SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 10/04/2024
  • Click để copy

Phơi nhiễm HIV là gì, làm gì khi bị phơi nhiễm HIV?

06:21, 04/07/2017
(SHTT) - Phần lớn các phơi nhiễm và nhiễm trùng xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ hiện nhiễm các mầm bệnh trong máu ở dân cư nói chung cao và việc tiếp cận các thiết bị an toàn và thiết bị bảo vệ còn hạn chế.
phoi

Phơi nhiễm HIV là gì, làm gì khi bị phơi nhiễm HIV? 

Phơi nhiễm HIV là gì?

Mới đây, 24 người, bao gồm 17 nhân viên y tế và 7 người dân sau khi cứu một người tai nạn giao thông có H trong vụ tai nạn nghiêm trọng ở xã Đắk Hrinh, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, đã phải điều trị phơi nhiễm HIV khiến cho nhiều người lo ngại.

Phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Các tình huống phơi nhiễm HIV chính gồm: Do kim chứa máu của người nhiễm HIV đâm vào; vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh; tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương (chàm, bỏng, viêm loét từ trước) hoặc niêm mạc (mắt, mũi, họng); do người nghi nhiễm HIV cắn; quan hệ tình dục không an toàn.

Trong số 35 triệu nhân viên y tế trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm hơn ¼ triệu nhân viên chăm sóc sức khoẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ HIV trong các cơ sở chăm sóc sức khoẻ. Kết quả là, 1.000 người có thể bị nhiễm HIV.

Phần lớn các phơi nhiễm và nhiễm trùng xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ hiện nhiễm các mầm bệnh trong máu ở dân cư nói chung cao và việc tiếp cận các thiết bị an toàn và thiết bị bảo vệ còn hạn chế.

Tuy nhiên, tương đối một tỷ lệ nhỏ các trường hợp từ các khu vực này được ghi nhận bởi vì giám sát có hệ thống rất khó thực hiện và duy trì trong các môi trường như vậy. Người ta ước tính rằng 4,4% (khoảng từ 0,8 đến 18,5%) của tất cả các trường hợp nhiễm HIV trong các nhân viên y tế là do tiếp xúc nghề nghiệp và ít nhất một nửa trong số các trường hợp này xảy ra ở vùng cận Sahara của Châu Phi.

Quy trình xử lý được chia thành 2 bước như sau:

Xử lý vết thương tại chỗ:

Với tổn thương da chảy máu:

- Rửa ngay vết thương dưới vòi nước.

- Để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn.

- Rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn y tế) trong thời gian ít nhất là 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút.

Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi:

- Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9%

- Xúc miệng bằng nước NaCL 0,9% nhiều lần.

Về nguy cơ phơi nhiễm:

Nguy cơ cao:

- Tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều

- Máu và các dịch của người có H bắn vào các vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Nguy cơ thấp:

- Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít

- Máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương , viêm lóet.

Không có nguy cơ: Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương.

* Điều trị phơi nhiễm bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV)

Đối với những trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm thì không cần điều trị. Với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV.

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 tiếng.

Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần và có thể sử dụng các phác đồ sau theo chỉ định của bác sĩ: ZDV 3TC hoặc d4T 3TC.

Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV thông qua các xét nghiệm: xét nghiệm công thức máu, đo chỉ số men gan ALT/SGPT lúc bắt đầu điều trị và sau khi điều trị được hai tuần, xét nghiệm đường máu.

Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó.

Y bác sĩ phơi nhiễm HIV có được hưởng chế độ?

Theo quy định của Chính phủ, những y, bác sĩ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, phơi nhiễm HIV trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân sẽ được xét nghiệm, uống thuốc dự phòng miễn phí, được nghỉ việc 20 ngày và hưởng nguyên lương để điều trị.

Những người bị nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ sẽ được hưởng trợ cấp một lần ít nhất bằng 30 tháng lương, được hưởng chế độ nghỉ hưu khi làm việc 20 năm. Nếu tử vong, gia đình được hưởng tử tuất, theo quy định.

Những người không thuộc lực lượng chức năng không được hưởng miễn phí khi điều trị phơi nhiễm HIV.

PV (t/h)

Tin khác

Khoa học Công nghệ 9 giờ trước
(SHTT) - TP Hải Phòng đang tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và sáng kiến để phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Khoa học Công nghệ 9 giờ trước
(SHTT) - Những mô hình não 3D được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể giúp giải thích lý do chấn động não và các chấn thương sọ não (CTSN) khác làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Văn phòng Thống đốc tiểu bang Washington dẫn đầu phái đoàn gồm khoảng 46 lãnh đạo doanh nghiệp, cảng, ngành công nghiệp và giáo dục trong chuyến thăm của phái đoàn thương mại kéo dài năm ngày đến Việt Nam. Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp của tiểu bang Washington cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động của đoàn.
Khoa học Công nghệ 4 ngày trước
Mỗi năm, Thừa Thiên Huế sử dụng 200 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, thải ra môi trường khoảng 20 tấn bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Nghiên cứu chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa thay thế hóa chất là hướng đi quan trọng để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Khoa học Công nghệ 4 ngày trước
(SHTT) - Trước việc các vụ tấn công của hacker diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua, tiêu biểu là vụ tấn công vào hệ thống của VNDIRECT và PVOIL, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia vừa phát đi thông báo về các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam.