SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Thực phẩm bẩn - “kẻ sát nhân” khó tiêu diệt

07:28, 12/01/2019
(SHTT) - Khi nhắc tới thực phẩm hiện nay, “ăn bẩn sống lâu” giờ được xem như là một sự thỏa hiệp, bất lực của người tiêu dùng khi thực phẩm “tẩm” hóa chất độc hại xuất hiện trong từng bữa cơm từ miếng thịt, rau củ cho đến gia vị,… gây ra những tác hại cho sức khỏe chúng ta không thể ngờ tới.

Thực trạng ám ảnh của thực phẩm bẩn

Hiện nay, những người trồng rau vẫn hay sử dụng bừa bãi các hoá chất bảo vệ thực vật như các loại thuốc cấm, thuốc có độ độc cao, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng để phun trừ các loại sâu bệnh trên các loại rau quả, tiêm thuốc kích thích cho quả mau chín, ngâm ủ giá đỗ bằng các hóa chất tăng trưởng độc hại…đã làm tích luỹ một dư lượng nitrat rất lớn tồn dư trong rau, củ, quả.

Ngoài ra, nhiều người trồng rau đã dùng nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh trong rau quả cao hơn nhiều so với qui định của Bộ Y tế… Đó chính là nguyên nhân làm phát sinh các bệnh cấp tính, là mầm mống gây ra nhiều loại bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Nếu để ý, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những loại rau quả trái vụ như cải bắp, súp lơ… chỉ có vào mùa đông nhưng lại được bày bán rất nhiều ở mùa hè, thậm chí còn xanh và tươi hơn nhiều so với rau quả chính vụ….Đó là những người sản xuất đã sử dụng những lại thuốc kích thích tăng trưởng và các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao đã bị cấm sử dụng từ lâu.

h9

Thực phẩm bẩn tràn lan 

Các thực phẩm từ gia súc, gia cầm như: lợn, bò, gà, vịt… những người chăn nuôi cũng sử dụng những loại cám tăng trọng không rõ nguồn gốc để kích thích tăng trưởng, thậm chí những người kinh doanh thực phẩm còn sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt cá ôi thối để che mắt khách hàng…

Con đường ngắn nhất từ bữa ăn tới nghĩa trang

Thực phẩm bẩn gây nhiễm độc tiềm ẩn:

 Là sự nhiễm các chất độc hại dưới ngưỡng có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bán cấp tính; có thể bị nhiễm liên tục hoặc không liên tục; có thể sau một thời gian không biết trước sẽ có: ung thư, các rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai...

 Thực phẩm bẩn gây bệnh mạn tính:

 Là bệnh mắc phải, có biểu hiện phát bệnh lặp lại thường xuyên hoặc theo chu kỳ, có thể do di chứng của ngộ độc cấp hoặc do hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn tới liều gây bệnh,có thể trở thành bệnh khó chữa hoặc không chữa khỏi.

Thực phẩm bẩn gây bệnh bán cấp tính (ngộ độc thức ăn):

 Đó là các rối loạn tiêu hóa hoặc thần kinh nhẹ, hoặc các triệu chứng cấp tính, có thể tự chữa khỏi hoặc tự khỏi.

 Thực phẩm bẩn gây bệnh cấp tính (ngộ độc thức ăn):

 Các triệu chứng dưới đây tương đối điển hình và bệnh nhân cần đến sự can thiệp của bác sĩ:

  •  Biểu hiện rối loạn tiêu hóa: nôn, ỉa chảy (gồm cả ỉa ra máu), đau bụng.
  • Biểu hiện rối loạn thần kinh: rối loạn cảm giác, nhức đầu, mệt lả, hôn mê, liệt chi.
  • Các rối loạn chức năng khác: thay đổi huyết áp, bí tiểu…

Thời gian lành bệnh (đến khi hết triệu chứng nhưng bệnh nhân chưa thể sinh hoạt và làm việc một các bình thường).

  •  Với người mắc bệnh bán cấp và cấp tính : 02 ngày – 01 tháng
  • Với người mắc bệnh mạn tính: không khỏi hẳn và thỉnh thoảng tái phát.

Thời gian phục hồi sức khỏe (đã có thể sinh hoat và làm việc một cách bình thường): tùy theo nguyên nhân, tình trạng sức khỏe và độ tuổi, thường là:

  •  Với người bình thường bị mắc bệnh bán cấp và cấp tính: 01 – 04 tuần với người lớn và trẻ độ tuổi học đường; 01 tháng đến vài tháng với trẻ dưới 7tuổi và người già.
  • Với người mắc bệnh mạn tính bị tái phát: 01 – 02 tuần trong trường hợp bệnh tái phát có thể chữa được; không xác định được trong trường hợp đã thành bệnh nặng.
  • Tử vong là hậu quả của ngộ độc cấp rất nặng, ngộ độc cấp không được cứu chữa kịp thời hoặc hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn kéo dài đã dẫn đến bệnh hiểm nghèo không cứu chữa được.

 Đe dọa môi trường sống

h8

Hóa chất vứt bừa bãi 

Rau nhiễm bẩn là do quá trình trồng trọt, nhiều nông dân đã sử dụng nhiều loại hóa chất phun tưới lên rau củ quả, một lượng hóa chất dư thừa ngấm vào trong đất, ngấm vào nước và phát tán trong không khí góp phần gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc phun hóa chất lên các loại rau của quả thì việc vứt rác thải vô tội vạ ra khắp nơi cũng là một trong những hành động đầu độc môi trường. Những loại rác thải như bao bì, vỏ hộp hóa chất bảo quản thực vật, thuốc tăng trưởng hay những loại thực phẩm vứt ra ngoài môi trường mà không bỏ đúng nơi quy định sẽ bị phân hủy ngoài tự nhiên, trong quá trình phân hủy sẽ sản sinh ra chất độc, vi khuẩn gây bệnh sẽ phát tán ra môi trường xung quanh. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Vì đồng tiền bán rẻ lương tâm

Rất nhiều người vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả, đồng tiền đã khiến bao kẻ quên đi mọi thứ. Biết là sai, biết là thất đức, biết là phạm luật nhưng vẫn làm. Họ làm mọi cách không từ bất cứ một thủ đoạn nào để cải thiện cuộc sống hoặc vét thêm cho đầy túi tham.

Có hộ gia đình khó khăn đã kiếm tiền nhanh bằng cách phun nhớt thải lên rau cho xanh, dễ bán hoặc dùng hóa chất kích thích giá đỗ, nấm rơm để lớn nhanh, hiệu suất cao. Có nhà giàu thì mở công ty mua thịt gia súc, gia cầm quá hạn dùng rồi sơ chế qua hóa chất, bán ra như thịt mới; có người mở cơ sở làm chà bông, xúc xích, lạp xưởng bằng nguyên liệu phế phẩm, dơ bẩn và độc hại vô cùng nhưng tuồn ào ào ra thị trường.

Nhiều người tiêu dùng lắm khi ngại ngần trước thực phẩm nghi bẩn nhưng vì thiếu thông tin nên cứ nhắm mắt cho qua. Và vô hình trung trở thành người tiếp tay cho kẻ sản xuất, bán buôn thực phẩm bẩn.

Thực phẩm bẩn, suy cho cùng, chẳng tội tình gì. Tội tình nằm ở con người. Con người “bẩn” kiếm sống hoặc làm giàu bằng thực phẩm bẩn. Cái họ có được đánh đổi bằng sức khỏe, sinh mạng của bao người, rộng hơn và nguy hiểm hơn là sự suy tàn của cả một thế hệ, một tộc người, một quốc gia.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế. Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân.Chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng các công cụ để kiểm soát an toàn thực phẩm. Song song đó, phải tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm. Có nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân thì mới có thể thanh lọc được vấn nạn thực phẩm bẩn đang từng ngày, từng giờ đe dọa bữa cơm của người dân. Bên cạnh đó, nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, cần xây dựng chuỗi sản xuất để nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường.

h11

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng 

Ở góc độ người tiêu dùng, cần thông tin kiến thức rộng rãi đến người dân, như: Thế nào là thực phẩm sạch, cách phân biệt thực phẩm kém chất lượng, những thứ nên tránh... Ngoài ra, cần có sự minh bạch, công khai về quy trình sản xuất nuôi trồng thực phẩm từ phía doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để người dân nắm rõ. Cái gốc vẫn là từ cơ sở sản xuất chứ không phải người bán hay chỗ bán. Vì thế, ngành chức năng cần phải có biện pháp chấn chỉnh nơi cung ứng thì mới mong có được thực phẩm sạch.

Để tự bảo vệ mình và người thân trước tình trạng bủa vây của thực phẩm bẩn, một số bà nội trợ đã tìm đến giải pháp tình thế như: Tự trồng rau tại nhà; đặt thực phẩm ở các điểm bán được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc mua từ các đầu mối uy tín, chất lượng; mua trực tiếp thịt tại lò mổ hoặc rau tại nơi sản xuất; trang bị máy kiểm tra nồng độ hóa chất cho thực phẩm tại các khu vực mua sắm...

Thực phẩm xung quanh chúng ta tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh do tình trạng mất vệ sinh và không an toàn, nhưng trên thực tế, những vụ việc được phát hiện chưa nhiều. Bằng chứng là các vụ ngộ độc vẫn diễn ra và tăng lên hàng năm. Thực phẩm mất vệ sinh bày bán tràn lan nhưng không được xử lý hoặc chỉ xử lý được khi có đoàn kiểm tra rồi sau đó, đâu lại vào đấy. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự và được quan tâm đặc biệt của tất cả mọi người. Không phải tự nhiên mà các quốc gia đều xem an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu, bởi vì trên thực tế, đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến cả hệ thống kinh tế mà còn tác động đến sức khỏe toàn xã hội, đến giống nòi và mỗi cá nhân. Quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để khống chế các nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong các dịp lễ, tết.

Bùi Hương

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Chiều 28/3 vừa qua, tại Siêu thị Trung Vân, địa chỉ Khối 2A, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Đình Thành làm chủ, lực lượng QLTT đã phát hiện lô dao cạo râu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gillete. Đây là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Đội QLTT số 6, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng vừa tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Cao Bằng vừa xử phạt 13,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.