hydrocarbon (PAH) gồm các chất có thể gây ung thư như: Anthracene, Benzopyrene, Chrysene, Coronene, Tetracene, Phenantherene, Pyrene, Pentacene, Triphenylene, Ovalene.

Trên thực tế không chỉ chất lạ trong túi áo ngực có thể gây nguy hiểm đến người dùng nếu túi chứa bị vỡ mà điều quan trọng  là có những thứ độc hại hơn như vải, đệm mút xốp. Tất cả những mẫu áo ngực được kiểm nghiệm đều có màu sắc sặc sỡ, mỗi loại được may bằng loại vải, mút khác nhau. Dung dịch trong túi áo ngực chỉ nguy hiểm nếu bị vỡ ra, còn các loại vải, mút xốp tiếp xúc trực tiếp với da nên nếu có độc sẽ còn nguy hại hơn rất nhiều.

Bắt nguồn từ sự dễ dãi trong mua sắm, cộng với mức thu nhập chưa cao, muốn tiết kiệm với những món đồ mặc bên trong, không ai nhìn thấy, nhiều phụ nữ - đặc biệt là những người ở độ tuổi 20-30 đã trở thành đối tượng mua sắm lớn nhất của mặt hàng này. Đây cũng chính là những người mẹ trong tương lai với sức khỏe cần được an toàn cho cả một thế hệ con trẻ. Nhưng chính chúng ta đã quên mất điều đó. Quên rằng những chiếc áo ngực có chứa chất độc hại, nếu mặc lâu dài, hoàn toàn có thể gây ung thư hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sữa của mình. Những chiếc quần lót có chất liệu vải kém chất lượng, hoặc không đủ phần trăm cotton để giúp vùng kín được khô thoáng, sẽ là ổ vi khuẩn gây bệnh phụ khoa cho mọi phụ nữ, nhất là những phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai

Mẹo thoát “bẫy”  nội y giả

h17

Mẹo tránh mắc bẫy đồ lót giả 

Để không dính bẫy nội y giả, nhiều người sành mua đã chia sẻ kinh nghiệm chọn đồ lót của mình.

- Giá cả là yếu tố đầu tiên cần cân nhắc. Một chiếc áo lót chính hãng có giá cả triệu đồng không thể được bán với giá 200 đến 300 ngàn đồng/chiếc tại một nơi khác. Những chiếc áo, quần lót này được quảng cáo là “hàng xuất Nhật” với mác bằng chữ Nhật, được bán nhiều tại các cửa hàng trên mạng.

Trên thực tế, chính những món đồ lót có mác “Made in Vietnam” lại đáng tin cậy hơn nhiều so với mác toàn chữ tiếng Nhật. Tuy nhiên, số lượng hàng xuất dư này cũng rất ít, vì với mỗi đơn hàng, các nhà máy cũng chỉ sản xuất nhiều hơn từ 5 – 10%. Ngoài hàng “Made in Vietnam”, bạn cũng có thể lựa chọn các nước gia công khác như Thái Lan hay Trung Quốc và tốt nhất nên mua tại các đại lý độc quyền của thương hiệu.

- Nhãn giấy và nhãn giặt cũng là hai yếu tố không thể không kể đến khi phân biệt hàng thật và hàng nhái. Nhãn giấy có ghi thông tin về mã hàng, kích cỡ, mã màu và mã vạch của sản phẩm. Phía sau nhãn giấy thường có địa chỉ công ty và nhà máy nơi sản xuất ra sản phẩm. Nhãn giặt thường có logo hãng và loại sản phẩm, có các thông số giống với nhãn giấy. Ngoài ra, trên nhãn giặt, còn có thêm thông tin về thành phần, ký hiệu hướng dẫn và bảo quản sản phẩm.  

Tất nhiên, với mỗi hãng nội y khác nhau, cách phân biệt về nhãn mác, bao bì cũng khác. Chẳng hạn với hãng nội y Victoria's Secret, thông thường, mỗi sản phẩm đều được đựng trong túi nylon, có tên thương hiệu và có giấy dán, in mã vạch và code (mã sản phẩm). Với mỗi dòng áo khác nhau thì code sản phẩm cũng khác nhau. Khi so sánh hàng nhái, nếu tinh ý, bạn sẽ thấy đôi khi có những code bị trùng nhau. Mác vải cũng khác nhau với từng dòng sản phẩm.

- Về chất lượng, nhìn chung, nội y fake (nhái) làm bằng chất liệu rẻ tiền hơn nhiều. Khi sờ vào đồ lót giá rẻ này, bạn dễ thấy bề mặt không mịn mà rất thô. Trong khi đó nội y hàng hiệu làm từ chất liệu cao cấp, co giãn tốt, ôm sát cơ thể và đường may rất cẩn thận.

Nhìn chung, để không trở thành nạn nhân của những người kinh doanh gian lận, người mua nên tìm tới các đại lý chính hãng hay đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài qua website của hãng.

Hiện tại, còn rất nhiều người dân có thu nhập thấp và thời buổi vật giá leo thang, họ đã nhắm mắt làm ngơ và chấp nhận liều lĩnh mua đồ lót không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, đây có thể được coi là “một vấn nạn”, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và để lại những hậu quả khôn lường. Hy vọng rằng người tiêu dùng hãy cảnh tỉnh và khôn ngoan để không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng mang tính sống-còn.

Bùi Hương

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 16/4/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của bà Đ.T.T tại địa chỉ: phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, phát hiện 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá 300 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện kế hoạch và công văn chỉ đạo của Cục QLTT về tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác giám sát trên địa bàn, qua đó phát hiện nhiều sai phạm về hàng hóa.
Media 2 ngày trước
(SHTT) - Những ngày đầu triển khai tháng ATTP trên địa bàn, Đội QLTT số 9, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện gần nửa tấn cam có xuất xứ từ nước ngoài, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Triển khai thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai về việc tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (thuốc BVTV) trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, với số tiền 102,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 02 tháng.
Liên kết hữu ích