SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Thuốc ung thư giả: Trách nhiệm của Cục Quản lý Dược?

14:00, 03/10/2017
(SHTT) - TAND TP.HCM đã đưa vụ án “Buôn lậu”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Cty cổ phần VN Pharma ra xét xử sơ thẩm. Ngoài bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường được xác định là đứng đầu vụ, vụ án còn có 7 bị cáo đồng phạm cùng bị xét xử.

Tuyên án

TAND TP.HCM đã tuyên án vụ buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma sau nhiều ngày xét xử và tranh luận.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) bị tòa phạt cùng mức án 12 năm tù (bằng đề nghị của VKS) về tội buôn lậu.

Cùng tội này, Nguyễn Trí Nhật (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bị phạt năm năm tù, Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) bốn năm tù, Phan Cẩm Loan (cán bộ VN Pharma) ba năm sáu tháng tù, Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) ba năm tù.

thuoc ung thu gia b

 

Bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) một năm sáu tháng tù, Hoàng Văn Thông (dược sĩ) hai năm án treo, Phạm Anh Kiệt (tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) hai năm án treo, cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo tòa, vụ án chưa gây hậu quả vì lô thuốc chưa đưa ra thị trường, đây là tình tiết để xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo. Xét vai trò và tính chất của hành vi phạm tội, mức án dành cho hai bị cáo Hùng, Cường phải là ngang nhau. Với các cán bộ Cục Quản lý dược Bộ Y tế, tòa kiến nghị nếu có hành vi sai phạm thì xử lý theo quy định. Cụ thể, những cán bộ Cục Quản lý dược đã hoàn toàn không phát hiện Công ty Austin (Hong Kong), đơn vị bán thuốc cho VN Pharma, đã hết hạn giấy phép hoạt động. Tổ thẩm định cho rằng “hồ sơ đạt yêu cầu” rồi đề xuất Cục Quản lý dược ký duyệt, cấp phép cho VN Pharma nhập hàng.

Theo cáo trạng công bố tại tòa, đầu năm 2013, Nguyễn Minh Hùng thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có thuốc Capicitabine 500mg dùng chữa trị bệnh ung thư. Khi Cty VN pharma nhập 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg về kho, do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục quản lý dược yêu cầu Hùng, Cường giải trình rồi tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường.

Ngày 8/8/2014, Cục quản lý dược có văn bản gửi Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ công an đề nghị xác minh liên quan tới lô hàng trên. Sau đó, Cục An ninh chính trị nội bộ chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan sang Cơ quan điều tra, Bộ công an để điều tra, xử lý.

Cơ quan điều tra vào cuộc xác định, Hùng đặt mua thuốc Capicitabine 500mg với giá 0,8 USD/viên. Quá trình thương lượng, Hùng và Cường thống nhất giá mua Capicitabine 500mg 0,9 USD/viên. Sau đó Cường liên hệ và mua của người có tên Raymundo ở Philippines (không rõ lai lịch) với giá 0,6 USD/viên.

Do không có hồ sơ kỹ thuật “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” để nộp cho Cục quản lý dược, Hùng chỉ đạo Bùi Ngọc Duy (trưởng phòng) và Hoàn Trúc Vy (nhân viên Cty VN Pharma) thuê dược sỹ Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc Capicitabine 500mg…

thuoc ung thu gia c

 

Được Cục quản lý dược cấp giấy phép, ngày 13/1/2014, Cường ký hợp đồng bán thuốc Capicitabine 500mg cho Cty VN Pharma, đóng dấu Cty Helix. Từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251 ngàn USD.

Ngoài ra, các nhân viên của VN Pharma còn làm giả các chứng từ, thủ tục thanh toán để được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg Caplet để chữa bệnh ung thư, trị giá hơn 250.000 USD (khoảng hơn 5,3 tỷ đồng).

Tuy nhiên, sau khi nhập khẩu, Cục Quản lý dược thanh tra công ty VN Pharma, kiểm tra lô hàng thì phát hiện đây là hàng giả. Kết quả mẫu giám định của Bộ Y tế cho thấy, lô thuốc nhập khẩu này chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Trách nhiệm của Cục Quản lý Dược ra sao?

PGS. Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ĐBQH thuộc đoàn TP.HCM khoá XIII, XIV khẳng định: Trong trường hợp của Công ty VN Pharma nhập khẩu hơn 9000 hộp thuốc giả, làm giả từ hồ sơ, tên công ty ma mà Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế vẫn cấp phép để nhập khẩu thuốc này là Cục đã sai. Có thể nhân viên thẩm định hồ sơ chưa đủ trình độ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm. bà Lan nhấn mạnh: Cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân đã cố tình hay vô ý, trách nhiệm đến mức độ nào để xử lý. Rõ ràng trách nhiệm này không đổ cho ai được.

Vụ việc VN Pharma nếu các đối tượng trước tòa họ khai đúng thì bức tranh các công ty dược cứ nhập ở nơi tào lao về, thuê người viết hồ sơ rồi đi xin “visa” cho thuốc thì quá dễ dàng.

Vì vậy cần xem lại cấp số hồ sơ đăng ký thuốc ở nước ta. Nếu chỉ cấp phép qua hồ sơ đăng ký như vậy thì trình độ của người thẩm định như nào để lọt lưới vụ việc lớn như thế.

thuoc ung thu gia a

 

Bình thường bất cứ ai từng làm ở các công ty dược từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu nước ngoài về đều biết để có thể xin một visa cho loại thuốc là rất khó khăn, gian nan vô cùng dù đủ hồ sơ rồi nhưng trường hợp của công ty VN Pharma thì lại nhanh quá. Qua đây, người ta lại thấy lạ vì sao việc cấp số đăng ký thuốc lại dễ dàng như vậy mới xảy ra vụ việc. Chúng ta cần xem xét lại cả hệ thống cấp phép dược xem sai ở quy trình nào. Câu chuyện thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma đang gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt các đối tượng bị xét xử vào tội phạm tội “buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

thuoc ung thu gia

 

Từ trước tới nay, các vụ việc thuốc giả ở Việt Nam bị xử lý rất ít. Với vụ việc của công ty VN Pharam mức phạt với kinh doanh thuốc giả quá nhẹ. Luật quy định mức án có thể lên tử hình. Và vụ việc này các bị cáo lại bị phạt sang tội buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” là không thoả đáng.

Nếu trong cáo trạng thuốc giả phải tính toán thiệt hại nếu người ta đã sử dụng nhưng trong trường hợp này chỉ xử sai phạm làm giả hồ sơ và giấy tờ nên quá nhẹ.

Không thể nào nói thuốc này chưa đưa ra thị trường được vì nếu chưa đưa ra thị trường thì tại sao lại phải hoa hồng cho bác sĩ lên tới 7,5 tỷ đồng. Câu hỏi này ai cũng có thể nhìn ra được. Đây là vụ việc thuốc giả đầu tiên ở nước ta gây hoang mang dư luận nhất là thuốc lại dành cho bệnh nhân ung thư. Trước đó, Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều vụ việc thuốc giả được phát hiện nhưng chưa ai bị xử lý. Liệu có phải ở Việt Nam thuốc giả có quá nhiều cơ hội tồn tại. Cho tới giờ này chưa có nghiên cứu chính thức tình hình thuốc giả ở Việt Nam. Nếu chỉ căn cứ trên tình hình thuốc giả hàng năm qua việc đi kiểm tra và mang các thuốc lưu hành trên thị trường đi xét nghiệm thì thuốc giả ở Việt Nam đang giảm dần.

Nhưng liệu giảm dần này nói lên thực tế không? Không chỉ riêng ở nước ta mà thuốc giả là vấn nạn toàn cầu vì thuốc là siêu lợi nhuận, và nó rất là thất đức, ác nhân nhưng vẫn làm.

Bộ Y tế vừa có thông cáo báo chí cho biết sẽ xử lý nghiêm về vụ Công ty VN Pharma kinh doanh thuốc giả, kể cả các trường hợp đăng thông tin làm ảnh hưởng uy tín của Bộ trưởng. 

“Sau khi có phán quyết của tòa án, Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật, không bao che đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế” - thông cáo viết.

Thông cáo này cũng cho biết Bộ Y tế sẽ đề nghị xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước đó trong những ngày vừa qua, mạng xã hội đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế, trong việc xử lý các cán bộ có liên quan cấp phép lưu hành các thuốc bị VN Pharma giả mạo hồ sơ.

Đã có ba cán bộ của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, được xác định có thiếu sót trong vụ việc này.

Tuy nhiên cho đến nay Bộ Y tế không công khai về xử lý các thiếu sót của cán bộ thuộc thẩm quyền, mặc dù sai phạm của VN Pharma được phát hiện từ 2014.

Ngoài ra, các thông tin trên mạng xã hội đang đòi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời nghi vấn liên quan đến người thân của bà làm lãnh đạo tại Công ty VN Pharma.

Thông tin cũng cho rằng trước khi VN Pharma bị phát hiện kinh doanh thuốc giả, em chồng Bộ trưởng Bộ Y tế có giữ một vị trí lãnh đạo trong công ty này.

NHỮNG DIỄN BIẾN TIẾP THEO

Chiều 28/8, một lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cho biết vụ xét xử Công ty VN Pharma phạm tội buôn lậu là không đúng tội danh, đúng bản chất vụ việc. “Thuốc nhập về bằng tờ khai được các cơ quan cấp phép thì không thể truy tố, xét xử tội buôn lậu được. Bản chất đây là hành vi buôn bán hàng giả. Hàng giả ở đây là thuốc chữa bệnh thì quả thật là một tội ác. Với tội ác này, các bị cáo cần phải được điều tra, truy tố và xét xử đúng tội danh với mức án răn đe nghiêm minh hơn” - vị lãnh đạo Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia nói.

Văn phòng Chính phủ cho biết: Văn phòng BCĐ 389 đã có báo cáo và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tố tụng làm rõ vụ việc. Ban Nội chính Trung ương cũng chỉ ra việc xét xử không nghiêm, chưa phù hợp của cơ quan tố tụng. Vị này nhấn mạnh: “Từ tháng 9/2014 đến tháng 7/2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma (Công ty VN Pharma), về hành vi buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Trong đó CQĐT kết luận: “Lô thuốc H-Capita 500 mg không rõ nguồn gốc. Trên các thùng hàng này có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ, tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Công Thương cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký ở quốc gia nào. CQĐT khẳng định lô thuốc H-Capita 500 mg caple do Công ty VN Pharma nhập là thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, như vậy rõ ràng là thuốc giả.

Kết luận giám định của Hội đồng giám định Bộ Y tế cũng chỉ rõ: “Lô thuốc nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.

Kết luận là như vậy nhưng không hiểu sao cơ quan tố tụng lại xử chín bị cáo liên quan về hai tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Vụ án này cần phải được làm rõ toàn diện”

Tường Duy (t/h)

Tin khác

Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Ủy ban Châu Âu cho biết, cuộc điều tra đối với Alphabet được mở ra do tập đoàn này không tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) khi đưa ra những chỉ đạo trong Google Play và tự ưu tiên hiển thị trên Google Tìm kiếm. Ngoài ra, EU cũng tiến hành điều tra tương tự với Meta và Apple.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) cho biết bên cạnh các hình thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng Việt Nam, gần đây đã đã xuất hiện chiến dịch lừa đảo quốc tế có khả năng ảnh hưởng tới người dùng Việt.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...