SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Nữ điều dưỡng khóc nghẹn khi con gái đòi bế

15:11, 30/05/2021
Có mẹ nào hôm qua xem đoạn clip bé gái khóc nấc, giơ tay đòi bế khi thấy mẹ xuất hiện trên TV mà cũng rơi nước mắt giống em không?

Có mẹ nào hôm qua xem đoạn clip bé gái khóc nấc, giơ tay đòi bế khi thấy mẹ xuất hiện trên TV mà cũng rơi nước mắt giống em không? 

 Chỉ những ai từng làm mẹ mới hiểu, xa con 1 ngày đã xót xa, nhớ con quay quắt, huống hồ là cả tháng trời.... 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Bắc Giang đang diễn biến phức tạp, rất nhiều đoàn tình nguyện cùng các y bác sĩ ở nhiều tỉnh thành đã xung phong về Bắc Giang hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh. Trong số đó, không ít các y bác sĩ đã phải gửi lại con nhỏ cho ông bà, người thân để lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một bé gái oà khóc nức nở khi bất ngờ nhìn thấy mẹ xuất hiện trên TV. Dù được người thân bên cạnh dỗ dành, nhưng bé gái vẫn liên tục nhìn về phía màn hình TV khóc, rồi giơ hai tay đòi mẹ bế.

Bé gái oà khóc nức nở khi nhìn thấy mẹ trên tivi khiến nhiều người xúc động.

Người đăng đoạn video cho hay: "Đây là cháu gái mình khi nhìn thấy mẹ trên tivi. Mẹ em công tác ở bệnh viện Quân y 103 đang đi tăng cường chống dịch ở Bắc Giang. Khi đi, em vẫn còn đang ti sữa mẹ nên em nhớ mẹ lắm. Bình thường em ngoan nghe lời mọi người, mà nay đang chơi vui nghe thấy tiếng mẹ trên tivi cứ khóc rồi giơ tay đòi mẹ bế.

Chúc các thiên thần áo trắng sức khoẻ để chống dịch nhé. Chỉ mong mọi người cùng nhau có ý thức chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 qua thật nhanh".

Ngay sau khi những hình ảnh trên được chia sẻ đã khiến nhiều người xúc động. Có lẽ bởi em bé quá nhớ mẹ sau nhiều ngày không được gặp gỡ, không được mẹ ôm ấp, vỗ về nên cô bé đã oà khóc.

Được biết, bé gái trong clip tên là Kem, có mẹ là bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh đang là một trong hơn 100 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 được điều động đến tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Con đang còn rất nhỏ, vẫn trong độ tuổi bú mẹ, dù thương con nhưng chị Hạnh vẫn quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ cùng đồng đội.

Chị Hạnh đang phải xa chồng và cô con gái 20 tháng tuổi để lên đường chi viện tâm dịch Bắc Giang - Ảnh: TNO

Trong đoạn phóng sự ngắn, chị Hạnh cũng chia sẻ nỗi nhớ con cũng như trăn trở của bản thân trước khi lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.

Nhắc đến con nhỏ, chị Hạnh nghẹn ngào chia sẻ trên Báo Thanh Niên, “Khi tôi nhận nhiệm vụ là lúc 10h đêm. Thông báo của bệnh viện là 7h30 sáng hôm sau tập trung để lên đường. Lúc đó, cảm xúc của tôi rất là sợ vì đây đúng là lần đầu xa con mà con lại còn quá nhỏ, nên thương lắm. 

Cả đêm hôm đó tôi trằn trọc không thể ngủ được, cứ nhìn con là tôi lại khóc. Sáng hôm sau, khi chồng tôi đưa sang bệnh viện. Trên đường đi chồng cũng động viên nhiều lắm nhưng thật sự là cũng không yên tâm cho 2 bố con ở nhà. 

Nữ bác sĩ ở tâm dịch Bắc Giang nghẹn ngào khi nghĩ đến con gái: “'Cả ngày, tôi chỉ dám gọi 1 cuộc video thôi. Ban đầu thì con cười đấy, lúc sau là mẹ ơi, bế, làm tôi không kìm lòng được' 

Bé gái khóc đòi bế sau mỗi cuộc video call với mẹ - Ảnh: FB Tâm Nhi

Chị kể, nhiều lần gọi về, con lại òa lên, đòi bế, đành phải tắt máy. Thương con, chị tự nhủ phải cẩn thận để tránh nguy cơ lây nhiễm, thời gian được trở về bên con sẽ còn lâu hơn nữa. Lời hứa "ngoan, mấy hôm nữa mẹ về", nhưng chị biết hiện "đó là lời nói dối".

Xa con nên mấy hôm đầu tôi bị tắc sữa, sốt liên tục. Cứ đang làm nhớ con tôi lại khóc, mà nhớ con thì sữa càng về, càng tắc sữa. Không cho con bú cảm giác stress lắm. Mỗi lần ngồi vắt sữa tôi cũng nghĩ cảnh con khóc đêm, mình thì đang vắt sữa bỏ đi, con lại không có sữa để ti. Trong khi đó trước kia là đi làm tôi thường xin về trưa để cho con ti và cũng chưa từng xa con 1 ngày. Cảm giác của người mẹ khi sữa về mà không cho con ti đau khổ vô cùng”.

Suốt ca trực, chị Hạnh phải mặc đồ bảo hộ kín mít khiến mồ hôi ướt sũng - Ảnh: TNO

Đã 10 ngày trôi qua, chị Hạnh vẫn chưa ngủ đêm được vì nhớ con. Ở nhà biết tính của chị nên liên tục nhắn tin động viên, an ủi rằng bé Kem rất ngoan. “Nhưng con em em biết mà, mọi người động viên thế thôi chứ rảnh em vẫn mở camera xem, thấy bà rong ăn mãi chẳng ăn, có đêm tỉnh dậy nó khóc, xót hết cả ruột”.

Hôm nào được nghỉ ca, chị chỉ chăm chăm nhìn vào camera ở nhà, xem con ở nhà làm gì, có quấy khóc không. Trưa nay, vừa thấy em gái gửi clip con khóc khi thấy mẹ trên TV chị cũng khóc ướt gối.

Chị xúc động nói: “Lúc đó cả nhà đang ăn cơm, thấy mẹ thì Kem chạy len qua mọi người đòi bế, mà rõ là tôi đang đeo khẩu trang, chắc Kem nhận ra giọng mẹ. Tôi xem tôi khóc suốt từ chiều đến giờ”.

Hình ảnh thường ngày đáng yêu của bé Kem - Ảnh: FB Tâm Nhi

Chị Hạnh cũng hy vọng, với sự cố gắng ngày đêm của lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như sự chung tay của người dân cả nước, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để những người mẹ xa con nhỏ như chị sớm được về nhà.

Mỗi khi nhớ đến con, ngực lại đau nhói, sữa tràn về, lòng cũng xót xa. Nhưng tôi là điều dưỡng, lại là một quân nhân nên mình chỉ biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ", chị Hạnh bật khóc. 

Chia sẻ trên Báo Thanh Niên, chị Hường (dì của cháu bé) cũng là người đăng tải đoạn clip nói trên cho biết, trong những ngày mẹ về hỗ trợ các y bác sĩ ở Bắc Giang truy vết, dập dịch, bé Kem đều rất ngoan, không khóc và không đòi mẹ. “Nay đang ăn cơm thì nghe thấy tiếng mẹ trên chương trình TV, bé Kem nhận ra nên khóc nức nở. Sợ bé nhớ mẹ rồi đòi nên mỗi hôm mẹ bé chỉ dám gọi về một lần để gặp con. Bình thường bé chơi khá ngoan, nhưng mỗi lần mẹ gọi về như vậy là lại đòi". 

Mọi người đều gửi lời chúc sức khoẻ đến 2 mẹ con, mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để chị Hạnh có thể sớm về bên gia đình 

Chị Hường cũng cho biết thêm, khi có người thân là y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, hàng ngày phải đương đầu với nguy cơ lây nhiễm cao thì chị và gia đình cũng vô cùng lo lắng. “Gia đình mình cũng lo lắng lắm, nhưng vì nhiệm vụ, vì những bà con nơi tâm dịch nên mọi người cũng động viên cho chị cùng các đồng nghiệp an tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mình chỉ thương Kem còn nhỏ mà phải xa mẹ. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua và mình cũng chúc các y bác sĩ có sức khoẻ, yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ và sự mệnh cao cả". 

Có nỗi nhớ nào day dứt khôn nguôi hơn mẹ nhớ con, chỉ muốn chạy thật nhanh về ôm con vào lòng cho thỏa lòng. Nhưng vì nhiệm vụ, vì công cuộc chống dịch vẫn đầy cam go, chị Hạnh cũng như biết bao nữ nhân viên y tế khác phải nén lòng, gói ghém những nhớ nhung lại vì công việc chung.

Cũng nhờ đó mà chúng ta càng cảm nhận rõ sự hy sinh thầm lặng của những thiên thần áo trắng nơi tâm dịch. Hãy là một công dân có ý thức, chung tay phòng chống dịch bệnh để các nhân viên y tế sớm được trở về với gia đình./

Tổng hợp : Webtretho 

Tin khác

Tâm sự cuộc sống 4 năm trước
Cách làm món trứng hấp đậu phụ, thịt băm ngon quắt tai:
Tâm sự cuộc sống 4 năm trước
Miếng dưa giòn đậm đà vị mắm, ngọt ngọt vị đường cùng với vị cay của ớt khiến chúng ta ăn mãi vẫn không chán.
Tâm sự cuộc sống 4 năm trước
Để có một đĩa miến xào ngon miệng và bắt mắt thì việc tưởng chừng đơn giản lại ít ai biết cách thực hiện được. Với những hướng dẫn cụ thể sau đây, món miến xào của bạn chắc chắn sẽ ngon và lại không bị dính, trông càng thêm hấp dẫn đấy! Tham khảo ngay nhé!
Tâm sự cuộc sống 4 năm trước
Nước chấm được ví như linh hồn mang đến vị ngon trọn vẹn cho mỗi món ăn. Dưới đây là 12 công thức pha nước chấm tuyệt ngon dành riêng cho mỗi món ăn mà bà nội trợ nào cũng nên biết.
Tâm sự cuộc sống 4 năm trước
Có ai nghiện mít giống em không, chồng con chả ai ham nên lần nào cũng mua mấy cân về ăn một mình. Mít đang vào mùa vừa giòn ngọt lại rẻ, thế mà chẳng dám ăn nhiều vì sợ nóng các mẹ ạ. Số em toàn mê của độc, nhiều khi thèm cũng chẳng dám mua cũng vì sợ hại sức khỏe, rồi lại nổi mụn, xấu xí, già nua.