SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Thư khuyến cáo hành vi vi phạm nhãn hiệu trong Sở hữu trí tuệ

11:00, 01/04/2018
Trái với mặt tích cực của sự phát triển số lượng nhãn hiệu là sự xuất hiện rất nhiều những hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với đối tượng này.

Câu hỏi khách hàng: “Công ti nước giải khát Quốc tế Pepsxxx Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu “Aquafina và hình” cho sản phẩm nước uống tinh khiết. Thời gian qua, công ti phát hiện trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm nước uống mang nhãn hiệu Aquavina, Aquafine với cách trình bày bao bì tương tự gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu “Aquafina và hình” của công ti. Qua điều tra, Công ti Pepsxxx đã tìm ra công ti T X có địa chỉ tại Gia Lâm (Hà Nội) chuyên sản xuất và bán ra thị trường hai sản phẩm nước nói trên.

Công ty của tôi muốn nhờ luật sư với tư cách đại diện cho công ty giúp công ty thực hiện được quyền tự bảo vệ theo Luật Sở hữu trí tuệ để công ty đối thủ chấm dứt ngay hành vi xâm phạm này".

Trả lời:

1. Căn cứ pháp lý: 

Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Nghị định số 105/2006/NĐ-CP 

Thông tư 01/2007/TT-BKHCN 

vi pham nhan hieu

 

2. Luật sư tư vấn:

Cảm ơn Công ty đã tin tưởng và gửi thư đến cho Công ty luật của chúng tôi, Trường hợp này tôi sẽ với tư cách là đại diện cho công ty viết thư Khuyến Cáo:

2.1.Trước hết công ty Luật cần giấy ủy quyền với mẫu như sau:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

GIẤY UỶ QUYỀN

Hôm nay,  ngày ….. tháng ….. năm 2018, tại địa chỉ : Tầng 2, toà nhà FaFim số 19 Nguyễn Trãi, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Bên uỷ quyền

   

Địa chỉ trụ sở/cư trú

   
     
     

Điện thoại:

(Sau đây gọi là Bên A)

   

Bên nhận uỷ quyền

 

CÔNG TY LUẬT TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MINH KHUÊ

Địa chỉ trụ sở

 

Tầng 2, toà nhà FaFim, số 19 Nguyễn Trãi, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Người đại diện

 

                  Chức danh:

Mã số thuế

(Sau đây gọi là Bên B)

 

0106143054                         Điện thoại: 024399xxxx

Hai bên thỏa thuận việc Bên A ủy quyền cho Bên B thay mặt Bên A thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thay mặt bên A thực hiện quyền tự bảo vệ trong luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Vì vậy, Bên B được phép soạn các giấy tờ cần thiết, cũng như các công việc khác liên quan đến việc bảo hộ pháp lý quyền sở hữu trí tuệ nêu trên.

Bên A cam kết sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc đã ủy quyền cho Bên B. Bên B cam đoan sẽ thực hiện đúng nội dung công việc mà Bên A đã ủy quyền.

Giấy ủy quyền sẽ hết giá trị khi Bên B hoàn thành công việc mà Bên A ủy quyền

Bên ủy quyền

(Bên A)

Bên nhận ủy quyền

(Bên B) 

2.2.Thư khuyến cáo như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày...  tháng...  năm 20..

THƯ KHUYẾN CÁO

Kính gửi: Công ti trách nhiệm hữu hạn TX .....

Địa chỉ: số … Gia Lâm, Hà Nội

Đầu thư, thay mặt Công ti nước giải khát Quốc tế Pepsxxx Việt Nam xin gửi lời chào thân mật tới quý công ti. Tôi là Bùi Thị H - Luật sư đại diện sở hữu công nghiệp của Công ti nước giải khát Pepsxxx Việt Nam, hôm nay viết thư khuyến cáo gửi tới quý công ti về vấn đề sau:

Hiện nay, Công ti Pepsxxx Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu “Aquafina và hình (1)” cho sản phẩm nước uống tinh khiết thuộc nhóm 32, theo văn bằng số 99173 được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp ngày 08/04/2008. Thời gian qua, công ti phát hiện trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm nước uống tinh khiết mang nhãn hiệu Aquavina, Aquafine với cách trình bày bao bì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Aquafina và hình” của công ti đang sở hữu và được bảo hộ. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết quý công ti chính là cơ sở chuyên sản xuất và bán ra thị trường hai sản phẩm nước nói trên. Chúng tôi cho rằng, việc công ti T X cho sản xuất, phân phối sản phẩm nước tinh khiết có gắn dấu hiệu “Aquavina”, “Aquafine” là hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của Công ti Pepsxx. Với tư cách là Luật sư đại diện của công ti Pepsxxx, tôi viết thư khuyến cáo này yêu cầu công ti chấm dứt hành vi xâm phạm nói trên để có thể bảo đảm lợi ích và quan hệ hai bên.

Việc Công ti Pepsxxx chúng tôi viết thư khuyến cáo yêu cầu quý công ti T X chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu dựa trên những căn cứ sau:

Trước hết, xin khẳng định, công ti Pepsxxx là chủ sở hữu hợp pháp và độc quyền sử dụng đối với nhãn hiệu “Aquafina và hình”. Không phải ngẫu nhiên mà tôi khẳng định điều đó, bởi Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu “Aquafina và hình” cho sản phẩm nước uống tinh khiết thuộc nhóm 32 của chúng tôi – văn bằng số 99173. Nội dung Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu có ghi rõ: chủ sở hữu nhãn hiệu “Aquafina và hình” là Công ti nước giải khát Quốc tế PepsiCo Việt Nam; đối tượng bảo hộ là nhãn hiệu “Aquafina và hình” (bao gồm cả màu sắc) cho sản phẩm nước uống tinh khiết thuộc nhóm 32; phạm vi bảo hộ bao gồm phần chữ “Aquafina” và phần hình (theo mẫu nhãn hiệu (1) mà chúng tôi đính kèm thư này). Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu của chúng tôi được cấp ngày 08/04/2008, do đó, đến nay vẫn còn hiệu lực, tức là chưa quá thời hạn bảo hộ nhãn hiệu. Đây là căn cứ pháp lí quan trọng mà chúng tôi mong quý công ti đặc biệt lưu tâm, bởi theo khoản 1 Điều 123 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau:

a, Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp […];

 b, Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp […];

 c, Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp […]”.

Mà chủ sở hữu nhãn hiệu chính “là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng kí quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng” (khoản 1 Điều 121 Luật sở hữu trí tuệ 2005). Như vậy, đây là căn cứ pháp lí chứng minh chỉ công ti Pepsxxx Việt Nam mới là chủ sở hữu đối với nhãn hiệu “Aquafina và hình”, đồng thời cũng là chủ thể duy nhất được phép sử dụng nhãn hiệu này. Theo đó, chúng tôi có quyền ngăn cấm người khác, cụ thể trong trường hợp này là quý công ti sử dụng nhãn hiệu đã và đang được bảo hộ của công ti chúng tôi.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng hành vi sản xuất và phân phối các sản phẩm nước uống mang nhãn hiệu Aquavina, Aquafine với cách trình bày bao bì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Aquafina và hình” là hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của công ti Pepsxxx. Cụ thể, dựa theo quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ , hành vi nói trên của quý công ti là hành vi “sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”, tức là có dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu của cùng một sản phẩm. Thêm vào đó, khoản 1 Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (2)  “Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ”.

Cũng trong Nghị định 105/2006/NĐ-CP, khoản 3 Điều 11 quy định “xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ” và có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi chứng minh được cả hai điều kiện: “dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ”; đồng thời “hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ. Dựa vào các quy định của pháp luật này, công ti Pepsxxx Việt Nam đã tiến hành so sánh, đối chứng hai mẫu vật theo điểm a, khoản 39.8, khoản 39.9 Điều 39 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (3) và đưa ra kết luận sau:

Về phần chữ, “Aquafina” và “Aquavina”, “Aquafine” có sự tương tự rất lớn, hầu như không khác biệt.

Đánh giá mặt cấu trúc: cả ba từ đều có tổng số kí tự là 8; hai dấu hiệu mà chúng tôi coi là tương tự có số kí tự trùng với nhãn hiệu được bảo hộ là 7/8 kí tự, tức là chỉ khác 01 kí tự. Ba từ đều bắt đầu bằng tổ hợp chữ cái “Aqua”; xét theo từng cặp, “Aquafina” và “Aquavina” cùng kết thúc bằng thứ tự các chữ cái “ina”; “Aquafina” và “Aquafine” cũng có cùng cụm chữ cái “fin” ngày sau từ “Aqua”. Về mặt tổng thể cấu trúc từ, nếu không có sự chú ý đặc biệt, rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Như vậy, cấu trúc từ mà quý công ti sử dụng có sự tương tự gần như tuyệt đối với nhãn hiệu mà công ti Pepsxxx đã đăng kí bảo hộ.

Đánh giá mặt phát âm: có thể nhận thấy trước tiên, cả ba từ đều được phát âm thành 04 âm tiết, cụ thể tôi trình bày như sau: nhãn hiệu được bảo hộ “Aquafina” được đọc là “a-qua-phi-na”, hai dấu hiệu tương tự có cách phát âm là “a-qua-vi-na” và “a-qua-phi-ne”. Rất rõ ràng, hai dấu hiệu tương tự chỉ có được một chút khác biệt khi thay thế một phụ âm hoặc một nguyên âm trong từ, tuy nhiên, khi đọc nhanh cả 04 âm tiết, âm “vi-na” và “phi-ne” đều có thể bị biến âm trở thành “phi-na”.

Đánh giá mặt ý nghĩa: đây đều là các từ ngữ không thể dịch nghĩa, nó được ghép bằng các chữ cái thuộc bảng chữ cái La-tinh song không tạo nên một ý nghĩa nào.

Đánh giá hình thức thể hiện: ở hai dấu hiệu mà quý công ti gắn trên bao bì sản phẩm có phần chữ A ở đầu được trình bày nhô cao hơn các chữ cái khác, hoàn toàn giống với cách thể hiện kiểu chữ trong nhãn hiệu “Aquafina”. Tiếp đó, màu trắng của chữ “Aquavina”, “Aquafine” được kết hợp với nền màu xanh dương điểm thêm các chữ cái nhỏ bên dưới cũng tương tự sự kết hợp màu sắc cho nhãn hiệu độc quyền mà công ti Pepsxxx đăng kí.

Về phần hình, khi chúng tôi tiến hành so sánh cũng nhận thấy những điểm tương tự rất rõ ràng. Bao bì sản phẩm mà quý công ti sản xuất, phân phối có phần hình vẽ mặt trời màu đỏ tỏa sáng phía trên các ngọn núi, tương tự với hình ảnh mặt trời đang lấp ló phía sau những ngọn núi dài với màu sắc đầy tươi mới, trong sáng, đầy sức sống của buổi bình minh trên nhãn hiệu của chúng tôi. Nền màu nhãn hiệu “Aquafina và hình” là màu xanh, làm nổi bật dòng chữ màu trắng, thể hiện sự tinh khiết, trong lành của dòng sản phẩm nước uống chất lượng cao của chúng tôi, và sự thể hiện kết hợp các màu sắc này cũng được chúng tôi đăng kí bảo hộ. Quý công ti đã sản xuất các bao bì có cách trình bày hình ảnh, dấu hiệu kết hợpvới màu sắc tương tự như cách thể hiện màu sắc nhãn hiệu của công ti Pepsxxx.

Trong tổng thể nhãn hiệu “Aquafina và hình”, thành phần mạnh (yếu tố tác động mạnh vào cảm giác người tiêu dùng, gây chú ý, ấn tượng khi quan sát) chính là phần chữ. Dựa vào thành phần mạnh này mà khách hàng có thể phân biệt sản phẩm của chúng tôi với các hàng hóa khác trên thị trường, vậy mà, như đã trình bày, các đặc điểm của dấu hiệu chữ “Aquavina”, “Aquafine” đều gần như trùng với nhãn hiệu được bảo hộ của công ti Pepsxxx.

Ở khía cạnh khác, nếu sản phẩm của quý công ti là một hàng hóa khác loại so với sản phẩm mang nhãn hiệu bảo hộ của công ti Pepsxxx thì có thể vụ việc đã đi theo một chiều hướng khác, tuy nhiên, có lẽ chính quý công ti cũng nhận thức được sự giống nhau hoàn toàn giữa sản phẩm hai công ti, đều là nước uống tinh khiết. Đánh giá sự tương tự của hàng hóa này, chúng tôi đều dựa trên các cơ sở pháp lí, cụ thể, điểm a khoản 39.9 Điều 39 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN chỉ rõ:

Hai hàng hóa hoặc dịch vụ bị coi là trùng nhau (cùng loại) khi hai hàng hóa hoặc hai dịch vụ có các đặc điểm sau đây:

(i) Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo,…) và cùng chức năng, mục đích sử dụng; hoặc

(ii) Có bản chất gần giống nhau và cũng chức năng, mục đích sử dụng”.

Như vậy, hai dấu hiệu tương tự và nhãn hiệu được bảo hộ đều được sử dụng cho cùng một loại hàng hóa; điều kiện về tính trùng giữa hàng hóa của công ti T X với sản phẩm được bảo hộ của công ti Pepsxxx cũng đã được chứng minh.

Tất cả sự tương tự mà tôi đã nêu ở trên gần như đã trùng với nhãn hiệu được bảo hộ, đến mức làm cho người tiêu dùng nhầm lẫm giữa sản phẩm của công ti Pepsxxx và sản phẩm của công ti T X, theo khảo sát, chúng tôi còn được biết nhiều khách hàng đã tưởng lầm rằng sản phẩm mang dấu hiệu “Aquavina”, “Aquafine” là sản phẩm của công ti chúng tôi, và cho rằng hai dấu hiệu tương tự đó có thể là nhãn hiệu liên kết của công ti chúng tôi. Đây chính là căn cứ thực tế chứng minh cho sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu mà quý công ti sử dụng so với nhãn hiệu được bảo hộ  của công ti PepsiCo Việt Nam. Rõ ràng, cùng một kênh tiêu thụ, cùng nhóm hàng hóa, tương tự về dấu hiệu nhãn hiệu, thì khả năng sản phẩm của hai công ti được bày bán tại cùng một điểm bán hàng là rất lớn, việc nhầm lẫn của khách hàng giữa hai sản phẩm là không thể tránh khỏi. Đây là các sản phẩm có giá thành không quá cao, khách hàng khi mua thường không có sự chú ý soi xét kĩ lưỡng nhãn hiệu, vì thế, khả năng gây nhầm lẫn rất lớn. 

Từ thực tế này, với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu “Aquafina và hình”, công ti Pepsxxx hoàn toàn có quyền yêu cầu công ti T X chấm dứt ngay hành vi xâm phạm này để bảo đảm quyền lợi của công ti.

Thứ ba, giữa công ti Pepsxxx Việt Nam và công ti T X không tồn tại bất kì một hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hay hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nào. Như vậy, công ti PepsiCo chưa hề cho phép công ti Trường Xuân sử dụng mẫu nhãn hiệu đã đăng kí. Đồng thời, việc sử dụng dấu hiệu tương tự của quý công ti cũng không thuộc trường hợp giới hạn quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại điểm b, điểm h khoản 2 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, hành vi của quý công ti mà tôi cho rằng xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Aquafina và hình” do công ti Pepsxxx độc quyền là hành vi xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, do đó, chịu sự điều chỉnh của luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, văn bản dưới luật hiện hành.

Như vậy, tôi cho rằng, hành vi sản xuất, phân phối các sản phẩm có gắn dấu hiệu “Aquavina”, “Aquafine” với cách trình bày bao bì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Aquafina và hình” của công ti Pepsxxx Việt Nam là hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu.

Từ những lí lẽ trên, thay mặt công ti Pepsxxx Việt Nam, tôi đề nghị quý công ti:

Một là, chấm dứt sử dụng dấu hiệu tương tự nhãn hiệu bào hộ, chấm dứt sản xuất, phân phối sản phẩm có bao bì gắn các dấu hiệu tương tự đó để tránh sự nhầm lẫn của người tiêu dùng, tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp của công ti Pepsxxx Việt Nam (các hành vi sử dụng dấu hiệu được hiểu theo quy định tại điểm a, b khoản 5 Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ).

Hai là, đề nghị công ti thu hồi các sản phẩm có gắn dấu hiệu tương tự đã phân phối trên thị trường, tiêu hủy trong thời gian sớm nhất (tối đa 2 tháng kể từ ngày nhận được thư này).

Ba là, nếu công ti vẫn tiếp tục sản xuất hoặc không tiến hành thu hồi như thời hạn thì công ti chúng tôi sẽ gửi công văn đề nghị xử lí vi phạm tới Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, như vậy, thiệt hại về tiền bồi thường của quý công ti sẽ chỉ tăng thêm. Do đó, công ti hãy thực hiện hành vi phù hợp với quy định của pháp luật, tránh những rắc rối sau này.

Bốn là, đề nghị quý công ti thiết kế một nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình mà có sự phân biệt đối với nhãn hiệu “Aquafina và hình” của công ti Pepsxxx Việt Nam.

Với những gì tôi đại diện công ti Pepsxxx Việt Nam trình bày trong thư, hi vọng rằng công ti T X sẽ đưa ra quyết định đúng đắn, từ đó tiếp tục phát triển, hạn chế tối đa những tổn thất mà công ti có thể gặp phải, cũng vì thế mà quyền lợi hợp pháp của công ti chúng tôi có thể đươc bảo vệ, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh giữa hai bên công ti.

Xin chân thành cảm ơn!

 

Người gửi

 

Theo luatmihkhue

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa xử phạt đối với 2 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên không gian mạng.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Suntory PepsiCo Việt Nam và nhãn hàng Pepsi đã tổ chức sự kiện “Pepsi – Thirsty for more” nhân kỷ niệm 30 năm sản phẩm Pepsi đầu tiên có mặt tại Việt Nam và đánh dấu kỷ nguyên mới. Sự kiện cũng nhằm đánh dấu sự kiện Pepsi thay đổi bộ nhận diện toàn cầu mới.
Tài sản trí tuệ 2 tuần trước
(SHTT) - Đối với các công ty khởi nghiệp, việc có thể bảo vệ tốt các tài sản trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng vững chắc tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và lâu dài.
Tài sản trí tuệ 2 tuần trước
(SHTT) - Sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về các sản phẩm OCOP.
Tài sản trí tuệ 2 tuần trước
(SHTT) - Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định số 9358/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể “Cây giống lâm nghiệp Hữu Lũng” cho sản phẩm cây giống lâm nghiệp của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.